Học bơi tại vuông tôm phòng tránh đuối nước
Cà Mau là tỉnh có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhưng tỷ lệ trẻ em, học sinh chưa biết bơi vẫn còn khá cao, chiếm hơn 50% tổng số trẻ.

Cán bộ đoàn hỗ trợ dạy bơi cho trẻ em. Ảnh: Quách Mến.
13 vụ đuối nước trong 7 tháng
Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra 13 vụ đuối nước ở trẻ em, học sinh (tỉnh Bạc Liêu cũ 4 vụ, Cà Mau cũ 9 vụ), trong khi cả năm 2024 toàn tỉnh chỉ xảy ra 10 vụ đuối nước (Bạc Liêu cũ 4 vụ, Cà Mau cũ 6 vụ). Phần lớn trẻ em bị đuối nước ở độ tuổi từ 1 đến 13 tuổi.
Nguyên nhân do đặc điểm địa hình Cà Mau có nhiều kênh, rạch, sông và ven biển... tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn đuối nước ở trẻ em. Mặt khác, nhiều trẻ em ở địa phương có cha mẹ đi làm ăn xa, ở cùng ông bà, người thân lớn tuổi, thiếu sự giám sát, trông coi. Bên cạnh đó, các em trong độ tuổi hiếu động nhưng chưa được trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước, chưa nhận biết hết các nguy cơ, dễ dẫn đến bị tai nạn đuối nước.
Đặc biệt, việc thiếu hụt hồ bơi, nhất là ở vùng nông thôn làm cho công tác dạy bơi cho trẻ em thiếu đồng bộ, chưa được duy trì thường xuyên.

Lớp dạy bơi trong vuông tôm do anh Nguyễn Minh Thái tổ chức.
Anh Nguyễn Minh Thái, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Tân Tiến, Cà Mau cho biết, hiện tại trên địa bàn tỷ lệ trẻ em biết bơi vẫn còn thấp, một phần do phụ huynh ít quan tâm đến việc cho trẻ học bơi. Mùa hè, nhiều trẻ em chủ yếu dành thời gian xem điện thoại, tivi… ít tham gia các trò chơi dân gian dưới nước như trước đây, dẫn đến hạn chế kỹ năng sinh tồn, đặc biệt trong môi trường nước.
“Do khu vực xã thiếu hồ bơi nên hằng năm mỗi khi đến dịp hè, tôi thường tận dụng vuông tôm làm điểm tổ chức dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn, các lớp dạy bơi sẽ xoay vòng tổ chức ở các ấp.
Mỗi buổi dạy bơi tôi huy động khoảng 10 bạn đoàn viên kèm cặp khoảng 20 em nhỏ học bơi. Trong các lớp học, đoàn viên, thanh niên sẽ hướng dẫn các em học bơi, kỹ năng phòng chống đuối nước, sơ, cấp cứu, các tình huống có thể gặp phải ở dưới nước”, anh Thái cho biết.
Triển khai giải pháp đồng bộ
Trước tình trạng trẻ em bị đuối nước có dấu hiệu gia tăng trở lại trong năm nay, ông Cao Văn Lợi, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Y tế Cà Mau cho rằng, cần đẩy mạnh truyền thông về phòng, chống đuối nước qua các phương tiện đại chúng, mạng xã hội, loa truyền thanh cấp xã, phường; lồng ghép nội dung giáo dục phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước trong chương trình học đường.
Song song đó, tăng cường tổ chức các lớp học bơi miễn phí hoặc giá rẻ tại các trường học, trung tâm thể thao; hỗ trợ xây dựng hồ bơi di động tại các xã vùng sâu, vùng xa; kiểm tra, đánh giá các điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước tại địa phương để có biện pháp cảnh báo hoặc cải tạo.
Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cha mẹ, người giám hộ về việc giám sát chặt chẽ hoạt động vui chơi, giải trí của con em mình; hạn chế cho con, em đến gần ao, hồ, sông, rạch khi chưa biết bơi…

Học sinh khởi động trước khi học bơi.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Cà Mau cho hay, thời gian qua đơn vị đã chỉ đạo các trường tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về các nội dung: Phòng, chống đuối nước trên đường đi học; khi tham quan, dã ngoại, tắm biển, đi bơi; khi vui chơi tại cộng đồng nơi có các nguồn nước mở; khi hoạt động trong môi trường nước; cứu đuối an toàn khi thấy bạn bị đuối nước...
Chủ động phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, tổ chức đoàn thể và gia đình học sinh trong tổ chức quản lý, giám sát hướng dẫn học sinh đảm bảo an toàn phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trong dịp nghỉ hè.
Ngoài ra, ngành cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên về phòng, chống đuối nước và dạy bơi an toàn cho học sinh; chủ động bố trí ngân sách theo phân cấp để thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, học sinh...

Học sinh học bơi tại một hồ bơi trong trường học.
“Hiện tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư hồ bơi, hỗ trợ dạy bơi cho học sinh. Đối với các trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy bơi an toàn cho học sinh trong nhà trường thì thực hiện việc phối hợp, liên kết dạy bơi theo cụm trường tại địa phương.
Hoặc phối hợp với cha mẹ học sinh, liên kết với các bể bơi ngoài nhà trường để tổ chức dạy bơi an toàn cho học sinh theo chương trình, tài liệu hướng dẫn, có sự phối hợp, giám sát, đánh giá của nhà trường”, ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau thông tin.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-boi-tai-vuong-tom-phong-tranh-duoi-nuoc-post741770.html