Huyện Trần Đề: Chính sách dân tộc góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống

Trần Đề (Sóc Trăng) là địa phương có đến 46,49% dân số là đồng bào Khmer sinh sống. Bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền huyện Trần Đề đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua đó đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Giải quyết nhu cầu bức thiết của hộ nghèo

Mùa mưa năm nay, gia đình bà Thạch Thị Chanh Thi ở xã Tài Văn đã không còn canh cánh nỗi lo nhà sập nữa, bởi gia đình bà được Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng căn nhà tường khang trang. Là gia đình thuộc diện hộ nghèo, trước đây bà Chanh Thi và con cháu phải sống trong căn nhà cũ dột nát, số tiền đi làm thuê của gia đình bà Thi tích lũy qua nhiều năm cũng không đủ để xây nhà mới. Phấn khởi trước sự hỗ trợ này, bà Chanh Thi bày tỏ: “Gia đình tôi sinh sống bằng nghề làm thuê nên không đủ tiền để xây nhà. Những lúc trời mưa giông luôn nơm nớp nỗi lo. Từ khi được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây nhà, tôi mừng lắm, cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn, con cháu cũng an tâm làm ăn”.

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hộ nghèo đã có mái ấm khang trang. Ảnh: THIỆN HẢI

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hộ nghèo đã có mái ấm khang trang. Ảnh: THIỆN HẢI

Bà Thi là một trong số trên 300 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Trần Đề. Ngoài nhà ở, còn có 37 hộ nghèo là đồng bào Khmer được hỗ trợ đất ở, 360 hộ được chuyển đổi nghề và 190 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán. Cùng với đó nhiều hộ còn được xem xét, hỗ trợ các nhu cầu bức thiết khác về phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng, đào tạo nghề, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập ở xã, ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện.

Cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng, đời sống của nhân dân dần được nâng cao là điều dễ nhận thấy ở các địa phương có đông đồng bào Khmer hiện nay trên địa bàn huyện Trần Đề. Đây là kết quả của sự quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được huyện Trần Đề quan tâm thực hiện suốt thời gian qua. Từ năm 2019 - 2024, trên địa bàn huyện đã xây dựng mới 519 công trình, hoàn thành và đưa vào sử dụng 451 công trình. Từ đó đã thúc đẩy việc giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Huyện cũng quan tâm nâng cấp, sửa chữa, bảo quản những công trình đã được đầu tư.

Đoàn giám sát của Quốc hội cùng lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng khảo sát cầu Ta Ốc được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: THIỆN HẢI

Đoàn giám sát của Quốc hội cùng lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng khảo sát cầu Ta Ốc được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: THIỆN HẢI

Tại ấp Bưng Triết, xã Liêu Tú, công trình cầu Ta Ốc với chiều dài gần 20 mét, rộng 3,4 mét có tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ đồng được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2022 đã giúp cho hơn 200 hộ đồng bào Khmer nơi đây thuận lợi hơn trong sản xuất nông nghiệp và lưu thông hàng hóa. Ông Tăng Rô Qui Sa - Trưởng Ban nhân dân ấp Bưng Triết cho biết: “Chiếc cầu cũ trước đây vừa nhỏ hẹp lại không có lan can, nên đi lại cũng mất an toàn. Sau khi Nhà nước đầu tư cầu mới, người dân trong ấp chúng tôi mừng lắm, con em trong xóm cũng thuận tiện hơn khi đến trường”.

Tiếp tục triển khai các chính sách dân tộc

Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Trần Đề luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số... đã được triển khai với những ưu tiên hàng đầu là giải quyết những nhu cầu bức thiết của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp các hộ nghèo ổn định cuộc sống, tập trung phát triển kinh tế, thoát nghèo và vươn lên khá giàu.

Những con đường lầy lội vào mùa mưa ở vùng sâu, vùng xa đã được thay thế bằng con đường bêtông thẳng tắp. Ảnh: THIỆN HẢI

Những con đường lầy lội vào mùa mưa ở vùng sâu, vùng xa đã được thay thế bằng con đường bêtông thẳng tắp. Ảnh: THIỆN HẢI

Đồng chí Trịnh Văn Bé - Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề cho biết, xác định công tác dân tộc và chính sách dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, trong thời gian tới, huyện Trần Đề sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp để triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Huyện sẽ tập trung quán triệt và cụ thể hóa các đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về chính sách tôn giáo, dân tộc, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức, cũng như vai trò, trách nhiệm cán bộ, đảng viên và nhân dân. Quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách, đề án, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đồng chí Trịnh Văn Bé, huyện Trần Đề cũng tập trung ưu tiên đầu tư cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn như: giải quyết tình trạng đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế cộng đồng; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Củng cố hệ thống chính trị cơ sở, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện tốt công tác giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa, lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm góp phần đa dạng hóa về vật chất, đời sống tinh thần để đồng bào dân tộc cùng chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương Trần Đề ngày càng giàu đẹp.

Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Trần Đề đã và đang góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm bình quân trên 2%/năm. Vào năm 2019, tỷ lệ hộ dân là đồng bào Khmer nghèo là 5,5%, đến năm 2024 đã giảm còn 3,38%. Đây là động lực quan trọng để cấp ủy, chính quyền đẩy nhanh công tác giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

THIỆN HẢI

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/huyen-tran-de/huyen-tran-de-chinh-sach-dan-toc-gop-phan-nang-cao-chat-luong-cuoc-song-73699.html