Indonesia xây dựng quỹ khẩn cấp để bảo đảm lương thực trước tháng Ramadan

Indonesia lên kế hoạch lập quỹ khẩn cấp nhằm bảo đảm an ninh lương thực và bình ổn giá trong tháng Ramadan và Eid al-Fitr. Kế hoạch này có sự hỗ trợ của Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) và Tập đoàn thực phẩm Nhà nước ID Food.

Sáng kiến chiến lược về an ninh lương thực

Trong bối cảnh người dân đang háo hức chuẩn bị cho tháng Ramadan và Eid al-Fitr, Bộ Tài chính Indonesia và Cơ quan Lương thực Quốc gia (Bapanas) đã lên kế hoạch quan trọng nhằm ổn định giá thực phẩm.

Theo đó, Tổng Giám đốc Ngân sách Isa Rachmatarwata đã công bố kế hoạch cho chương trình quỹ ứng phó khẩn cấp được thiết kế để hỗ trợ Bulog và tập đoàn ID Food, trong việc duy trì nguồn cung cấp lương thực dự trữ đầy đủ. Sáng kiến này nhằm mục đích bảo đảm khả năng tiếp cận nguồn cung thực phẩm và kiểm soát giá thực phẩm, giải quyết mối lo ngại về lạm phát trong nước.

Chương trình quỹ khẩn cấp nổi lên như một phản ứng chiến lược trước những thách thức về lạm phát giá lương thực ở Indonesia. Bằng cách cho phép Bapanas chủ động can thiệp, chính phủ tìm cách bảo đảm rằng Bulog và ID Food có thể xây dựng và duy trì lượng dự trữ thực phẩm cần thiết một cách nhất quán.

Kế hoạch này nhấn mạnh cam kết của chính phủ trong việc bảo vệ an ninh lương thực và ổn định giá cả, đặc biệt trong các lễ hội văn hóa và tôn giáo quan trọng như tháng Ramadan và Eid al-Fitr.

Ảnh: Jakarta Post

Ảnh: Jakarta Post

Giải pháp tài chính và hợp tác

Để theo đuổi mục tiêu này, Bulog và ID Food hiện đang tận dụng các dịch vụ tài chính từ hiệp hội ngân hàng nhà nước Himbara. Sự hợp tác này thể hiện nỗ lực phối hợp nhằm đưa ra các giải pháp tài chính khả thi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua và lưu trữ nguồn cung cấp thực phẩm. Thêm vào đó, bằng cách "tranh thủ" sự hỗ trợ của Himbara, Bulog và ID Food hướng tới nâng cao năng lực hoạt động, bảo đảm rằng họ có thể ứng phó hiệu quả với những biến động về nhu cầu và giá cả thực phẩm.

Bộ Tài chính cũng hợp tác với Cơ quan Giám sát Tài chính và Phát triển (BPKP) với tư cách là kiểm toán viên và xác minh cho các hoạt động phân phối. Trong khi đó, Bapanas tiết lộ rằng, để đáp ứng hạn ngạch nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo trong năm nay sẽ cần ngân sách vượt quá 30 nghìn tỷ IDR (1,9 tỷ USD), và Bapanas đã được phân bổ ngân sách 442 tỷ IDR cho năm nay.

Những mối quan hệ hợp tác này có vai trò then chốt trong việc tăng cường cơ sở hạ tầng cần thiết cho một hệ thống an ninh lương thực bền vững.

Hứa hẹn mang đến một thị trường thực phẩm ổn định

Cuộc thảo luận về quỹ khẩn cấp để ổn định lương thực của chính phủ Indonesia thể hiện một cách tiếp cận có tư duy tiến bộ, nhằm giải quyết các thách thức lâu năm về lạm phát lương thực và các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng. Khi các kế hoạch của quỹ tiếp tục được hoàn thiện, sáng kiến này hứa hẹn sẽ mang lại một thị trường thực phẩm ổn định và dễ dự đoán hơn.

Nỗ lực này không chỉ nhằm mục đích mang lại lợi ích cho người tiêu dùng thông qua việc kiểm soát giá lương thực, mà còn hỗ trợ bối cảnh kinh tế rộng lớn hơn bằng cách giảm thiểu áp lực lạm phát. Khi Indonesia chuẩn bị cho mùa lễ hội Ramadan và Eid al-Fitr, việc thành lập một quỹ như vậy có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm rằng người dân có thể tiếp cận các nguồn cung cấp thực phẩm thiết yếu một cách dồi dào.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/indonesia-xay-dung-quy-khan-cap-de-bao-dam-luong-thuc-truoc-thang-ramadan-i362149/