Huyện Tân Lạc khai thác tiềm năng phát triển du lịch

Thời gian qua, huyện Tân Lạc là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, nhiều thắng cảnh đẹp, lễ hội truyền thống, bản sắc dân tộc độc đáo và di sản văn hóa đặc sắc của người Mường, Mường Bi - Tân Lạc dần khẳng định tiềm năng phát triển du lịch bền vững, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm khó quên cho du khách.

Thời gian qua, huyện Tân Lạc là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, nhiều thắng cảnh đẹp, lễ hội truyền thống, bản sắc dân tộc độc đáo và di sản văn hóa đặc sắc của người Mường, Mường Bi - Tân Lạc dần khẳng định tiềm năng phát triển du lịch bền vững, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm khó quên cho du khách.

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường được tổ chức hàng năm tại xã Phong Phú (Tân Lạc) thu hút đông đảo du khách đến tìm hiểu, khám phá.

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường được tổ chức hàng năm tại xã Phong Phú (Tân Lạc) thu hút đông đảo du khách đến tìm hiểu, khám phá.

Trên địa bàn có nhiều danh lam thắng cảnh được công nhận di tích quốc gia như: động Thác Bờ, động Hoa Tiên, hang Bưng (xã Suối Hoa), động Nam Sơn (xã Vân Sơn), động Mường Chiềng, hang Muối (thị trấn Mãn Đức) và các di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh: miếu xóm Lũy Ải (xã Phong Phú), núi Cột Cờ, thác Trăng (xã Nhân Mỹ)... là những địa điểm không thể bỏ qua đối với những ai yêu thích khám phá thiên nhiên hoang sơ, trải nghiệm trekking, cắm trại đầy thú vị. Tân Lạc còn là vùng đất lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc của dân tộc Mường. Văn hóa Mường được thể hiện rõ qua các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Khai hạ Mường Bi, lễ hội chùa Kè, lễ hội đánh bắt cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn... không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà còn là cơ hội để du khách hiểu thêm về phong tục, tín ngưỡng và đời sống sinh hoạt của người dân địa phương. Ngoài ra, nghệ thuật diễn xướng dân gian chiêng Mường, dân ca Mường, mo Mường, cùng với trang phục truyền thống và các nghề thủ công như dệt thổ cẩm cũng là những nét văn hóa độc đáo, góp phần tạo nên sức hút riêng biệt cho du lịch Tân Lạc.

Với lợi thế về thiên nhiên và văn hóa, huyện Tân Lạc có tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm. Gần đây, việc đưa vào hoạt động khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa - PriorBay Resort tại xã Suối Hoa với nhiều sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng khác biệt đã trở thành điểm đến nổi bật, tạo được sức hút đặc biệt trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Cùng với đó, chính quyền địa phương đẩy mạnh các chính sách nhằm bảo tồn di sản, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển các mô hình du lịch cộng đồng để mang đến những trải nghiệm chân thực nhất cho du khách. Đồng chí Bùi Minh Hồng, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Tân Lạc cho biết: Huyện tiếp tục triển khai Đề án phát triển du lịch huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các văn bản chỉ đạo của tỉnh liên quan đến công tác quản lý nhà nước về phát triển du lịch; tham mưu tổ công tác hỗ trợ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU triển khai nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Đề án xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Từ đầu năm đến nay, huyện tiếp tục duy trì các tuyến, điểm, sản phẩm du lịch đã có, lựa chọn đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch, tuyến, điểm, chương trình du lịch mới, liên vùng phù hợp với địa phương; khai thác các sản phẩm du lịch văn hóa, cộng đồng, du lịch nghề thủ công truyền thống... Chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện kế hoạch phát triển du lịch của huyện để thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng phát triển. Tổ chức chương trình quảng bá du lịch tại các lễ hội truyền thống; đón tiếp, giới thiệu tiềm năng du lịch của huyện cho đại biểu các doanh nghiệp lữ hành trên toàn quốc đến khảo sát đầu tư sản phẩm du lịch tại huyện. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về các sự kiện văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc dân tộc diễn ra trong năm.

Bên cạnh đó, xây dựng các phóng sự tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện trên hệ thống thông tin đại chúng, Trang thông tin điện tử của huyện; xây dựng Trang thông tin điện tử du lịch huyện Tân Lạc. Tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch trong nước và quốc tế được tiếp cận đầy đủ thông tin về du lịch Tân Lạc. Đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước để kết nối các tour, tuyến đưa khách tham quan đến các điểm du lịch trên địa bàn; kết nối các tour, tuyến mở rộng thị trường khách nội địa và quốc tế.

Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, khai thác hiệu quả tiềm năng, du lịch huyện Tân Lạc có sự chuyển biến tích cực. Năm 2024, tổng số khách du lịch đến huyện là 294.500 lượt (khách quốc tế 7.850 lượt, khách nội địa 286.650 lượt); tổng thu nhập du lịch đạt 192 tỷ đồng. Quý I/2025, tổng số khách du lịch đến địa bàn 153.230 lượt (khách quốc tế 4.980 lượt, khách nội địa 148.250 lượt). Trong tương lai không xa, Tân Lạc hứa hẹn trở thành điểm đến hấp dẫn - nơi thiên nhiên hội tụ, văn hóa tỏa sáng và trải nghiệm khó quên với du khách trong và ngoài nước, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hương Lan

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/276/200138/huyen-tan-lac-khai-thac-tiem-nang-phat-trien-du-lich.htm