Huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc): Phát triển bền vững nghề chăn nuôi bò sữa

Chăn nuôi bò sữa là sinh kế, mang lại thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Tuy nhiên, hiện nay, việc chăn nuôi bò sữa nơi đây vẫn chủ yếu theo hộ gia đình trong khu vực dân cư, dẫn tới khó phát triển về quy mô, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời gây ô nhiễm môi trường.

Nhằm phát triển bền vững nghề chăn nuôi bò sữa, huyện Vĩnh Tường đang tích cực triển khai việc xây dựng khu chăn nuôi tập trung, từng bước xóa bỏ tình trạng chăn nuôi trong khu dân cư.

Bò sữa “nuôi” người

Chiều hè, trời nắng nóng gay gắt, mồ hôi ướt đẫm lưng áo nhưng anh Nguyễn Trung Thành ở thôn Hoàng Xá, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) cùng vợ và mẹ đẻ vẫn miệt mài vận hành máy cắt cỏ voi làm thức ăn cho đàn bò, cho bò ăn và dọn vệ sinh chuồng trại... Gia đình anh Thành sở hữu đàn bò sữa hơn 50 con. Nghề nuôi bò sữa khá vất vả nên anh phải thuê thêm 3 lao động. Sáng nào anh Thành và người thân cũng phải dậy từ 4 giờ để cho bò ăn, vắt sữa và dọn dẹp, vệ sinh khu vực chăn nuôi. Công việc kết thúc thì đã gần 8 giờ. Lúc này anh mới có thể dừng tay ăn sáng, tranh thủ nghỉ ngơi để tiếp tục lặp lại công việc vào buổi chiều và ngày hôm sau...

 Đàn bò sữa của gia đình anh Nguyễn Trung Thành, thôn Hoàng Xá, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).

Đàn bò sữa của gia đình anh Nguyễn Trung Thành, thôn Hoàng Xá, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).

Từ chỗ không có việc làm ổn định, hơn 10 năm trước, anh Nguyễn Trung Thành “bén duyên” với nghề chăn nuôi bò sữa. Theo anh Thành, nếu người chăm chỉ nuôi bò thì ngược lại, chính đàn bò sữa cũng đã “nuôi” không ít gia đình. Thu nhập từ việc bán sữa bò giúp anh Thành có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, nuôi các con ăn học đầy đủ. “Trung bình mỗi ngày tôi thu được 500kg sữa bò, cao điểm lên tới 600-700kg. Với giá bán như hiện nay, thu nhập từ việc bán sữa bò là 200-250 triệu đồng/tháng; trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 50-60 triệu đồng/tháng”, anh Nguyễn Trung Thành phấn khởi chia sẻ.

Gia đình anh Nguyễn Trung Thành chỉ là một trong hơn 50 hộ dân ở thôn Hoàng Xá và hàng nghìn hộ dân huyện Vĩnh Tường làm nghề chăn nuôi bò sữa. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Bằng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Tường, toàn huyện hiện có hơn 15.500 con bò sữa, tập trung chủ yếu ở các xã: Vĩnh Thịnh, An Tường, Vĩnh Ninh. Tổng sản lượng sữa bò của huyện khoảng 50.000 tấn/năm, doanh thu đạt 800 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong ngành nông nghiệp. Thực tế cho thấy, thu nhập từ nuôi bò sữa cao hơn so với chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác. Nhờ nuôi bò sữa, đời sống của hàng nghìn hộ dân đã khấm khá hơn.

Tiến tới không chăn nuôi trong khu dân cư

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Tường khẳng định, chăn nuôi bò sữa là hướng đi phù hợp, là sinh kế để bà con vươn lên phát triển kinh tế, từng bước làm giàu. Tuy nhiên, hàng chục năm qua, phần lớn các hộ dân đều chăn nuôi trong khu dân cư nên nảy sinh nhiều bất cập. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát, mặc dù các hộ dân đã áp dụng nhiều biện pháp như sử dụng chế phẩm xử lý môi trường, khử mùi hôi, hạn chế ruồi muỗi... Bên cạnh đó, do quỹ đất hạn hẹp, việc chăn nuôi trong khu dân cư còn khiến bà con không thể tăng đàn, mở rộng quy mô; khó áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Vì vậy, di dời đàn bò sữa ra khỏi khu dân cư, thực hiện chăn nuôi tập trung tại địa điểm phù hợp nhằm phát triển bền vững nghề chăn nuôi bò sữa là tất yếu khách quan. “Huyện Vĩnh Tường đang quyết liệt triển khai việc này, nhất là sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 16-3-2023 về xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu" với mục tiêu xây dựng các “Làng văn hóa kiểu mẫu” trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh; giữ cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc”, đồng chí Nguyễn Xuân Quang cho biết.

Ngày 5-5-2023, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030. Theo đó, với các hộ dân chăn nuôi bò sữa trong khu dân cư dừng hoạt động, đi thuê chuồng trại tại những khu vực được phép chăn nuôi sẽ được hỗ trợ tháo dỡ chuồng trại mức 0,5 triệu đồng/mét vuông (không quá 120 triệu đồng); hỗ trợ tiền thuê chuồng trại mức 300.000 đồng/con bò/tháng (không quá 36 tháng kể từ khi vào đàn lứa đầu tiên). Theo đồng chí Nguyễn Thanh Bằng, đó là những chính sách hết sức thiết thực góp phần tạo thuận lợi trong việc xóa bỏ tình trạng chăn nuôi bò sữa ở khu dân cư. Thời gian tới, huyện Vĩnh Tường sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu chăn nuôi bò sữa tập trung hoặc thành lập hợp tác xã với thành viên là các hộ nông dân. Huyện mong muốn nhận được sự đồng thuận, tham gia tích cực của bà con; sự quan tâm giúp đỡ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ các ban, ngành chức năng của tỉnh... để chủ trương đúng đắn này sớm trở thành hiện thực.

Bài và ảnh: PHƯƠNG HIỀN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/huyen-vinh-tuong-vinh-phuc-phat-trien-ben-vung-nghe-chan-nuoi-bo-sua-735235