Iran trước những thách thức của quá trình chuyển giao quyền lực

Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế đang có nhiều biến động phức tạp, sự ra đi đột ngột của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đặt ra nhiều thách thức cho hoạt động nội bộ của đất nước cũng như các mối quan hệ đối ngoại của Iran trong khu vực và trên thế giới.

Duy trì sự ổn định trong thời điểm nhạy cảm

Cố Tổng thống Ebrahim Raisi được xem là một nhân vật nổi bật trong giới tinh hoa chính trị, có ảnh hưởng đáng kể đến các chính sách đối nội của Iran. Ông cũng là người đóng vai trò trung tâm trong các động thái gần đây của Iran nhằm cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, bất chấp ảnh hưởng to lớn, ông Ebrahim Raisi không phải nhân vật nắm quyền lực quyết định ở Iran. Do vậy, vụ tử nạn của ông Ebrahim Raisi cũng sẽ không làm thay đổi đường lối cứng rắn mà nước này lựa chọn kể từ khi ông lên nắm quyền.

Là một luật gia Hồi giáo được chú ý và mối quan hệ thân cận với Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei, được nhiều quan chức và chuyên gia xem là ứng viên tiềm năng kế nhiệm vị lãnh tụ lớn tuổi, nhiệm kỳ của ông Raisi đã chứng kiến việc Iran tăng tốc độ làm giàu uranium và trì hoãn các cuộc đàm phán về Kế hoạch Hành động Toàn diện chung sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018, ba năm trước khi ông nhậm chức. Chính sách này được dự đoán sẽ không có thay đổi nhiều sau khi Iran trải qua quá trình chuyển giao quyền lực.

Ngay sau khi xác nhận Tổng thống Ebrahim Raisi và một số quan chức khác tử nạn trong vụ rơi trực thăng ngày 19.5 tại tỉnh Đông Azerbaijan, nhà Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố 5 ngày quốc tang, đồng thời chỉ định Phó Tổng thống Mohammad Mokhber giữ chức Tổng thống lâm thời. Theo Điều 131 của Hiến pháp, ông Mokhber sẽ chịu trách nhiệm lãnh đạo cơ quan hành pháp và phối hợp với những người đứng đầu cơ quan lập pháp và tư pháp để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra trong vòng 50 ngày.

Ngày 20.5, Ủy ban Bầu cử đã thông báo quyết định ấn định ngày bầu cử Tổng thống bất thường vào ngày 28.6. Đây là tình huống chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Cộng hòa Hồi giáo Iran. Việc phải tổ chức một cuộc bầu cử quan trọng trong vòng chưa đầy 2 tháng cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với Iran.

“Việc huy động cử tri trong vòng 50 ngày đặt ra một thách thức đáng kể,” Hamidreza Azizi, thành viên thỉnh giảng tại Viện An ninh và Quốc tế Đức (SWP), viết trên X. Đầu năm nay, Iran đã tổ chức bầu cử Quốc hội và Hội đồng Giám hộ (cơ quan chịu trách nhiệm bầu nhà Lãnh đạo tối cao và thẩm tra tư cách ứng cử viên Tổng thống). Theo thống kê, cuộc bầu cử Quốc hội có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 41%, mức thấp kỷ lục kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Các nhà phân tích cho rằng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp trong các cuộc bầu cử gần đây ở Iran là do sự bất mãn trong nước xuất phát từ những khó khăn kinh tế và căng thẳng xã hội

Người dân Iran thắp nến tưởng niệm Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và các quan chức qua đời trong vụ tai nạn trực thăng. Nguồn: The Indian Express

Người dân Iran thắp nến tưởng niệm Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và các quan chức qua đời trong vụ tai nạn trực thăng. Nguồn: The Indian Express

Một mối lo khác là việc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), nhánh lớn nhất của lực lượng vũ trang Iran hiện đang kiểm soát các khu vực lớn của nền kinh tế, cũng có thể tận dụng biến động này để tăng cường sức mạnh của mình.

Hơn nữa, mặc dù các chuyên gia cho rằng khó có khả năng một nhân vật theo chủ nghĩa tự do sẽ xuất hiện trong cuộc bầu cử bất thường hoặc bầu cử tổng thống năm 2025 ở Iran, song sự việc của ông Ebrahim Raisi có thể tạo ra một kẽ hở nhỏ cho các phong trào phản kháng vẫn đang tồn tại âm thầm ở Iran. Chuyên gia Tổ chức Bảo vệ các nền Dân chủ (FDD) Ben Taleblu cho biết: “Những phong trào này vẫn chưa biến mất. Họ chỉ hoạt động ở cấp độ thấp, ở vùng ngoại vi, thường là đình công, công đoàn, hay tương tự như vậy. Vụ việc lần này có thể dẫn tới một vụ bùng phát trên toàn quốc, nhưng cũng có thể chẳng có gì. Nhưng vấn đề đáng lo ngại ở đây không phải là có xảy ra biểu tình hay không, mà là xảy ra lúc nào".

Tuy nhiên, bất chấp những thách thức này, quá trình chuyển giao quyền lực khó có thể tác động đáng kể đến sự ổn định của đất nước do bản chất hệ thống quyền lực ở Iran. Hệ thống chính trị Iran bao gồm nhiều vòng tròn liên kết với nhau dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo tối cao, vì vậy các chuyên gia nhận định rằng, việc chuyển giao sẽ không phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn nghiêm trọng.

Bảo đảm tính liên tục trong quan hệ đối ngoại

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Ebrahim Raisi đã chuyển hướng các ưu tiên đối ngoại sang khu vực Trung Đông nhiều hơn. Điển hình, là việc Iran đã tham gia 5 vòng đàm phán với Ảrập Xêút - quốc gia đối thủ trong khu vực và cuối cùng là sự kiện bình thường hóa quan hệ mang tính lịch sử giữa hai nước vào năm 2023.

Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Ebrahim Raisi rất nghiêm túc trong việc xây dựng mối quan hệ chiến lược, lâu dài và bền chặt với các nước láng giềng. Kết quả của những nỗ lực đó có thể kể đến là những thành tựu quan trọng như sự kết thúc của cuộc nội chiến kéo dài ở Yemen, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bình thường hóa quan hệ giữa các nước Ảrập Xêút với Syria, đồng thời góp phần tăng cường sự ổn định ở Iraq.

Ngoài ra, Iran gần đây đã tham gia vào các cuộc đàm phán với Jordan và Ai Cập. Những sáng kiến trong cuộc đàm phán này mang đến cơ hội vượt qua các cuộc xung đột giáo phái đã thống trị khu vực từ lâu và đặt nền móng cho sự hợp tác lớn hơn. Hơn nữa, Iran cũng trở nên thân thiết hơn với cả Trung Quốc và Nga trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Ebrahim Raisi, phản ánh chính sách xoay trục chiến lược, lâu dài về phía Đông được Lãnh đạo tối cao tán thành. Tuy nhiên, Iran cũng nỗ lực tiếp tục đàm phán với các cường quốc phương Tây về chương trình hạt nhân của mình, sử dụng các chiến thuật khác so với nhiệm kỳ của ông Hassan Rouhani.

Các chuyên gia nhận định rằng, dự kiến chính sách đối ngoại của Iran sẽ không có nhiều sự thay đổi dưới thời tổng thống mới. Chuyên gia nghiên cứu Iran Saleh cho biết, khi đề cập đến các vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng và việc ra quyết định chiến lược, nhà lãnh tụ tối cao sẽ đóng vai trò lớn hơn, cũng như sẽ là người ra quyết định cuối cùng.

Để bảo đảm tính liên tục, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ali Bagheri Kani sẽ được bổ nhiệm làm quyền Ngoại trưởng Iran, khi người tiền nhiệm Hussein Amir Abdollahian thiệt mạng trong vụ rơi máy bay vừa qua. Trong khi đó, ông Ali Bagheri Kani, người đóng vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo các cuộc đàm phán hạt nhân dưới thời ông Ebrahim Raisi, được bổ nhiệm làm tân Ngoại trưởng.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng lo ngại khoảng trống quyền lực và quá trình chuyển giao quyền lực trong vài tháng tới sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến các kế hoạch đối ngoại của Iran, chẳng hạn như cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran do Oman làm trung gian nhằm ngăn chặn căng thẳng ở Trung Đông leo thang. Sự thay đổi trong vị trí lãnh đạo ngoại giao cấp cao của Iran có thể làm gián đoạn kênh liên lạc không chính thức quan trọng giữa hai quốc gia vốn không có quan hệ ngoại giao chính thức. Thêm vào đó, sự ra đi của Bộ trưởng Ngoại giao Hossein Amirabdollahian trong vụ tai nạn có thể ảnh hưởng đến nỗ lực cải thiện quan hệ của Iran với các nước láng giềng và các bên quốc tế khác, vì ông đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đối thoại với Ảrập Xêút và các nước láng giềng, đồng thời là người đứng đầu đàm phán với lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh.

Như Ý

Theo The Converstation; FP

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/iran-truoc-nhung-thach-thuc-cua-qua-trinh-chuyen-giao-quyen-luc-i372476/