Huyện Như Thanh giải quyết triệt để những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý di tích, danh thắng

Huyện Như Thanh đã, đang tích cực rà soát, đánh giá hiện trạng và giải quyết triệt để những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý di tích, danh thắng, qua đó đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể của địa phương.

Du khách đi lễ tại Khu di tích Phủ Na dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Một trong những tồn tại, bất cập nổi cộm nhất trong những năm gần đây là việc một nhà sàn xây dựng không phép trong Khu di tích đền Khe Rồng (hay còn gọi là đền Đức Ông) hiện nằm ở khu phố Vĩnh Long 1, thị trấn Bến Sung) – di tích cấp tỉnh. Nhà sàn được xây dựng từ cuối năm 2019 này nằm trên địa điểm xây dựng nhà khách của di tích theo bản đồ quy hoạch. Tuy nhiên, nhà sàn này lại không hề có bất cứ giấy tờ, thủ tục nào được cơ quan chức năng cấp phép cho xây dựng, hay phê duyệt về thiết kế công trình. Hơn nữa, việc sử dụng nhà sàn này cũng không đúng chức năng, không nằm trong các hạng mục quy hoạch của di tích đền Khe Rồng. Công trình không phép này đã phá vỡ quy hoạch kiến trúc tổng thể, ảnh hưởng đến sự trang nghiêm, linh thiêng của di tích đền Khe Rồng.

Trước tình hình đó, huyện Như Thanh đã khẩn trương làm việc với các cá nhân, đơn vị có liên quan để sớm có phương án giải quyết triệt để vấn đề này. Đến nay, phương án đã được đưa ra đó là sẽ di dời nhà sàn này ra khỏi khu vực Khu di tích đền Khe Rồng và sẽ phải hoàn thành sớm trong năm 2022. Qua sự việc, huyện và các đơn vị có liên quan, địa phương (thị trấn Bến Sung) đã rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể có liên quan. Điều quan trọng nhất là Khu di tích đền Khe Rồng sẽ được trả lại nguyên trạng mặt bằng theo quy định của Luật Di sản và các quy định về công tác quản lý, di tích, danh thắng của pháp luật hiện hành.

Khu di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh Phủ Na (xã Xuân Du) - di tích cấp tỉnh là một trong những điểm đến tâm linh thu hút lượng người dân và du khách đông nhất của huyện Như Thanh. Những năm qua, huyện đã thường xuyên thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo các hạng mục thuộc khu di tích theo đúng các quy định của pháp luật; đồng thời tăng cường công tác quản lý, bảo đảm để người dân và du khách tới dâng hương, tham quan, đi lễ được thuận lợi; thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ công tác phòng chống dịch. Điển hình là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, huyện đã chỉ đạo xã Xuân Du, ban quản lý di tích, các đơn vị có liên quan tiến hành rà soát bố trí hợp lý khu vực bãi gửi xe, khu vực bán đồ lễ, khu vực dâng hương, đi lễ, xin nước tại khu vực đền Chín Giếng... dẹp bỏ nạn mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình... bảo đảm văn minh tín ngưỡng. Đây cũng là giải pháp hiệu quả nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý, phát huy giá trị của di tích, tạo điểm đến du lịch tâm linh an toàn, văn minh. Cuối tháng 3-2022, công trình cổng tam quan của di tích Phủ Na đã được cấp phép xây dựng và sẽ được khởi công với tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Đây sẽ là điểm nhấn kiến trúc đẹp cho khu di tích này trong thời gian tới.

Theo thống kê của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Như Thanh, trên địa bàn huyện hiện nay có 1 di tích cấp quốc gia là Di tích lịch sử cách mạng Lò cao kháng chiến (xã Hải Vân); 4 di tích cấp tỉnh gồm Khu di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh Phủ Na (xã Xuân Du); đền Khe Rồng, đền Phủ Sung (thị trấn Bến Sung); đền thờ Bạch Y công chúa (xã Phú Nhuận). Đến nay, huyện cũng đã xây dựng các phương án tăng cường công tác quản lý với phương châm thực hiện đúng các quy định của pháp luật đối với di tích danh thắng, thực hiện đầy đủ công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập phát sinh. Các địa phương, đơn vị duy trì việc báo cáo thường xuyên, đề xuất, kiến nghị để UBND huyện làm căn cứ, qua đó sớm có các phương án giải quyết khẩn trương, hiệu quả, đúng quy định, đồng thời kiến nghị những vấn đề vượt thẩm quyển lên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh. Nhờ đó, đã hạn chế những vấn đề nổi cộm phát sinh gây bức xúc trong Nhân dân và dư luận.

Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Như Thanh Đinh Xuân Thắng cho biết: Mặc dù số lượng di tích, danh thắng trên địa bàn huyện không nhiều, tuy vậy, công tác quản lý là cơ sở quan trọng để tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Các di tích, danh thắng trên địa bàn huyện Như Thanh được xem là điểm nhấn nhằm thúc đẩy du lịch của huyện phát triển vì vậy, huyện cũng đã có chủ trương tôn tạo, sửa chữa các di tích trọng điểm, tiếp tục bảo vệ các di tích theo luật định. Huyện cũng đang làm đề xuất trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt trùng tu Di tích lịch sử cách mạng Lò cao kháng chiến với mức 5 tỷ đồng. Đối với các di tích còn lại, huyện rà soát, đánh giá hiện trạng, tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, phát huy để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Mạnh Cường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/huyen-nhu-thanh-giai-quyet-triet-de-nhung-bat-cap-ton-tai-trong-cong-tac-quan-ly-di-tich-danh-thang/155552.htm