Huyền thoại thơ đô thị những năm 1990

Hoa Lạ là một nhóm tác giả được thành lập từ năm 1992 với khát vọng đổi mới văn chương. Sau 20 năm vắng bóng, đại diện của nhóm mới trở lại với tập thơ mới.

 Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến là một trong những gương mặt tiêu biểu trong nhóm tác giả Hoa Lạ. Ảnh: Đức Huy.

Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến là một trong những gương mặt tiêu biểu trong nhóm tác giả Hoa Lạ. Ảnh: Đức Huy.

Trong lịch sử văn học, một số cây bút thường tập hợp lại thành một nhóm sáng tác với cùng châm ngôn, triết lý. Dù số lượng các nhóm không phải ít nhưng được công nhận và để lại dấu ấn trong văn học là điều không phải nhóm nào cũng làm được. Hoa Lạ lại là một trường hợp khác.

“Từ những năm 1990, ‘Hoa Lạ’ là một nhóm thơ độc đáo có thể được coi như một huyền thoại đô thị”, TS Trần Ngọc Hiếu chia sẻ tại sự kiện ra mắt tập thơ Hỗn độn và Khu vườn của người sáng lập nhóm Hoa Lạ, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến.

Viết tiếp giấc mơ tuổi trẻ

Theo lời giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, Hoa Lạ là một nhóm thơ được thành lập từ năm 1992 dựa trên phương châm đổi mới thơ Việt Nam, tạo nên một phong trào sáng tác thơ mới. Chia sẻ về quyết định này, người sáng lập nhóm Hoa Lạ, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến cho rằng: “Đây là một sự ngông cuồng của tuổi trẻ, những khát vọng hoài bão mà tôi ấp ủ tuổi 20”.

 Các diễn giả trao đổi tại buổi ra mắt, từ trái sang: Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến và TS Trần Ngọc Hiếu.

Các diễn giả trao đổi tại buổi ra mắt, từ trái sang: Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến và TS Trần Ngọc Hiếu.

Đến đầu năm 2001, tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến đã cho ra mắt tập thơ Những bình minh khác. Đây là một tác phẩm cho thấy phong cách sáng tác rất rõ của đại diện nhóm Hoa Lạ. Tập thơ đi sâu vào những sự phi lý giao thoa của các sự vật, hiện tượng đời sống. Thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến được đánh giá là độc đáo và vượt ra ngoài giới hạn của thể loại, vần điệu, giàu tính nhạc nhưng vẫn suy tư, sâu lắng.

Tuy nhiên, sau tập thơ được đánh giá cao đó, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến lại tập trung các hoạt động của mình vào chuyên ngành Kiến trúc và Quy hoạch đô thị. Đồng thời, ông cũng chuyển hướng sang sáng tác âm nhạc. Vì vậy trên văn đàn, cái tên Nguyễn Vĩnh Tiến dường như chỉ xuất hiện với các bài thơ nhỏ lẻ được đăng trên báo chí. Phải tới hai thập kỷ sau, các tác phẩm của ông đã được ban biên tập của Nhã Nam tập hợp lại và xuất bản.

Tại sự kiện ra mắt tập thơ, tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến cũng cho rằng đây là một cuốn sách có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời sáng tác của mình. Trong suốt nhiều năm qua, tác giả đã tưởng chừng như sẽ không ra mắt thêm bất kỳ tập thơ nào nữa để tập trung toàn bộ sức lực cho sự nghiệp kiến trúc. Nhưng cuối cùng, ông vẫn tìm đến thơ như để cởi bỏ những tâm sự và suy nghĩ trong lòng mình.

Điều này khiến một người từng theo dõi nhóm Hoa Lạ nhiều năm như TS Trần Ngọc Hiếu thấy rất đáng trân trọng. Hoa Lạ không chỉ là một hiện tượng nổi lên từ những năm 90 mà nó vẫn sẽ được duy trì và nhắc đến như một khát vọng trong thế giới văn chương, nỗ lực của những người trẻ tìm tòi đến địa hạt mới.

Xuất bản một tập thơ không phải là điều dễ dàng

Trong 20 năm qua, nhà thơ Vi Thùy Linh là người luôn hỗ trợ và cổ vũ tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến gắn bó với thi ca. Bà đã gửi thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến đi các tờ báo, tạp chí khác nhau để đăng tải. Chính điều này giúp cho việc tập hợp thơ của tác giả dễ dàng hơn.

Trong cuốn Hỗn độn và Khu vườn, không khó để bắt gặp những bài thơ sáng tác từ cách đây gần 30 năm như Trơ trọi (30/5/1995), Như buổi chiều (1/6/1995), Vỗ trống (4/1994)... Chia sẻ về quá trình sáng tạo tác phẩm, nhà thơ Vi Thùy Linh nói: “Một từ mà giới trẻ thường dùng hiện nay đó chính là chữa lành. Chúng tôi, những người yêu thi ca, đôi khi không cần điều đó. Chúng tôi phải để cho vết thương rỉ máu để có thể tiếp tục sáng tác. Chúng tôi đã bán đi một phần của mình cho một tình yêu mãnh liệt nhất cuộc đời”.

 Tập thơ Hỗn độn và Khu vườn được ra mắt mới đây. Ảnh: Nhã Nam.

Tập thơ Hỗn độn và Khu vườn được ra mắt mới đây. Ảnh: Nhã Nam.

Về thơ của tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến, TS Trần Ngọc Hiếu nhận định hình ảnh cậu bé mục đồng vùng trung du miền núi Bắc Bộ là một trong những hằng số tạo nên sự độc đáo. Chất liệu đồng quê trong các tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến được thể hiện rõ rệt hơn khi đặt trong tương quan với những cây bút khác trong nhóm Hoa Lạ như Nguyễn Quang Thiều, Phạm Tường Vân hay các nhà thơ khác.

“Không gian của vùng núi Bắc Bộ, từng xuất hiện quen thuộc trong cả tác phẩm của Nguyễn Bình Phương, nhưng thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến vẫn mang màu sắc khác. Thơ anh giống với đồng dao bởi chúng có khả năng ám thị, bí ẩn hơn, mông lung. Có lẽ anh là một nhà thơ ‘mắc kẹt’ trong tuổi thơ của mình”, TS. Trần Ngọc Hiếu chia sẻ.

Tập thơ mới của tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến dày 268 trang được chia thành 5 chương: Hoa lạ - Hỗn độn và khu vườn - Trầm cảm đô thị - Chàng thơ - Hoa nở không tên. Tác phẩm sẽ mang đến một hình dung về những chặng đường đời, đường thơ của tác giả. Thuở ban đầu là nỗi háo hức mê say khám phá những khả năng của chữ, thời trưởng thành là hình ảnh con người suy tư buồn bã và phần cuối là mảnh tâm tư đã tìm được chốn bình yên.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/huyen-thoai-tho-cua-do-thi-nhung-nam-1990-post1482553.html