IFRS - Thêm công cụ minh bạch và khả tín

Áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), doanh nghiệp có thể tái định giá các tài sản đang có giá trị sổ sách thấp hơn nhiều giá trị thị trường, cũng như tạo niềm tin tốt hơn với nhà đầu tư.

Một số đối tượng doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải áp dụng IFRS từ năm 2026

Một số đối tượng doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải áp dụng IFRS từ năm 2026

Tàu biển, vùng nuôi thủy sản “đắt giá”

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt (PVT Logistics - mã chứng khoán PDV) đã chia sẻ kế hoạch thanh lý tàu PVT Synergy. Tàu này đang được ghi nhận trên sổ sách của doanh nghiệp với giá trị khoảng 5,3 triệu USD, trong khi giá thị trường tối thiểu là 10 triệu USD. Theo đó, Công ty sẽ có lãi đột biến nếu thanh lý tàu PVT Synergy thành công.

Ông Hồ Sĩ Thuận, Giám đốc PVT Logistics cho biết, Công ty đang xây dựng lộ trình áp dụng IFRS cùng với công ty mẹ là Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans - mã PVT). Khi đó, doanh nghiệp có thể tái định giá đội tàu.

Trong các năm qua, do nhu cầu vận tải tăng, giá cước tăng, đồng thời giá sắt thép cũng tăng đã kéo theo giá tàu mới và tàu cũ tăng lên. Điều này dẫn tới một nghịch lý đối với doanh nghiệp vận tải biển đang sở hữu đội tàu có giá trị sổ sách thấp hơn nhiều giá trị thị trường.

Đó là, doanh nghiệp chưa áp dụng IFRS không thể tái định giá tàu như với doanh nghiệp áp dụng IFRS, mà chỉ có thể ghi nhận giá trị tăng thêm khi thanh lý tàu thành công, hạch toán lãi từ thanh lý tàu cũ.

Tương tự, không ít doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản như Công ty cổ phần Nam Việt (mã ANV), Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã MPC) sở hữu vùng nuôi trồng thủy sản từ nhiều năm trước, tính theo giá thị trường hiện nay sẽ gấp nhiều lần so với giá trị sổ sách, nhưng không thể tái định giá nếu doanh nghiệp chưa áp dụng IFRS. Quỹ đất nuôi trồng thủy sản chỉ được định giá lại khi thực hiện góp vốn, triển khai các dự án.

Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) chưa có quy định cho phép đánh giá lại tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý tại thời điểm báo cáo, nên doanh nghiệp không thể tái định giá tài sản đang sở hữu, dù giá trị tài sản biến động đáng kể so với giá trị sổ sách. VAS chỉ cho phép đánh giá lại tài sản cố định là bất động sản, nhà xưởng và thiết bị trong trường hợp doanh nghiệp đưa tài sản đi góp vốn liên doanh, liên kết, chia tách, sáp nhập doanh nghiệp.

Chuẩn mực Kế toán Việt Nam chưa có quy định cho phép đánh giá lại tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý tại thời điểm báo cáo, nên doanh nghiệp không thể tái định giá tài sản đang sở hữu, dù giá trị tài sản biến động đáng kể so với giá trị sổ sách.

Tuy nhiên, nếu áp dụng IFRS, sẽ có một số khoản mục có sự thay đổi đáng kể về cách hạch toán, dẫn tới tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Chẳng hạn, theo VAS, doanh nghiệp thưởng tiền mặt sẽ làm giảm lợi nhuận sau thuế, còn phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) thì chỉ cần chuyển từ các khoản mục lợi nhuận chưa phân phối, thặng dư cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khác sang tăng vốn chủ sở hữu.

Như vậy, về bản chất, phát hành ESOP là chuyển dịch các khoản mục trong báo cáo tài chính. Trong khi đó, theo IFRS, doanh nghiệp phát hành ESOP buộc phải ghi nhận chi phí theo từng giai đoạn sát với thời gian gắn liền với kỳ ESOP đó, tức ESOP là một loại chi phí và khi phát hành, doanh nghiệp sẽ phải ghi nhận giảm lợi nhuận trong kỳ.

Áp dụng IFRS hỗ trợ thu hút dòng vốn

VAS có những khác biệt không nhỏ so với IFRS, từ cách hạch toán chi phí, cách ghi nhận doanh thu, cách ghi nhận tài sản…, gây khó khăn cho các quỹ đầu tư nước ngoài khi định giá, đánh giá doanh nghiệp Việt Nam, ảnh hưởng đến quá trình hợp tác và đầu tư.

Việt Nam phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong năm 2025. Bên cạnh việc cải thiện các yếu tố kỹ thuật như công bố thông tin song ngữ, áp dụng hệ thống KRX…, thị trường có hai vấn đề then chốt cần thực hiện là bỏ yêu cầu ký quỹ 100% trước khi giao dịch và nới lỏng giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Ngày 16/3/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam, lộ trình áp dụng IFRS được chia làm 3 giai đoạn: chuẩn bị (2020 - 2021), áp dụng tự nguyện (2022 - 2025) và bắt buộc áp dụng (từ năm 2026, với một số đối tượng doanh nghiệp).

Thị trường được nâng hạng sẽ mở ra cơ hội thu hút dòng vốn lớn vào Việt Nam. Theo ước tính của VinaCapital, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm từ 0,7 - 1,2% trong rổ chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell; dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt 5 - 8 tỷ USD.

Còn theo báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng có thể thu hút thêm dòng vốn ngoại gián tiếp khoảng 7,2 tỷ USD, chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, khác biệt ngôn ngữ kế toán giữa doanh nghiệp Việt Nam và quỹ đầu tư ngoại đang là rào cản trong quá trình hợp tác và đầu tư. Vì vậy, việc sớm áp dụng IFRS sẽ mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp trong việc thu hút vốn ngoại.

Ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital cho biết, IFRS đã được sử dụng như là ngôn ngữ chung trong giới tài chính toàn cầu. Nhờ cùng sử dụng một ngôn ngữ mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể giao tiếp một cách hiệu quả hơn.

IFRS đặt ra các quy tắc chung nhằm đảm bảo báo cáo tài chính được thống nhất, minh bạch và có thể so sánh trên phạm vi toàn thế giới. IFRS tạo ra một ngôn ngữ kế toán không còn phân biệt giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ.

“Mặc dù doanh nghiệp Việt Nam vẫn áp dụng VAS, nhưng IFRS sẽ giúp nhà đầu tư đánh giá tốt hơn về giá trị doanh nghiệp, đặc biệt là trong các trường hợp mua bán, sáp nhập, thêm nhà đầu tư, cổ đông… Bởi vì, chuẩn mực IFRS phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp gần với giá trị vốn hóa tại thời điểm hiện tại và ghi nhận các khoản tổn thất tài chính ngay khi xuất hiện nguy cơ tổn thất. Ngoài ra, về phần trình bày báo cáo tài chính theo chuẩn mực IFRS cũng chặt chẽ, chi tiết và minh bạch hơn. Điều này có ý nghĩa lớn đối với mục tiêu kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp”, ông Vân nói.

Duy Bắc

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ifrs-them-cong-cu-minh-bach-va-kha-tin-post347393.html