Hy hữu: Người đàn ông rơi từ nhánh cây cao 2m bị gãy đốt sống cổ được cứu thoát bại liệt
Do trượt chân và ngã từ độ cao 2 mét khi đang hái xoài trên cây, một người đàn ông ở Đồng Tháp bị gãy đốt sống cổ, chèn ép tủy sống nghiêm trọng và có nguy cơ liệt tứ chi.
Theo đó, trong lúc trèo lên cây xoài để hái quả, ông Đ.Đ.T (53 tuổi, ngụ TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) bất ngờ bị trượt chân tại một nhánh cây và té xuống đất từ độ cao khoảng 2 mét.
Sau khi bị ngã, ông T. bất động trong một khoảng thời gian nhưng vẫn tỉnh táo, không đau cổ nhiều, không nôn ói và tứ chi vẫn cử động được nên ông chỉ đến khám tại cơ sở y tế địa phương.
Tuy nhiên, do cảm thấy có điều bất ổn nên gia đình đã quyết định đưa ông T. lên một bệnh viện chuyên khoa ở TP.Cần Thơ để kiểm tra lại.
Tại đây, kết quả chụp CT cột sống cổ cho thấy ông T. bị gãy, trật nặng cột sống cổ đoạn C7–T1, thân đốt sống cổ C7 lệch hoàn toàn ra trước kèm theo trật cài mặt khớp 2 bên. Chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ để đánh giá mức độ và các nguyên nhân khác gây chèn ép tủy thì phát hiện chèn ép tủy sống di lệch đốt sống đơn thuần từ phía trước, không kèm theo theo tụ máu hay mảnh vỡ của xương hoặc đĩa đệm.

Bác sĩ kiểm tra lại tình trạng cột sống cổ của bệnh nhân sau khi phẫu thuật thành công - Ảnh: BVCC
Bác sĩ Nguyễn Quang Hưng - Trưởng Đơn vị Phẫu thuật thần kinh - cho biết đây là kiểu gãy rất phức tạp, trên 90% các trường hợp có thể khiến bệnh nhân liệt tứ chi. Tuy nhiên, bệnh nhân khá may mắn vì gãy mấu gai tách rời với thân đốt sống, nên tủy sống chỉ bị di lệch và dập ít. Nhưng nếu không được phẫu thuật nắn chỉnh, giải ép và cố định kịp thời, sẽ dễ dẫn đến chèn ép tủy nặng hơn do sơ ý trong quá trình chăm sóc, xoay trở người bệnh.
Sau khi xác định chẩn đoán và tình trạng người bệnh, các bác sĩ đã lên kế hoạch mổ cấp cứu chi tiết để cuộc phẫu thuật được diễn ra sớm nhất có thể.
Để thực hiện ca mổ này, bác sĩ Hưng cho biết bệnh nhân được nằm sấp, phần đầu được cố định chắc chắn để phẫu thuật từ phía sau giải phóng tủy sống bị chèn ép, nắn chỉnh và cố định lại đốt sống bằng vít. Người bệnh được theo dõi liên tục, và kiểm tra trên màn hình tăng sáng để đảm bảo dụng cụ đúng vị trí và hiệu quả. Sau đó, kết hợp ghép xương tự thân và nhân tạo để tăng cường giữ vững cột sống cũng như sự liền xương về lâu dài. Tiếp theo, bệnh nhân được đổi tư thế sang nằm ngửa để tiếp tục xử lý phần gãy ở phía trước cổ, loại bỏ phần đĩa đệm tổn thương, kiểm tra các mảnh vỡ nhỏ của đĩa đệm và xương vỡ không thể nhìn thấy trên MRI, CT bằng kính vi phẫu nhằm giải ép rễ thần kinh tốt nhất có thể và cuối cùng đặt mảnh ghép chịu lực có ghép xương nhân tạo giữa 2 đốt sống nhằm khôi phục lại đường cong sinh lý cột sống cổ.
“Dù ca mổ đòi hỏi ê kíp phải can thiệp từ cả hai mặt trước và sau của vùng cổ, với độ khó cao do tổn thương phức tạp và ở vị trí nguy hiểm, nhưng sau mổ, tình trạng của bệnh nhân ổn định và cải thiện rất nhanh. Chúng tôi phải mất gần 9 giờ đồng hồ để chuẩn bị và thực hiện thành công ca mổ này”, bác sĩ Hưng nói và cho biết thêm: “Sau mổ 4 ngày, bệnh nhân phục hồi thuận lợi, vận động tay chân bình thường. Hiện bệnh nhân được xuất viện trong tình trạng ổn định mà không ghi nhận yếu, liệt mới”.
Theo bác sĩ Hưng, những trường hợp ngã giàn giáo hoặc trên cây xuống, đặc biệt nếu va đập vùng đầu – cổ – lưng, dù nhìn có vẻ nhẹ cũng không nên chủ quan. “Trong quá trình xử trí ban đầu, bệnh nhân cần được sơ cứu, bất động tốt bằng cách vận chuyển người bệnh trên một tấm ván và cố định vùng tổn thương bằng nẹp hoặc các vật hình khối ở 2 bên đầu. Tránh khiêng vác người bệnh theo cách thông thường vì tủy sống nếu bị chèn ép, chỉ cần xử trí không phù hợp trong vài giờ đầu cũng có thể dẫn đến tổn thương mới nặng hơn gây liệt vĩnh viễn. Những trường hợp này cần được khám và can thiệp sớm tại các cơ sở có chuyên khoa phẫu thuật thần kinh – cột sống có kinh nghiệm”, bác sĩ Hưng khuyên.