iPhone có thể tăng giá đến 43%?
Chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến thị trường công nghệ xôn xao. Chuyên gia dự báo iPhone có thể tăng giá đến 43%.
Tuần qua, ông Trump đã công bố mức thuế bổ sung 34% áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nối tiếp mức thuế 20% trước đó, nâng tổng thuế suất lên 54%. Vì Trung Quốc vẫn là một trong những trung tâm sản xuất chính của Apple, các chuyên gia cảnh báo tác động sẽ không nhỏ.
Theo Reuters, một số nhà phân tích cho rằng giá iPhone có thể tăng tới 43% nếu Apple không được miễn trừ. Cụ thể, mẫu iPhone 16e hiện có giá khởi điểm 599 USD có thể bị đẩy lên 856 USD. iPhone 16 tiêu chuẩn (799 USD) có thể leo lên đến 1.142 USD, gần ngang mức giá hiện tại của iPhone 16 Pro Max.
Công ty nghiên cứu cổ phiếu Rosenblatt Securities nhận định, để bù đắp chi phí thuế quan, Apple có thể phải tăng giá iPhone và Apple Watch lên 43%, iPad tăng 42%, còn Mac và AirPods tăng 39%.
Ông Neil Shah, đồng sáng lập Counterpoint Research, bổ sung: “Apple sẽ cần tăng giá trung bình ít nhất 30% nếu muốn duy trì biên lợi nhuận”. Trong khi đó, nhà phân tích Erik Woodring của Morgan Stanley ước tính mức tăng nhẹ hơn, dao động từ 17-18%.

iPhone có thể tăng giá đến 43% vì mức thuế quan mới. Ảnh: TIỂU MINH
Apple có thể “cầm cự” bao lâu?
Dù Apple đã chuyển bớt các dây chuyền sản xuất sang các nước như Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia, nhưng các quốc gia này này vẫn nằm trong diện áp thuế theo sắc lệnh mới.
Hiện tại, Apple có thể đang tích trữ lượng hàng lớn tại Mỹ. Theo quy định, hàng hóa đang trên đường vận chuyển và đến nơi trước 0h01 ngày 9-4 (giờ ET) sẽ không bị đánh thuế, nên Apple có vài ngày để nhập khẩu lượng thiết bị lớn nhằm tạm thời tránh tăng giá.
Nhưng một khi hàng tồn kho cạn kiệt, Apple sẽ đối mặt với lựa chọn khó khăn, hoặc tăng giá, hoặc hy sinh lợi nhuận. Điều này càng nhạy cảm khi người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu giữa bối cảnh kinh tế bất ổn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Apple có thể “giữ giá” iPhone 16 trong thời gian ngắn, nhưng không dễ làm điều đó với iPhone 17, dòng sản phẩm dự kiến ra mắt vào mùa thu.
Ông Angelo Zino, nhà phân tích tại CFRA Research, nhận định: “Apple sẽ khó tăng giá quá 5-10% đối với người tiêu dùng. Họ có thể trì hoãn tăng giá cho đến khi iPhone 17 ra mắt, như cách họ thường làm khi có biến động chi phí”.
Về dài hạn, Apple có thể áp dụng chiến lược đa hướng như điều chỉnh giá bán, tối ưu chuỗi cung ứng và vận động để được miễn trừ thuế. Theo Wamsi Mohan (Bank of America), nếu không được miễn trừ, thu nhập trên mỗi cổ phiếu của Apple có thể giảm 1,24 USD vào năm 2026.
Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump từng miễn thuế cho iPhone và một số sản phẩm khác như Apple Watch. Tuy nhiên, lần này, chưa có dấu hiệu Apple sẽ được ưu ái.
Dù CEO Tim Cook đã gặp Trump từ tháng 2 và từng quyên góp 1 triệu USD cho lễ nhậm chức, Apple vẫn chưa được hưởng bất kỳ miễn trừ nào. Việc Trump sử dụng Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) để ban hành thuế quan khiến chỉ ông mới có quyền ra quyết định miễn trừ, và hiện tại, không có cơ chế chính thức để xin miễn giảm theo từng sản phẩm.

Quốc hội có thể can thiệp?
Dù Quốc hội Mỹ có thể ra tay, nhưng với đa số là đảng Cộng hòa, khả năng chặn mức thuế mới là rất thấp. Thượng viện đã từng thông qua nghị quyết ngăn chặn thuế quan với Canada, nhưng bị chặn ở Hạ viện. Thượng nghị sĩ Chuck Grassley đã đề xuất một dự luật lưỡng đảng để kiểm soát quyền lực thuế quan của tổng thống, song chưa nhận được đủ sự ủng hộ.
Trên trang Truth Social của mình, Trump nói rằng ông không có kế hoạch thay đổi chính sách của mình. Hôm qua, ông nói "Tôi nghĩ mọi thứ đang diễn ra rất tốt - thị trường sẽ bùng nổ...".

Một số công ty đã phản ứng
Apple chưa đưa ra phát ngôn chính thức. Tuy nhiên, một số hãng khác đã bắt đầu điều chỉnh. Đơn cử, Nintendo đã hủy kế hoạch cho phép đặt hàng trước Nintendo Switch 2 tại Mỹ, dự kiến diễn ra vào ngày 9-4, với lý do “đang đánh giá tác động của thuế quan”.
Trong bối cảnh còn quá nhiều ẩn số, nếu bạn đang dùng thiết bị Apple cũ và có ý định nâng cấp, đây có thể là thời điểm nên ra quyết định, đặc biệt là trước mốc 9-4.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu liên tục biến động, xu hướng mua sắm trả góp đang ngày càng được ưa chuộng tại nhiều quốc gia. Hình thức này cho phép người tiêu dùng sở hữu sản phẩm mong muốn ngay lập tức, đồng thời chia nhỏ khoản thanh toán để giảm áp lực tài chính.
Theo dự báo, số lượng người lựa chọn phương thức thanh toán trả góp có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2028 so với hiện tại, minh chứng cho sự phổ biến ngày càng mạnh mẽ của mô hình này.
Tại Việt Nam, hình thức mua sắm trả góp cũng đang trở thành lựa chọn phổ biến của người tiêu dùng. Theo một nghiên cứu, Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ sử dụng dịch vụ mua trước trả sau, đặc biệt trong các ngành hàng công nghệ, điện tử và thời trang. Cụ thể, 59% người dùng chọn trả góp khi mua sản phẩm điện tử, 51% áp dụng cho các mặt hàng gia dụng và 47% lựa chọn hình thức này khi mua sắm thời trang, phụ kiện.
Trao đổi với PLO, đại diện hệ thống Di Động Việt cho biết họ cũng vừa tung ra chương trình "Trả góp 30" với ba cam kết 0% lãi suất, 0 đồng trả trước và không phát sinh chi phí ẩn, giúp người tiêu dùng dễ dàng sở hữu các thiết bị yêu thích mà không phải lo gánh nặng tài chính ban đầu.
Giữa lúc iPhone có thể tăng giá mạnh và tương lai thuế quan còn nhiều biến động, đây có thể là thời điểm lý tưởng để người dùng nâng cấp thiết bị, đặc biệt khi vẫn còn cơ hội mua với giá chưa bị ảnh hưởng, và có thể trả góp linh hoạt.
Dù chính sách có thể thay đổi, đàm phán có thể diễn ra, hoặc Apple được miễn trừ, nhưng không ai có thể chắc chắn điều gì. Nếu mức tăng giá 30-40% trở thành hiện thực, chi phí sở hữu iPhone sẽ thay đổi đáng kể.
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/iphone-co-the-tang-gia-den-43-post842709.html