Ði qua mùa hè

Tôi vội nhặt cánh phượng rơi, lòng chợt dâng lên niềm nhớ và không nhớ mình đã bao lần đi qua mùa phượng nở? Nhớ những mùa hè xưa mỗi khi những cành phượng bắt đầu đỏ thắm góc sân trường là lòng tôi lại nôn nao, bởi khi hè về là tôi được về quê nội, được cùng mấy anh chị lặn hụp ngoài đồng mò tôm, bắt cá.

Quê nội tôi là vùng sông nước với hai mùa mưa nắng, nước sông cũng vì thế mà mặn ngọt theo mùa. Người dân nơi đây cũng nương theo con nước mà mưu sinh, mùa mưa trồng lúa - nuôi tôm càng, cá đồng, mùa nắng nuôi tôm sú - cua biển... Từ đó, cá tôm cũng theo con nước vào kênh, rạch, ruộng đồng, tạo nguồn sinh kế cho người dân và cũng là món quà đặc biệt của vùng sông nước ban tặng cho đám trẻ con chúng tôi khi hè về.

Tát kênh bắt cá.

Tát kênh bắt cá.

Cứ đầu mùa hè, không hẹn lời nào nhưng mấy anh, chế, con bác Tư, cứ ngóng tôi về. Vừa tới nhà, chào hỏi nội xong là anh Bo, anh Tý, chế Linh đã dẫn tôi ra đồng cắm cá. Mấy cây sậy già, vài mét dây ni lông và bọc lưỡi câu đã được anh Bo chuẩn bị sẵn, mớ cần câu cắm cá chớp nhoáng đã được làm xong. Mồi cắm câu là mấy con tép rong mà chúng tôi đội nắng xúc ngoài kênh.

Trong lúc đợi cá cắn câu, mấy anh còn rủ nhau ngâm mình dưới kênh để mò tôm càng. Những con tôm quơ cặp càng xanh to đe dọa, cái đuôi búng tách tách nhưng chẳng bao giờ thoát được với bọn chúng tôi, cả bọn mừng rỡ, hét vang cả góc quê.

Sau một buổi đội nắng rồi dầm hết đám mưa ngoài đồng, anh em chúng tôi cũng kiếm được một mớ cá lóc và tôm càng. Cá lớn đem vào nhà cho nội nấu bữa cơm chiều, còn cá lóc vừa và tôm càng thì đám tụi tui ra sau vườn tìm rơm nướng. Mỗi đứa mỗi công việc, đứa đốn cây xiên cá, ôm rơm, đứa đi tìm lửa đốt...

Ôm rơm chuẩn bị nướng tôm càng.

Ôm rơm chuẩn bị nướng tôm càng.

Tôm chín nhanh hơn cá nên tụi tui chia nhóm để nướng. Rơm cháy qua một lượt, những con tôm đã chín đỏ au, dùng cây sậy gắp ra khỏi lớp rơm còn nóng hổi, để ra tàu lá chuối, vị ngọt của thịt tôm, béo của gạch, thêm chén muối ớt cay cay, hòa quyện với mùi thơm lừng vô cùng hấp dẫn.

Trong lúc chờ cá chín, anh em chúng tôi chơi trốn tìm trên đống rơm, tiếng cãi vã, cười nói rộn vang góc quê.

Trong lúc chờ cá chín, anh em chúng tôi chơi trốn tìm trên đống rơm, tiếng cãi vã, cười nói rộn vang góc quê.

Mấy con cá lóc mập ú, anh Bo lấy cành trúc cỡ ngón tay cái, xiên từ miệng xuống đuôi, anh cắm xuống đất rồi phủ lớp rơm bên ngoài. Lửa bắt rơm cháy rực, trong lúc đợi cá chín, anh em chúng tôi cùng nhau chơi trốn tìm trong đống rơm. Anh Tý có nhiệm vụ canh lửa, lâu lâu lại phủ thêm lớp rơm. Rơm cháy hết, để lộ những con cá dựng ngược, toàn thân đen thui, thơm nức.

Sau khi cá thiệt chín, anh Tý lấy ít rơm cào nhẹ mình cá cho phần cháy khét rơi ra, để cá lên tàu lá chuối, tách dọc theo sống lưng cá ra, từ đầu xuống tới đuôi để lộ phần thịt cá trắng phau, bốc khói thơm phức, cả đám dừng cuộc chơi, xúm xít thò tay vào bốc, bẻ. Thịt cá ngọt lự, chấm vào chén muối ớt cay cay, đứa nào đứa nấy cứ hít hà, tiếng cười rộn vang còn mãi trong ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ miền sông nước, mình ướt đẫm nhưng nụ cười vẫn bật ra ấm nồng như rơm đang bắt lửa.

Thơm, ngọt cá lóc nướng rơm.

Thơm, ngọt cá lóc nướng rơm.

Tháng 8 đi qua, tháng 9 lại về, những chú ve sầu thôi không còn râm ran trong vòm lá, cây phượng già trước sân trổ đầy lá non, mùa hè cứ thế trôi qua nhưng ký ức đẹp vẫn còn ở lại để mỗi khi nhớ về vẫn thấy lòng bồi hồi, tiếc nhớ. Những đứa trẻ cũng gác lại những ngày lội nắng, dầm mưa cùng chúng bạn ngoài đồng, đôi mắt trong veo vẫn còn nhiều tiếc nuối./.

Bảo Hân

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/di-qua-mua-he-a34206.html