Chỉnh trang, tiến tới ngầm hóa cáp viễn thông

Hiện nay, nhiều đô thị của tỉnh Thái Nguyên vẫn tồn tại tình trạng 'mạng nhện' cáp viễn thông giăng mắc, quấn thả lộn xộn trên cột điện tại các trục đường, không chỉ làm mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ chập, cháy. Mấy năm gần đây, tỉnh đều yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện phương án sắp xếp, chỉnh trang tiến tới ngầm hóa cáp viễn thông nhưng do khối lượng lớn, kinh phí hạn hẹp nên chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Tại các đô thị của tỉnh Thái Nguyên, nhất là đối với các thành phố như Thái Nguyên, Phổ Yên, Sông Công, không khó để có thể thấy hệ thống dây điện, dây cáp viễn thông của các nhà mạng chằng chịt. Ngành điện thường cho các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT, FPT, truyền hình cáp… thuê cột để kéo dây cáp. Thời gian qua, do nhu cầu lắp đặt các thiết bị viễn thông tăng cao nên các cột điện ngày càng phải gánh thêm nhiều dây cáp chằng chịt, chồng chéo. Có chỗ dây đứt, hỏng buông xuống lòng đường nhiều ngày mà không được xử lý kịp thời, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Cũng có trường hợp khi nhà mạng thay dây mới lại không thu dây cũ về khiến dây mạng ngày càng dầy hơn. Không ít vụ chập, cháy xảy ra tại các cột điện có nhiều dây cáp viễn thông làm thiệt hại tài sản và gây mất an toàn. Người dân một số địa phương phản ánh, các đơn vị viễn thông ít duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế thường xuyên hệ thống dây cáp hoặc không tiến hành thanh thải, thu hồi cáp hỏng, cáp không sử dụng hoặc bó gọn dây cáp…

Được biết, thời gian gần đây, năm nào tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp viễn thông, các đơn vị quản lý, sở hữu hạ tầng kỹ thuật cáp viễn thông, thông tin tiến hành sắp xếp, chỉnh trang toàn bộ hệ thống dây cáp. Năm nay cũng vậy, tỉnh yêu cầu cả 9 huyện, thành phố phải tiến hành lựa chọn, sắp xếp, chỉnh trang ít nhất 16 tuyến đường với chiều dài tuyến cáp là trên 34km, trong đó nhiều nhất là huyện Võ Nhai với 3 tuyến, các huyện Phú Lương, Phú Bình, Đồng Hỷ, Định Hóa và TP. Sông Công mỗi địa phương làm 2 tuyến, còn lại làm 1 tuyến. Thời gian hoàn thành thanh thải, bó gọn cáp viễn thông các tuyến đều được yêu cầu phải xong trước ngày 15/11/2024.

Tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc sắp xếp, chỉnh trang cáp viễn thông, kịp thời tham mưu giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, có phương án xử lý đối với các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp và các đơn vị liên quan không thực hiện hoặc không phối hợp thực hiện sắp xếp, chỉnh trang cáp viễn thông theo quy định. Tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông thực hiện thanh thải, thu hồi cáp hỏng, bó gọn cáp của các đơn vị trên tuyến theo kế hoạch. Các địa phương phải vào cuộc tuyên truyền, hướng dẫn đôn đốc, giám sát việc cải tạo, sắp xếp, chỉnh trang cáp viễn thông…

Theo các chuyên gia, việc hàng năm tiến hành sắp xếp, chỉnh trang các tuyến cáp viễn thông trên địa bàn toàn tỉnh là giải pháp cần thiết để đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn cho người dân. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh còn nhiều bất cập, khó khăn về đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị. Về lâu dài, giải pháp ngầm hóa các tuyến đường điện, tuyến cáp viễn thông ở khu vực trung tâm các đô thị mới thực sự bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng đô thị xanh, văn minh, hiện đại. Theo chỉ đạo mới đây của UBND tỉnh, Công ty Điện lực Thái Nguyên phải phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện việc chỉnh trang bó gọn và tiến tới ngầm hóa cáp viễn thông treo trên cột điện lực. Chỉ có giải pháp này mới giải quyết được triệt để vấn đề lộn xộn cáp viễn thông gây mất an toàn và thiếu mỹ quan đô thị trên địa bàn hiện nay.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/ban-doc/ban-doc-quan-tam/202406/chinh-trang-tien-toi-ngam-hoa-cap-vien-thong-f6b1358/