Huyện Phú Xuyên xây dựng hàng loạt điểm du lịch làng nghề
Để phát triển du lịch trên địa bàn, Huyện ủy, UBND huyện Phú Xuyên ban hành nghị quyết chuyên đề xây dựng hàng loạt điểm du lịch làng nghề. Ngày 12/4/2023, UBND huyện tiếp tục có kế hoạch 153/KH-UBND xây dựng, phát triển điểm du lịch…
Điểm du lịch mới
Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Quỳnh cho biết: Phú Yên xưa thuộc đồng chiêm trũng của huyện Phú Xuyên. Trước cách mạng Tháng Tám 1945, đời sống Nhân dân nơi đây còn khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với một vụ bấp bênh.
Sau cách mạng Tháng Tám, người dân Phú Yên vốn cần cù chịu khó ngoài làm nông nghiệp còn ra thành phố học nghề kiếm thêm thu nhập và mang nghề về dạy cho con em trong làng với ba nghề chính: Nghề Sơn ta, nghề May mặc, nghề đóng Giầy da.
Trong thời kỳ bao cấp, những năm của thập niên 80 - 90 thế kỷ trước, Phú Yên nổi lên như một con Rồng với 4 mô hình hợp tác: HTX nông nghiệp, HTX Sơn Mài; HTX May Mặc; HTX đóng giầy da luôn là điểm sáng của huyện Phú Xuyên.
Được hưởng từ chính sách đổi mới của Đảng và chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, xã Phú Yên đã chuyển mình, phát huy thế mạnh của xã có nghề truyền thống đóng Giầy dép da, nghề may Com Lê, nghề Ấp nở con giống gia cầm, vì vậy Phú Yên đã thay da đổi thịt từng ngày.
Với truyền thống anh dũng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xã Phú Yên đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Xã có địa danh cầu Giẽ nổi tiếng thời chống Mỹ với câu chuyện “Cô gái suối hai chàng trai cầu giẽ” đã đi vào bài hát “Hà Tây quê lụa” của nhạc sỹ Nhật Lai.
Xã Phú Yên có 4 thôn đều đã, đang phát triển nghề đóng giầy dép da. Với lịch sử nghề đóng giầy dép da có trên 100 năm. Năm 1918, người nông dân tên là Nguyễn Lương Cát, thôn Giẽ Hạ rời quê ra phố Tràng Tiền học nghề đóng giầy.
Và sau đó truyền lại cho cháu là Nguyễn Lương Mạc mở hiệu lấy tên là Hải Xưởng, cụ vừa bán hàng vừa dạy nghề cho con cháu trong làng tiếp tục sau này được truyền nghề và phát huy nghề đóng giầy dép da suốt hàng chục năm qua.
Từ năm 2001 đến nay, thôn Giẽ Hạ, Giẽ Thượng và Thượng Yên đã được UBND TP công nhận “Làng nghề công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp”. Xuất phát từ nhu cầu liên kết trong sản xuất kinh doanh, Hội giầy da xã Phú Yên được thành lập năm 2003. Hiện nay, còn thôn Thủy Phú cũng đang đề nghị TP công nhận làng nghề.
Cũng ở thời gian qua, Hội Giầy da xã Phú Yên đã làm 1 chiếc giầy da đạt kỷ lục Guiness Việt Nam với chiều dài 2,72m, rộng 1,3m, cao 1,2m, nặng 70kg và đã được trưng bày tại nhiều lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống. Hiện nay, chiếc giầy này được trưng bày ở nhà truyền thống của Hội giầy da.
Ngành mũi nhọn của huyện
Đi dọc đường Tỉnh lộ 428A qua hai thôn Giẽ Hạ và Giẽ Thượng của xã Phú Yên còn có 185 cửa hàng bán và giới thiệu sản các phẩm giầy, dép, thắt lưng, túi sách, ví da của làng nghề truyền thống, trong đó có 4 cửa hàng đạt sản phẩm chất lượng OCCOP 4 sao. Trung bình, mỗi năm Phú Yên cung cấp ra thị trường khoảng 6 triệu đôi giầy…
Xã Phú Yên có đình Giẽ Thượng và đình Giẽ Hạ được công nhận Di tích lịch sử “Kiến trúc - Nghệ thuật” cấp Bộ thờ Thần Quảng Bác Đại Vương thời Hùng Vương thứ XVIII. Hai ngôi đình có quy mô bề thế, cảnh quan đẹp nằm ở khu vực trung tâm của xã. Kiến trúc nghệ thuật nổi bật tiêu biểu thời Lê với nhiều cấu kiện, bức cốn trang trí tinh xảo.
Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Quỳnh chia sẻ: Trước đó, năm 2019 Phú Xuyên đã có xã Vân Từ và Chuyên Mỹ được TP công nhận điểm du lịch làng nghề. Tuy nhiên, nhiều yếu tố khách quan đem lại, đến nay huyện Phú Xuyên mới có thêm xã Phú Yên được công nhận là điểm du lịch làng nghề thứ 3 của huyện.
Do là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống nên huyện Phú Xuyên phấn đấu đến năm 2025 sẽ lựa chọn phát triển thêm 4 điểm du lịch làng nghề tại các xã, như: Năm 2024 đề nghị công nhận xã Tân Dân và Phú Túc, năm 2025 đề nghị công nhận xã Sơn Hà và Phượng Dực.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy: Để phát triển điểm và xây dựng điểm du lịch, huyện gấp rút chỉ đạo các đơn vị khảo sát, đánh giá lại hiện trạng ở các làng nghề, các điểm di tích lịch sử, đình chùa, di sản văn hóa phi vật thể. Tập huấn kiến thức làm du lịch cho người dân trên địa bàn.
Đồng thời, đầu tư hệ thống biển chỉ dẫn làng nghề, giới thiệu về làng nghề, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày không để tồn đọng, bố trí nhà vệ sinh công cộng và bãi đỗ xe. Cùng với đó, đầu tư nâng cấp đường giao thông vào các làng nghề, phát triển các sản phẩm và điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP.
Định hướng trong thời gian tới sẽ xây dựng huyện Phú Xuyên trở thành một trong những điểm quan trọng của TP về phát triển du lịch làng nghề, đưa thương hiệu làng nghề Phú Xuyên thành thương hiệu độc đáo, có tính chuyên biệt vùng miền với hàng loạt sản phẩm chất lượng cao, đa dạng, phát huy được nét đẹp văn hóa dân tộc.
“Cùng với đó, tiếp tục đổi mới tư duy về phát triển du lịch. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, thu hút mọi nguồn lực cho phát triển du lịch và phát triển sản phẩm du lịch. Đầy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển nguồn nhân lực…Đây là tiền đề phát triển kinh tế xã hội cho địa phương” - ông Huy khẳng định.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huyen-phu-xuyen-xay-dung-hang-loat-diem-du-lich-lang-nghe.html