Thực hiện Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP), thời gian qua, huyện Tân Lạc đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Qua đó từng bước nâng cao giá trị hàng nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững.
Sản phẩm rau su su của HTX sản xuất rau an toàn Quyết Chiến (Tân Lạc) đạt chứng nhận OCOP 3 sao góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân địa phương. Xã Quyết Chiến trước đây là một trong những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Tân Lạc. Năm 2021, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Có được kết quả đó, ngoài các nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn có sự nỗ lực vươn lên của chính người dân nơi đây. Đặc biệt với việc xây dựng thành công mô hình trồng rau an toàn và đưa sản phẩm rau su su Quyết Chiến đạt chứng nhận OCOP 3 sao đã góp phần quan trọng để xã thực hiện tiêu chí về thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng NTM. Rau su su là sản phẩm thế mạnh của Quyết Chiến, vốn đã được trồng rộng rãi tại huyện từ năm 2008. Hiện nay, rau su su được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể "Su su Tân Lạc". Để phát triển sản xuất và mở rộng thị trường, HTX Quyết Chiến được thành lập năm 2017 với 7 thành viên, diện tích canh tác hơn 20 ha. Đến nay, HTX có trên 50 thành viên, diện tích gieo trồng hơn 50 ha. Với sản lượng trên 3.200 tấn/năm, giá bán bình quân 4.000 đồng/ kg, rau su su cho thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/năm. Chị Đinh Thị Quyết, Giám đốc HTX Quyết Chiến chia sẻ: Để nâng cao chất lượng, HTX áp dụng tiến bộ KHKT vào canh tác, dán tem truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm. Với chất lượng an toàn VietGAP, đầy đủ tem mác, xuất xứ, đóng gói, bảo quản cẩn thận, rau su su và các loại rau ôn đới của HTX đã vào được chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị tại thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Sản xuất theo quy trình VietGap, ứng dụng KHKT vào sản xuất, tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư... cũng là định hướng mà UBND huyện Tân Lạc đang triển khai nhằm xây dựng các sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện. Ngoài rau su su, hiện nay, huyện Tân Lạc có 6 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao gồm: trà giảo cổ lam Tân Lạc Sơn của HTX Tân Lạc Sơn; du lịch cộng đồng xóm Lũy Ải; bưởi đỏ Sơn Hoa; bưởi đỏ Giang Lộc; bưởi hữu cơ Tân Đông và du lịch cộng đồng xóm Ngòi. Năm 2023, huyện chỉ đạo xây dựng 2 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao và 1 sản phẩm OCOP chứng nhận 4 sao. Đồng chí Phùng Văn Thái, phòng NN&PTNT huyện cho biết: Để tiếp tục thực hiện chương trình, trong thời gian tới, huyện triển khai quyết liệt kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP, trọng tâm là tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân về nội dung chương trình, gương điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất tiêu biểu các sản phẩm đặc trưng và sản phẩm OCOP của huyện; tăng cường rà soát, khuyến khích, hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình, đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt; xây dựng địa điểm trưng bày sản phẩm OCOP cấp huyện; tổ chức đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý Chương trình OCOP, chủ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, chủ thể tham gia chương trình. Để chương trình thực sự đạt hiệu quả, huyện tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp sản phẩm mới, tư vấn hoàn thiện sản phẩm về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, hồ sơ sản phẩm để đánh giá. Tăng cường công tác quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ... Tập trung thực hiện tốt chủ trương phát triển sản phẩm phải đi liền với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp để kích thích quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó giúp tăng thu nhập, phát triển đời sống của người sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Phương Linh