Huyện Lạc Sơn bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Huyện Lạc Sơn có trên 15,7 vạn người, trong đó dân tộc Mường chiếm khoảng 92%. Trên địa bàn huyện còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của người Mường như: nhà sàn, chiêng, mo, trang phục, nghề truyền thống, hát thường rang, bộ mẹng... Cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện chú trọng triển khai các giải pháp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Niềm tự hào và ý thức giữ gìn bản sắc được khơi dậy trong cộng đồng.

Huyện Lạc Sơn có trên 15,7 vạn người, trong đó dân tộc Mường chiếm khoảng 92%. Trên địa bàn huyện còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của người Mường như: nhà sàn, chiêng, mo, trang phục, nghề truyền thống, hát thường rang, bộ mẹng... Cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện chú trọng triển khai các giải pháp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Niềm tự hào và ý thức giữ gìn bản sắc được khơi dậy trong cộng đồng.

Đồng bào dân tộc Mường xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) chơi đánh mảng trong ngày vui tại cộng đồng.

Đồng bào dân tộc Mường xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) chơi đánh mảng trong ngày vui tại cộng đồng.

Những năm gần đây, 9 lễ hội truyền thống trong huyện được phục dựng, gồm: Lễ hội Đu Vôi, đền Thượng, đền Trường Khạ - thị trấn Vụ Bản; lễ hội Đình Băng - xã Ngọc Lâu, đình Khói - xã Ân Nghĩa, đình Khênh - xã Văn Sơn, hang Khụ Dúng - xã Nhân Nghĩa, đình Cổi - xã Vũ Bình, xuống đồng - xã Yên Phú. Các câu lạc bộ (CLB) thơ ca, hát thường rang, bộ mẹng, múa dân gian, mo Mường, chiêng Mường... được thành lập và duy trì hoạt động.

Vào dịp đầu năm 2023, 2024, Huyện ủy, UBND huyện quan tâm tổ chức hội nghị gặp mặt các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, thực hành bảo tồn văn hóa truyền thống trên địa bàn. Hàng năm, mở lớp truyền dạy đánh chiêng Mường, hát thường rang, bộ mẹng; hỗ trợ chiêng, trang phục Mường cho đội văn nghệ các xã và thành viên CLB Mo Mường trong khuôn khổ dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.

Huyện thực hiện số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh tại 5 di tích lịch sử, văn hóa gắn với chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, gồm di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Chiến khu Mường Khói, xã Ân Nghĩa và các di tích cấp tỉnh: Đình Khói - xã Ân Nghĩa, Đình Cổi - xã Vũ Bình, Nơi ghi dấu lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến - xã Thượng Cốc, Đình Khênh - xã Văn Sơn. Các hoạt động thi đấu thể thao, giao lưu văn hóa văn nghệ được tổ chức nhằm bảo tồn các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian của dân tộc Mường trên địa bàn.

Hiện nay, huyện đã hoàn thành đầu tư nâng cấp, tu bổ, tôn tạo di tích cấp quốc gia Chiến khu Mường Khói với kinh phí khoảng 8 tỷ đồng. Đối với 3 di tích: hang Khụ Dúng - xã Nhân Nghĩa, đình Băng - xã Ngọc Lâu, địa điểm "Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu” tại xóm Lọt, xã Tân Mỹ đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng tu bổ, tôn tạo. Đáng mừng là di tích Hang xóm Trại - xã Tân Lập và Mái đá làng Vành - xã Yên Phú vừa vinh dự được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt. Huyện đang hướng dẫn 2 xã rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung trong xây dựng nông thôn mới để thực hiện quy hoạch tu bổ, tôn tạo trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, huyện phối hợp Sở VH,TT&DL kiểm kê, tư liệu hóa truyện cổ dân tộc Mường; khảo sát thống kê, phân loại các loại hình di sản văn hóa (lễ hội, trò chơi dân gian, phong tục tập quán...) để nghiên cứu, sưu tầm giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể cần bảo tồn, khôi phục.

Đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết: Nhằm bảo tồn, phát huy hơn nữa bản sắc văn hóa dân tộc Mường, cấp huyện và cấp cơ sở thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu nhạc cụ dân tộc, múa hát dân gian, tạo môi trường tốt cho sinh hoạt văn hóa truyền thống; biểu dương kịp thời các đơn vị quan tâm giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, động viên nghệ nhân tâm huyết. Khôi phục các trò chơi dân gian (đánh cù, đánh găng, đánh đu, đi cà kheo, đánh mảng, vật dân tộc), bảo tồn không gian văn hóa chiêng Mường, phục dựng các lễ hội truyền thống. Đầu tư phục hồi, tôn tạo các di tích trên địa bàn huyện. Mở các lớp truyền dạy di sản văn hóa có nguy cơ mai một, các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho già làng, người có uy tín, nghệ nhân; nhân rộng các CLB nhằm quy tụ nhân tài trẻ đam mê văn hóa truyền thống. Huyện cũng tăng cường phối hợp Sở VH,TT&DL đề xuất đầu tư xây dựng Bảo tàng "Văn hóa Hòa Bình" thời tiền sử tại xã Tân Lập; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng không gian văn hóa Mường xã Yên Phú.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/192095/huyen-lac-son-bao-ton-ban-sac-van-hoa-dan-toc-muong.htm