Ðiện sinh khối: Tiềm năng có, khó thực hiện

Là tỉnh miền núi, với những lợi thế về điều kiện địa lý, địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, Ðiện Biên có tiềm năng phát triển trồng rừng tập trung tạo vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy điện sinh khối và các sản phẩm lâm nghiệp khác. Song thực tiễn còn nhiều khó khăn.

Tiềm năng có...

Ðiện sinh khối (biomass power) là việc sử dụng sinh khối (biomass) để sản xuất điện năng. Ðây là dạng năng lượng tái tạo, sạch và có trữ lượng không nhỏ nên được nhiều nước quan tâm đầu tư. Với điều kiện địa lý, địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu nhiệt đới gió mùa, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp của tỉnh ta tương đối lớn 694.753ha (chiếm 72% tổng diện tích tự nhiên), trong đó diện tích đất trống chưa có rừng 356.553,19ha. Ðây là lợi thế để Ðiện Biên thu hút đầu tư phát triển lâm nghiệp, trồng rừng và phát triển các dự án điện sinh khối. Trong đó, trồng rừng tập trung tạo vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy điện sinh khối và các sản phẩm lâm nghiệp khác gồm 2 hợp phần là trồng rừng và nhà máy điện sinh khối sẽ đem lại những lợi ích về kinh tế - xã hội và môi trường.

Những năm gần đây, công tác trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành quan tâm. Ngoài diện tích rừng trồng tập trung, diện tích trang trại rừng, vườn rừng từng bước được hình thành góp phần đa dạng hóa việc khai thác quỹ đất lâm nghiệp để phát triển kinh tế hộ gia đình. Kinh tế trang trại hình thành và phát triển theo hướng tổng hợp đa dạng ngành nghề: Vườn - ao - chuồng - rừng. Hoạt động chủ yếu là sản xuất nông - lâm kết hợp với chăn nuôi; trồng cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế; nhận khoán bảo vệ, khoanh nuôi kết hợp chăn nuôi trâu bò, dê, ong... Thực tế cho thấy phát triển kinh tế vườn rừng, trang trại trồng rừng là hướng làm ăn có hiệu quả kinh tế khá cao. Các sản phẩm lâm sản được tiêu thụ như: Gỗ rừng trồng chưa qua sơ chế; tre, bương, luồng được chặt bán phục vụ xây dựng dân dụng và làm nguyên liệu cho chế biến ván ghép thanh.

Căn cứ Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện (thời kỳ 2021 - 2030) đã được UBND tỉnh phê duyệt, thời gian qua một số nhà đầu tư đã phối hợp với Trung tâm Quy hoạch và Thiết kế nông, lâm nghiệp tỉnh và UBND các huyện: Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà tiến hành rà soát, xác định quỹ đất khả dụng nằm trong các loại đất được quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp để nghiên cứu lập đề xuất dự án đầu tư với tổng diện tích dự kiến trên 4 huyện là 65.914,08ha. Trong đó, diện tích được quy hoạch đất trồng cây lâu năm, đất trồng lúa nương, đất trồng cây hàng năm khác, đất rừng sản xuất 44.509,68ha (chiếm 67% tổng diện tích vùng nghiên cứu lập dự án); diện tích đất trống thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ 21.404,40ha (chiếm 32%). Căn cứ các tiêu chí về điều kiện địa hình, đất đai của các huyện; tình hình thực tế người dân trồng rừng tự phát và trồng rừng theo các chương trình, dự án của nhà nước, nhà đầu tư xác định các loài cây sinh trưởng nhanh như: bạch đàn cao sản, thông ba lá có tiềm năng đưa vào trồng rừng sinh khối ở chu kỳ trồng rừng đầu tiên.

Hiện nay Công ty TNHH CME Biomass Holdings đã hoàn tất công tác khảo sát quỹ đất vùng nguyên liệu của dự án đến từng thôn, bản trên địa bàn 4 huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà, Tủa Chùa đảm bảo theo quy mô đã được phê duyệt tại Quyết định số 402/QÐ-UBND ngày 13/03/2023 của UBND tỉnh. Sử dụng đất thực hiện dự án theo 2 hình thức: Nhà đầu tư thực hiện các thủ tục liên quan theo các quy định hiện hành để đề xuất Nhà nước cho thuê đất với diện tích khoảng 13.362ha. Hoặc nhà đầu tư hợp tác, liên kết với người dân thông qua các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để trồng vùng nguyên liệu dự kiến khoảng 52.561ha. Người dân chủ động phát triển vùng nguyên liệu trên diện tích đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm hỗ trợ, cung cấp cây giống, vật tư thiết yếu đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng; hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng liên kết.

Khó khăn nhiều

Từ đầu năm đến nay, UBND các huyện, UBND tỉnh đã có nhiều buổi làm việc với nhà đầu tư về việc triển khai dự án trồng rừng tập trung nhằm thực hiện dự án điện sinh khối. Theo đó, chính quyền các cấp ủng hộ cao việc đầu tư dự án của Công ty TNHH CME Biomass Holdings. Ðồng thời làm rõ thêm các nội dung như việc khảo sát, địa điểm phù hợp và chủ trương, cơ chế chính sách để thực hiện dự án; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Huyện Tuần Giáo ủng hộ chủ trương trồng rừng tập trung để phát triển dự án điện sinh khối. Song để triển khai, thực hiện trước hết cần sự đồng thuận của người dân thuộc vùng dự án. Hiện nay, huyện Tuần Giáo đã và đang định hướng chủ trương phát triển cây mắc ca nên khó triển khai trồng rừng sản xuất cho dự án. Trong khi đó, theo thống kê từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện chưa trồng được héc ta rừng trồng nào, quỹ đất lại hạn hẹp. Ðối với diện tích hợp tác, liên kết với người dân; trong đó, phần diện tích đất do người dân đang quản lý còn lại trong vùng dự án (sau khi đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân theo hạn mức) với mức nhà đầu tư hỗ trợ tối thiểu 15 triệu đồng/ha công khai hoang, cải tạo đất chưa thực sự thu hút người dân tham gia.

Qua phối hợp cùng UBND các xã trong vùng dự án, khảo sát hiện trạng khu đất dự án, đa số diện tích đất quy hoạch vùng dự án chưa hoàn thành đo đạc, quy chủ, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; người dân sử dụng canh tác nương luân canh theo từng đám nhỏ, diện tích còn lại bỏ hoang. Do chưa quy chủ giao đất nên nhiều diện tích chưa có ranh giới sử dụng đất rõ ràng của từng hộ gia đình, cá nhân. Do vậy, việc đo đạc, xác định hiện trạng và lập bản đồ địa chính, quy chủ xác định diện tích của từng hộ dân sử dụng trong vùng dự án để làm các thủ tục đất đai có liên quan (thuê đất của Nhà nước; hợp tác, liên kết với người dân, do các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác là trung gian điều phối giữa nhà đầu tư với người dân) cần thực hiện. Vùng dự án có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí, phong tục tập quán còn nhiều hạn chế; do đó còn gặp khó trong việc vận động, thuyết phục người dân đồng thuận và hợp tác thực hiện dự án. Ðất đai trong vùng dự án, mặc dù chưa được giao và cấp quyền sử dụng đất cho người dân nhưng thực tế đất vẫn do người dân quản lý, sử dụng để canh tác nương cũng là một khó khăn đối với việc giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Hơn nữa, hiện nay diện tích khảo sát cụ thể tới từng thôn bản có một số vị trí, cơ cấu thay đổi so với vùng nghiên cứu dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Trong đó, 3 huyện có diện tích giảm: Tuần Giáo, Mường Ảng, Tủa Chùa (giảm 8.735ha) và huyện Mường Chà có diện tích tăng (tăng 18.050ha). Với việc giảm 8.735ha, thì diện tích còn lại (57.179ha/65.914,08ha) của vùng nguyên liệu không đảm bảo cung cấp nguyên liệu đầy đủ, lâu dài phục vụ nhu cầu sản xuất của dự án điện và các sản phẩm lâm nghiệp khác như mục tiêu đề ra của dự án.

Mai Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/210087/%C3%B0i%E1%BA%B9n-sinh-kh%C3%B3i-ti%C3%A8m-nang-c%C3%B3-kh%C3%B3-th%E1%BB%A5c-hi%E1%BA%B9n