IEA khuyến khích tăng sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường
IEA dự báo tiêu thụ khí đốt sẽ giảm nhẹ trong năm nay và sẽ chỉ tăng trưởng chậm trong những năm tới khi người tiêu dùng chuyển sang các năng lượng thay thế khác.
Ngày 5/7, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo tiêu thụ khí đốt sẽ giảm nhẹ trong năm nay do giá tăng cao và Nga cắt giảm lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu.
Thị trường này sẽ chỉ tăng trưởng chậm trong những năm tới khi người tiêu dùng chuyển sang các năng lượng thay thế khác.
Trong cáo báo hằng quý mới nhất về thị trường khí đốt, IEA đã cắt giảm hơn 50% mức dự báo về nhu cầu khí đốt toàn cầu. Cụ thể, cơ quan này dự báo tiêu thụ khí đốt toàn cầu chỉ tăng trưởng 3,4% vào năm 2025, tăng 140 tỷ m3 so với năm 2021, thấp hơn mức tăng 175 tỷ m3 được ghi nhận chỉ trong năm 2021.
Theo IEA, hậu quả từ xung đột Nga-Ukraine đối với giá khí đốt toàn cầu và căng thẳng nguồn cung, cũng như những hệ lụy của các vấn đề này đối với triển vọng kinh tế dài hạn, đang định hình lại triển vọng đối với khí đốt tự nhiên.
IEA cho biết mức giá cao kỷ lục hiện nay và sự gián đoạn nguồn cung đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến khí tự nhiên, vốn được xem như nguồn năng lượng đáng tin cậy và có giá cả phải chăng. Điều này làm dấy lên sự bất ổn về triển vọng của loại nhiên liệu này, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, nơi khí tự nhiên được kỳ vọng sẽ đóng vai trò ngày càng lớn để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và các mục tiêu chuyển đổi năng lượng.
Bên cạnh đó, việc Nga cắt giảm nguồn cung và các quốc gia châu Âu đã cam kết giảm nhập khẩu khí đốt của Nga cũng gây tác động tới thị trường khí đốt toàn cầu. Để bù đắp sự thiếu hụt, các quốc gia châu Âu đang nhập khẩu thêm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), điều mà IEA cho rằng đang tạo ra căng thẳng về nguồn cung và ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu ở các thị trường khác.
Cơ quan này cảnh báo việc tranh giành mua LNG không chỉ gây tổn hại kinh tế cho các nhà nhập khẩu, mà còn đẩy giá lên cao và sẽ góp phần tăng thêm nguồn thu cho Nga. Thay vào đó, IEA cho rằng trong bối cảnh, các nước cần tập trung vào việc giảm nhu cầu khí đốt và mở rộng quy mô các loại khí ít phát thải carbon được sản xuất trong nước như khí sinh học, biomethane và hydro xanh.
Ngoài ra, các biện pháp chuyển đổi năng lượng xanh cũng góp phần giảm lượng khí thải trong dài hạn, cũng như giảm bớt áp lực đối với giá khí đốt toàn cầu và mang lại những cải thiện về chất lượng không khí trong ngắn hạn khi các nước dừng việc khai thác than đá.
Giám đốc Phụ trách thị trường năng lượng và an ninh của IEA Keisuke Sadamori nhấn mạnh: “Phản ứng bền vững nhất đối với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay là những nỗ lực và chính sách mạnh mẽ hơn nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch”./.