Huyền tích Phật giáo dãy núi phía Đông Thanh Liêm

Trần Nhân Tông là vị Hoàng đế thứ ba của nhà Trần. Ông trị vì từ năm 1278 đến năm 1293, sau đó làm Thái Thượng Hoàng rồi đi tu sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm.

Theo sử sách, sau chiến thắng giặc Nguyên Mông (lần 2), đất nước thanh bình, dân chúng an cư lạc nghiệp, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông lên làm Thái Thượng Hoàng. Năm 1294, Nhân Tông cầm quân chinh phạt Ai Lao, giữ yên bờ cõi và làm cho nước Triệu Voi tiếp tục thần phục Đại Việt. Sau khi chinh phạt Ai Lao, Nhân Tông trở về Hành cung Vũ Lâm – Ninh Bình, cầu Quốc sư Huệ Tuệ làm lễ xuất gia, tập sự tu hành tại đây một thời gian. Năm 1299, Nhân Tông trở lại thăm Kinh sư lần cuối, rồi lên núi Yên Tử - Quảng Ninh quyết chí tu hành, tham thiền nhập định, lấy tên là "Hương Vân Đại Đầu Đà” và độ Đồng Kiên Cương làm đệ tử và ban pháp hiệu là Pháp Loa.

Chùa Địa Tạng Phi Lai thu hút đông đảo du khách đến tham quan, vãng cảnh. Ảnh: Chu Uyên

Chùa Địa Tạng Phi Lai thu hút đông đảo du khách đến tham quan, vãng cảnh. Ảnh: Chu Uyên

Năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông hạ san, ông chống gậy trúc đi dạo khắp nước Đại Việt, khuyến khích muôn dân giữ năm giới, tu hành thập thiện. Tương truyền, khi đến núi Khê Non (thuộc địa bàn huyện Thanh Liêm ngày nay) thấy nơi đây có vị trí đắc địa, Trần Nhân Tông đã cho xây dựng hệ thống chùa, tháp nằm dọc theo các khe núi để phát triển khu vực này thành trung tâm Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Năm 2021, đoàn khảo sát của Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hà Nam đã phát hiện ra rất nhiều nền móng tháp và hàng trăm di vật, hiện vật tại đây. Đặc biệt tại chùa Đùng (nay là chùa Địa Tạng Phi Lai) có số lượng di vật, hiện vật khá lớn, với nhiều loại hình phong phú, có niên đại kéo dài từ thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Tuy nhiên, di vật chiếm số lượng nhiều nhất, loại hình hiện vật phong phú nhất tại đây thuộc về thời Trần (thế kỷ XIII - XIV). Đây hiện là bộ sưu tập hiện vật duy nhất, đầy đủ nhất về thời Trần trên vùng đất Hà Nam.

Từ các phát hiện về di tích và di vật tại khu vực chùa Địa Tạng Phi Lai, đoàn khảo sát đã tiến hành mở rộng phạm vi ra toàn bộ khu vực dải núi nhằm tìm kiếm thêm các dấu tích góp phần tìm hiểu giá trị chung và tầm quan trọng của núi Khê Non trong lịch sử. Hiện trạng các di tích khu vực núi Khê Non cho thấy, ngoại trừ chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Tiên, chùa Cây Thị được quan tâm trùng tu trở thành nơi thu hút các thiện nam, tín nữ đến tu tập, chiêm bái, còn lại hầu hết các di tích đã bị phá hủy, dấu tích hiện còn chỉ là phần nền móng hoặc các di vật là vật liệu xây dựng công trình, được nhân dân phát hiện trong quá trình sinh hoạt.

Trong những ngôi chùa trên dãy Khe Non, Địa Tạng Phi Lai là ngôi chùa được đông đảo du khách tìm về. Ngôi chùa nằm ẩn mình giữa rừng thông xanh tại thôn Đùng, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm. Chùa Địa Tạng Phi Lai là một ngôi chùa đẹp, cảnh sắc yên bình. Chùa dựa lưng vào núi bạt ngàn thông reo, mặt quay ra cánh đồng rộng mênh mông, cạnh chùa có suối nước róc rách ngày đêm. Ngôi chùa được khởi dựng vào năm 2015 trên nền ngôi chùa cổ đã đổ nát. Tòa Tam bảo được xây cao với sân rộng là nơi sinh hoạt tâm linh, nghe thuyết pháp và các hoạt động Phật sự. Một phần sân chùa được rải sỏi trắng, có 12 vòng tròn được vẽ trên nền sỏi tượng trưng cho 12 nhân duyên của con người. Trên đỉnh Phi Lai trước kia có tháp Phổ Đồng, nơi yên nghỉ của hơn 40 đời tổ sư được xây dựng vào thời Lý – Trần. Hiện nay con đường lên tháp và trên đỉnh tháp sư trụ trì đã cho xây dựng và bài trí cảnh quan khá đẹp mắt, tự nhiên, tạo sự độc đáo của ngôi chùa.

Chùa Cây Thị (xã Thanh Tâm). Ảnh: Giang Nam

Chùa Cây Thị (xã Thanh Tâm). Ảnh: Giang Nam

Nằm ở xã Thanh Tâm là chùa Cây Thị. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, từ xa xưa nơi đây đã từng có vua đi qua và dừng nghỉ tại chùa nên được gọi là “chùa Khoa núi Ngự” còn tên tục của chùa là chùa Cây Thị vì bên cạnh ngôi chùa là cây thị cổ thụ. Trải qua thiên tai và chiến tranh, chùa đã nhiều lần được phục dựng, tôn tạo nhưng cây thị vẫn trụ vững với tán lá sum suê như che mát, xoa dịu những lo toan, buồn phiền nơi thế giới trần tục của con người mỗi khi về chùa. Năm 2019, chùa được kiến thiết tôn tạo, phục hồi và xây dựng tạo nên sự mới mẻ, độc đáo thu hút nhiều du khách tới tham quan và chiêm bái. Với kiến trúc Nhật Bản kết hợp với kiến trúc Việt, cổng Ngũ Quan, vườn thiền, những ngọn đồi nhỏ được phủ cỏ Nhật xanh mướt, đan xen với những cây tùng khiến khung cảnh chùa mang vẻ đẹp linh thiêng, tĩnh lặng và yên bình. Không chỉ là chốn thờ tự linh thiêng, chùa Cây Thị còn là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân trong vùng, nơi trải nghiệm cuộc sống, hướng con người đến với những giá trị cơ bản nhất của đạo Phật, mang lại sự thanh tịnh và thoải mái trong tâm hồn.

Năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông hạ san, ông chống gậy trúc đi dạo khắp nước Đại Việt, khuyến khích muôn dân giữ năm giới, tu hành thập thiện. Tương truyền, khi đến núi Khê Non (thuộc địa bàn huyện Thanh Liêm ngày nay) thấy nơi đây có vị trí đắc địa, Trần Nhân Tông đã cho xây dựng hệ thống chùa, tháp nằm dọc theo các khe núi để phát triển khu vực này thành trung tâm Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Năm 2021 đoàn khảo sát của Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hà Nam đã phát hiện ra rất nhiều nền móng tháp và hàng trăm di vật, hiện vật tại đây.

Chùa Tiên ở xã Thanh Lưu, huyện Thanh Liêm ngoài thờ Phật, Bồ tát, Ngọc Hoàng, Đức ông còn thờ các nhân vật có liên quan đến Phật giáo, trong đó có Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ấn tượng nhất của chùa Tiên là lễ hội truyền thống diễn ra vào đầu tháng ba âm lịch hằng năm. Tham dự lễ hội, thỏa mãn không gian văn hóa và tâm linh, du khách còn được thảnh thơi ngắm cảnh chùa, cảnh núi, cảnh xóm làng. Không gian chùa Tiên hiện đã được mở rộng, ngoài ngôi chùa cổ, hiện tại đây còn có nhà thờ tổ, giảng đường, bảo tháp, gác chuông cùng các bức tượng Thích Ca, Quan Thế Âm càng làm cho không gian chùa đậm màu sắc linh thiêng. Xen giữa các công trình là các bồn hoa, tiểu cảnh mang màu sắc thiền định yên bình.

Vùng đất phía Đông Thanh Liêm với nhiều huyền tích về Phật hoàng Trần Nhân Tông mang đậm chất Phật giáo. Một vùng đất thanh bình, núi đồi in bóng với những ngôi chùa nơi lưng chừng núi có cảnh sắc khoáng đạt, có tiếng thông reo bốn mùa đang là điểm đến du lịch thú vị của vùng đất này.

Chu Bình

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/que-huong-nui-doi-song-chau/huyen-tich-phat-giao-day-nui-phia-dong-thanh-liem-160405.html