Indonesia nỗ lực thu hút FDI vào lĩnh vực điện hạt nhân

Indonesia sẽ thành lập một cơ quan mới để thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân, bất chấp những lo ngại xung quanh việc phát triển các nhà máy điện hạt nhân.

Indonesia tập trung thu hút FDI vào lĩnh vực điện hạt nhân. Ảnh minh họa: TTXVN

Indonesia tập trung thu hút FDI vào lĩnh vực điện hạt nhân. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Rohadi Awaludin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hạt nhân thuộc Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia (BRIN), cho biết Hội đồng Năng lượng Quốc gia (DEN) đang chuẩn bị thành lập Tổ chức Thực hiện Chương trình Năng lượng Hạt nhân (NEPIO) nhằm cải thiện môi trường đầu tư phát triển các nhà máy điện hạt nhân ở Indonesia.

Theo ông Rohadi, Indonesia có trữ lượng uranium và thorium tương ứng khoảng 90.000 tấn và 140.000 tấn, đủ để cung cấp năng lượng cho 10 nhà máy điện hạt nhân công suất 1.000 MW trong vòng 30 năm.

Tuy nhiên, ông Rohadi thừa nhận rằng việc xử lý nguyên liệu thô để cung cấp năng lượng cho các nhà máy này sẽ rất khó khăn và hy vọng rằng việc thông qua quy định của chính phủ số 52/2022 về khai thác nguyên liệu hạt nhân an toàn và đảm bảo sẽ khuyến khích các bên bắt đầu quá trình này ở Indonesia.

Quy định trên yêu cầu các doanh nghiệp tiến hành nghiên cứu khả thi, đệ trình kế hoạch phát triển và thiết kế mỏ, đồng thời đưa ra các biện pháp ứng phó khẩn cấp với sự cố hạt nhân. Các doanh nghiệp cũng được yêu cầu quản lý chất thải hạt nhân và tổ chức các khóa đào tạo về an toàn bức xạ.

Ông Haendra Subekti, Giám đốc chính sách vật liệu và cơ sở hạt nhân thuộc Cơ quan quản lý năng lượng hạt nhân (Bapeten), cho biết các quốc gia có chương trình hạt nhân tiên tiến như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đan Mạch đã bày tỏ quan tâm đến việc phát triển các dự án điện hạt nhân ở Indonesia.

Trong hai năm qua, “một số công ty nước ngoài” đã bày tỏ quan tâm đến việc phát triển các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) ở Indonesia. Các công ty này cung cấp nhiều mô hình kinh doanh, từ đầu tư và chuyển giao công nghệ đến các nhà sản xuất điện độc lập (IPP).

Ông Haendra bày tỏ sự lạc quan rằng quy định khai thác nhiên liệu hạt nhân mới sẽ khuyến khích sử dụng các công nghệ tiên tiến trong xử lý chất phóng xạ và chế biến nhiên liệu hạt nhân - giai đoạn cuối cùng trong việc chuẩn bị vật liệu để sử dụng trong lò phản ứng.

Tuy nhiên, ông Rohadi cho rằng mặc dù một số nhà đầu tư đã bày tỏ quan tâm đến việc khai thác nguyên liệu hạt nhân ở Indonesia, hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu trong số những người quan tâm (EOI) này sẽ trở thành đầu tư thực sự.

Indonesia không hoàn toàn thiếu kinh nghiệm về công nghệ hạt nhân. Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á hiện có 3 lò phản ứng hạt nhân phục vụ mục đích nghiên cứu, gồm lò phản ứng Triga 2000 công suất 2 MW ở Bandung, Tây Java; lò phản ứng GA Siwabessy công suất 30 MW ở Serpong, Banten; và lò phản ứng Kartini công suất 100 KW ở Yogyakarta - địa điểm đặt Trường Cao đẳng Công nghệ Hạt nhân (STTN).

Tổng cục trưởng Năng lượng tái tạo Dadan Kusdiana thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản cho biết việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân sẽ giúp Indonesia đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060, đồng thời nhấn mạnh rằng các nhà máy này sẽ sinh lãi nhiều hơn nhờ những tiến bộ công nghệ toàn cầu.

Một trong số các công ty đã bày tỏ quan tâm đến việc phát triển nhà máy điện hạt nhân ở Indonesia là PT ThorCon Power Indonesia - công ty FDI thuộc sở hữu của hãng ThorCon International Pte. Ltd (Mỹ). ThorCon đã hợp tác với các cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhà nước của Indonesia trong 7 năm qua để khởi động một nhà máy điện hạt nhân nổi công suất 500 MW vào năm 2027.

Theo ông Haendra, ThorCon đã gửi báo cáo điều tra địa điểm sơ bộ (PSI) và đánh giá thiết kế an toàn cho Bapeten trong tháng 12 này. Địa điểm được đề xuất tiếp nhận nhà máy này là Quần đảo Belitung.

ThorCon Power cũng sẽ xây dựng một phòng thí nghiệm muối và nền tảng thử nghiệm không phân hạch để thử nghiệm một số vật liệu và linh kiện được sử dụng cho nhà máy điện.

ThorCon Power đang thúc đẩy xây dựng cơ sở điện hạt nhân thử nghiệm trị giá 1,2 tỷ USD ở Indonesia, sử dụng các lò phản ứng muối nóng chảy (MSR) chạy bằng nhiên liệu thorium. Công ty có kế hoạch xây dựng cơ sở này dưới dạng IPP, nghĩa là rằng dự án sẽ không được tài trợ bởi ngân sách nhà nước./.

Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Jakarta)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/indonesia-no-luc-thu-hut-fdi-vao-linh-vuc-dien-hat-nhan/275466.html