Iran hưởng lợi lớn thế nào từ xung đột Ukraine - Nga?

Cuộc xung đột quân sự giữa Ukraine và Nga giúp Iran xích lại gần Nga hơn, đồng thời cản trở các lợi ích của Mỹ. Iran đang đạt được nhiều mục tiêu đối ngoại và an ninh quốc gia từ chính cuộc đối đầu này.

Ngày 17/10/2022 vừa qua là một cột mốc khi các máy bay không người lái (UAV) do Iran sản xuất tấn công các mục tiêu ở thủ đô Kiev của Ukraine. Nga dùng các UAV được cho là do Iran cung cấp để gây hư hại lớn cho trụ sở các công ty năng lượng quốc gia của Ukraine.

Iran nằm trong số các nước bày tỏ nhiều nhất thái độ ủng hộ Nga trong xung đột Ukraine. Khi giao tranh với Ukraine ngày càng trở nên khốc liệt, Nga tìm đến sự hỗ trợ từ Iran. Ngược lại, việc Iran hỗ trợ Nga vào lúc này cũng giúp Iran đạt được bước tiến trong thúc đẩy lợi ích quốc gia.

Lãnh tụ tối cao Iran Khamenei (giữa) gặp gỡ Tổng thống Nga Putin (bìa trái). Ảnh: Văn phòng Lãnh tụ tối cao Iran.

Lãnh tụ tối cao Iran Khamenei (giữa) gặp gỡ Tổng thống Nga Putin (bìa trái). Ảnh: Văn phòng Lãnh tụ tối cao Iran.

Nỗi lo ngại thường trực của Iran

Kể từ Cách mạng Hồi giáo 1979, ban lãnh đạo Iran tin rằng Mỹ liên tục mưu toan lật đổ chính quyền Iran. Họ coi giới lãnh đạo Mỹ là mối đe dọa lớn nhất và là trở ngại đối với việc thúc đẩy các lợi ích quốc gia của Iran.

Nỗi sợ của Iran không phải là vô lý. Lịch sử dài lâu Mỹ can thiệp vào các vấn đề của Iran, tình trạng thù địch công khai đang diễn ra giữa 2 nước và hàng thập kỷ Mỹ xây dựng lực lượng quân sự ở gần Iran đã gây quan ngại lớn cho ban lãnh đạo Iran.

Để thúc đẩy lợi ích quốc gia của mình, Iran đang nỗ lực đẩy quân đội Mỹ ra khỏi khu vực Trung Đông và giảm ảnh hưởng chính trị của Mỹ tại đây.

Iran còn hướng tới một mục tiêu lớn hơn: Lật đổ điều mà họ coi là trật tự chính trị toàn cầu do Mỹ thống trị.

Iran chống lại ảnh hưởng của Mỹ bằng cách duy trì quan hệ đối tác với một số lực lượng dân quân phi nhà nước và các chính quyền có điểm chung là sự thù địch đối với Mỹ. Thông qua các lực lượng này, Iran mở rộng ảnh hưởng và cố gắng thúc đẩy sự hình thành các chính phủ thân Iran tại một số nước như Lebanon, Syria, Iraq và Yemen. Nga cũng là một đối tác quan trọng của Iran để đối phó với Mỹ.

Iran có thể giúp Nga như thế nào?

Nga cần Iran ở 2 điểm sau:

Thứ nhất, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cung cấp nhân lực trám vào khoảng trống mà Nga bỏ lại ở Syria khi Nga điều bớt lực lượng sang Ukraine.

Thứ hai, Nga đã sử dụng các UAV được cho là của Iran để đối trọng với kho vũ khí mà phương Tây cung cấp cho Ukraine. Các UAV này có chi phí thấp nhưng đạt hiệu quả cao trên chiến trường.

Hồi tháng 7, Iran tổ chức huấn luyện cho sĩ quan Nga về vận hành các UAV của Iran là Shahed-129 và Shahed-191. Vào đầu tháng 8/2022, giới chức Nga và các nguồn tin tình báo giấu tên chỉ ra rằng Nga đã mua được và sử dụng UAV Iran ở Ukraine.

Kể từ khi được cho là sở hữu UAV Iran vào tháng 9, Nga đã sử dụng các UAV tấn công Shahed-136 và Mohajer-6, cũng như UAV trinh sát trong hơn một chục cuộc tấn công vào hàng loạt mục tiêu như các đơn vị đặc nhiệm, thiết giáp và pháo binh Ukraine, các cơ sở phòng không và dự trữ nhiên liệu, cơ sở hạ tầng quân sự và năng lượng Ukraine.

Chiến sự Ukraine thúc đẩy lợi ích Iran

Nga rút quân khỏi Syria sẽ tạo điều kiện cho các binh sĩ Iran củng cố chỗ đứng của mình ở Syria.

Việc Nga mua vũ khí của Iran cũng thúc đẩy đáng kể kho vũ khí của Iran mà xưa nay chủ yếu đáp ứng nhu cầu của bản thân lực lượng vũ trang nước này.

Cuối cùng, xung đột Nga - Ukraine tạo ra một hành lang mới để Iran trực tiếp chống lại các vũ khí do Mỹ cung cấp cũng như tạo ra cơ hội để Iran phá ngầm ảnh hưởng của Mỹ và NATO ở vùng Á-Âu.

Hiện nay vũ khí Iran trên chiến trường Ukraine có thể khiến các nước phương Tây phải phân bổ lại hàng tỷ USD cho các hệ thống phòng không và chống UAV hoặc viện trợ để thay thế cho số vũ khí đã bị hư hại.

Các tên lửa đạn đạo của Iran nếu được cung cấp cho Nga sử dụng ở Ukraine sẽ giúp Iran trực tiếp cản trở Mỹ và NATO bên ngoài các vùng hoạt động phổ biến của Iran. Iran sẽ gia tăng hình ảnh trong các nước mong muốn thách thức quyền lực chính trị, quân sự và kinh tế của Mỹ và khối NATO./.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: The Conversation

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/iran-huong-loi-lon-the-nao-tu-xung-dot-ukraine-nga-post978632.vov