Indonesia đưa ra 6 chiến lược đối phó 'làn sóng' Covid-19 lần thứ ba
Nhằm ngăn chặn 'làn sóng' Covid-19 lần thứ ba có thể xảy ra vào cuối năm nay, chính phủ Indonesia đã đưa ra 6 chiến lược đối phó sớm với dịch bệnh.
Trong những ngày qua, số ca mắc mới Covid-19 tại Indonesia đã giảm mạnh, nhiều tỉnh, thành phố không còn trường hợp tử vong do Covid-19. Người dân dần trở lại nhịp sinh hoạt bình thường như trước đại dịch. Tuy nhiên, chính phủ Indonesia vẫn đang rất lo ngại về khả năng dịch bệnh một lần nữa bùng phát sau dịp lễ Giáng Sinh và đón năm mới sắp tới, khi lượng người di chuyển trong nước gia tăng.
Trước nguy cơ này, Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia hôm 17/10 cho biết, chính phủ Indonesia đã xây dựng 6 chiến lược để kiểm soát sự lây lan trở lại của Covid-19. Chiến lược thứ nhất là đảm bảo việc nới lỏng các hạn chế hoạt động cộng đồng (PPKM) gắn liền với kiểm soát chặt chẽ trên thực địa, theo đó yêu cầu người dân tiếp tục cảnh giác trước dịch bệnh, tuân thủ các giao thức y tế và hạn chế di chuyển. Chiến lược thứ hai là tăng tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư và là trung tâm tăng trưởng kinh tế, nhằm ngăn chặn tỷ lệ tử vong và nhập viện cao nếu “làn sóng” Covid-19 thứ ba xảy ra. Chiến lược thứ ba là đẩy nhanh tiêm ngừa Covid-19 cho trẻ em để hệ miễn dịch của trẻ được tăng cường vào cuối năm nay.
Chiến lược thứ tư là áp dụng các quy định y tế nghiêm ngặt đối với khách du lịch nước ngoài nhập cảnh, nhất là tại đảo du lịch Bali. Chiến lược tiếp theo là tăng cường vai trò của chính quyền các địa phương trong việc giám sát các hoạt động cộng đồng, tuyên truyền cho người dân địa phương về các giao thức y tế cần được thực hiện. Cuối cùng là bổ sung, hoàn thiện các quy định y tế để cải thiện việc tuân thủ giao thức y tế của cộng đồng.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho rằng không có dịch bệnh nào có thể chấm dứt trong thời gian ngắn mà thường kéo dài ít nhất 5 năm. Do vậy, người dân cần học cách chung sống với Covid-19. Theo đó, bước đi quan trọng đầu tiên là mọi người cần được tiêm vaccine đầy đủ.
Đến nay, hơn 100 triệu công dân Indonesia đã được tiêm mũi đầu vaccine ngừa Covid-19 và hơn 50 triệu người đã tiêm phòng đầy đủ. Chính phủ Indonesia đang duy trì tốc độ tiêm chủng khoảng 2 triệu liều vaccine mỗi ngày và hy vọng nhận thêm hơn 50 triệu liều vaccine vào cuối năm nay để sớm đạt mục tiêu tiêm chủng cho 208 triệu dân./.