ISEE 2024: Thách thức để tiếng Anh như một phương tiện dạy học và nghiên cứu

Quy tụ nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, hội thảo tại Trường Quốc tế, ĐHQGHN thảo luận về xu hướng, thách thức giảng dạy tiếng Anh ở các trường ĐH Việt Nam.

Ngày 27/11, Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp đã tổ chức hội thảo quốc tế ISEE 2024 ”The International Symposium on English as a Medium of Instruction and English Language Teaching: Trends and Challenges in Vietnamese Universities” (Tiếng Anh như một phương tiện giảng dạy và nghiên cứu: Xu hướng và thách thức hiện nay trong các trường đại học tại Việt Nam).

Sự kiện là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các học giả hàng đầu trong nước và quốc tế thảo luận, chia sẻ kết quả nghiên cứu mới nhất của mình về các khía cạnh liên quan tới việc sử dụng tiếng Anh như một phương tiện dạy học và nghiên cứu trong hiện tại và đón đầu những xu thế mới trong tương lai.

 Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: VNU-IS.

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: VNU-IS.

Chương trình hội thảo có sự tham gia của hơn 100 đại biểu tham dự trực tiếp đến từ các trường đại học Việt Nam và trên thế giới. Ban tổ chức ISEE 2024 đã lựa chọn hơn 70 bài báo cáo chất lượng nhất, phù hợp với chủ đề của hội thảo để trình bày trong các phiên thảo luận chính thức, bên cạnh 3 báo cáo chính từ các diễn giả hàng đầu.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định - Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Chủ đề của hội thảo quốc tế ISEE 2024 khẳng định tầm quan trọng của tiếng Anh trong môi trường học thuật tại Việt Nam hiện nay, nhất là khi ngày càng nhiều cơ sở giáo dục đại học ở nước ta hướng đến tiêu chí sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh làm phương tiện giảng dạy và nghiên cứu một cách hiệu quả.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định - Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại sự kiện. Ảnh: VNU-IS.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định - Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại sự kiện. Ảnh: VNU-IS.

Sự kiện không chỉ tạo ra cơ hội để các chuyên gia nghiên cứu cùng nhau trình bày, đối thoại và trao đổi; mà còn góp phần thúc đẩy việc hợp tác học thuật, xây dựng cầu nối giữa cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam và trên thế giới. Đây là nền tảng quan trọng giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về những xu hướng đổi mới, sáng tạo và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề phức tạp còn đang đặt ra thách thức trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu bằng tiếng Anh hiện nay, đặc biệt đối với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện nay.

"Hội thảo này sẽ tạo ra những ý tưởng sáng tạo, khuyến khích các cuộc thảo luận có nhiều giá trị ý nghĩa và mở đường cho công tác giáo dục, nghiên cứu, hợp tác học thuật có sức ảnh hưởng trong tương lai. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới ban tổ chức, các đối tác, ban giám khảo và các tác giả đã đóng góp những bài báo cáo quý báu, chia sẻ những đánh giá nghiêm túc của mình cho chương trình", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định bày tỏ.

 Đại biểu tham dự chương trình hội thảo quốc tế ISEE 2024. Ảnh: VNU-IS.

Đại biểu tham dự chương trình hội thảo quốc tế ISEE 2024. Ảnh: VNU-IS.

Đáng chú ý, tại hội thảo quốc tế ISEE 2024, Tiến sĩ Joel Meniado - giảng viên/chuyên gia ngôn ngữ, Trung tâm ngôn ngữ khu vực SEAMEO, Singapore đã có bài thuyết trình độc đáo về chủ đề “Using Generative Artificial Intelligence in Teaching L2 Writing: Practices of University Lecturers in the Southeast Asian Region” (Sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh trong việc giảng dạy kỹ năng viết tiếng Anh: Thực tiễn của các giảng viên đại học ở khu vực Đông Nam Á).

Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã có những "cuộc cách mạng hóa", cho phép người học tiếng Anh sử dụng Trí tuệ nhân tạo tạo sinh để hỗ trợ phát triển kỹ năng viết. Theo đó, đội ngũ giảng viên cũng đã áp dụng những “phương pháp sư phạm AI” mới này để tận dụng những lợi ích của công nghệ trong việc dạy học. Bài báo cáo tham luận chỉ ra các cách giảng dạy tích hợp sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo tạo sinh vào các giai đoạn, trình độ khác nhau và các khóa học ngôn ngữ, giao tiếp khác nhau. Đồng thời, nghiên cứu cũng đưa ra những thách thức mà giảng viên phải đối mặt khi sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh trong quá trình dạy học.

 Bài báo cáo tham luận của Tiến sĩ Joel Meniado - giảng viên/chuyên gia ngôn ngữ, Trung tâm ngôn ngữ khu vực SEAMEO, Singapore. Ảnh: VNU-IS.

Bài báo cáo tham luận của Tiến sĩ Joel Meniado - giảng viên/chuyên gia ngôn ngữ, Trung tâm ngôn ngữ khu vực SEAMEO, Singapore. Ảnh: VNU-IS.

Được biết, Tiến sĩ Joel Meniado là một chuyên gia giáo dục tiếng Anh với hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc đào tạo và phát triển các nhà giáo dục tại nhiều quốc gia, đồng thời có nhiều công trình nghiên cứu được xuất bản và công nhận quốc tế. Sự đóng góp của ông trong lĩnh vực tích hợp công nghệ và đánh giá ngôn ngữ đã để lại nhiều dấu ấn đặc sắc trong cộng đồng giáo dục.

Hội thảo quốc tế ISEE 2024 còn có sự tham gia của Giáo sư Antony John Kunnan (Ngành Ngôn ngữ học ứng dụng, Đại học Carnegie Mellon, Hoa Kỳ) trình bày về sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy, học tập và kiểm tra tiếng Anh qua thời gian, từ các phương pháp truyền thống như dịch ngữ pháp, đến các phương pháp hiện đại như đánh giá dựa trên kịch bản.

 Báo cáo tham luận của Giáo sư Antony John Kunnan (Đại học Carnegie Mellon, Hoa Kỳ). Ảnh: VNU-IS.

Báo cáo tham luận của Giáo sư Antony John Kunnan (Đại học Carnegie Mellon, Hoa Kỳ). Ảnh: VNU-IS.

Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng các bối cảnh học tập theo nhiệm vụ thực tiễn để cải thiện kỹ năng nói của người học. Bài tham luận đề cập đến việc đánh giá hướng đến học tập (LOA) và đánh giá dựa trên kịch bản (SBA), bao gồm cơ sở lý thuyết, đặc điểm chính và ứng dụng thực tiễn của chúng. Từ những đánh giá này, người dạy thiết kế chương trình phù hợp với nhu cầu của người học, kết hợp với các kỹ năng ngôn ngữ và sử dụng công nghệ để mô phỏng những tình huống thực tế, qua đó giúp nâng cao về cả kỹ năng ngôn ngữ lẫn kỹ năng xã hội.

Giáo sư Antony John Kunnan đã xuất bản 11 cuốn sách và hơn 80 bài báo, tập trung vào các vấn đề như tính hợp lệ, đạo đức và công bằng trong đánh giá. Với nhiều vai trò lãnh đạo trong các tổ chức quốc tế, ông đã được vinh danh với Giải thưởng Thành tựu Xuất sắc Cambridge/ILTA vào năm 2024.

 Các chuyên gia, giảng viên của nhiều trường đại học trong nước và trên thế giới tại hội thảo quốc tế. Ảnh: VNU-IS.

Các chuyên gia, giảng viên của nhiều trường đại học trong nước và trên thế giới tại hội thảo quốc tế. Ảnh: VNU-IS.

Hội thảo ISEE 2024 gồm 3 phiên tham luận song song, bao gồm các chủ đề: Các nghiên cứu thực hành sử dụng tiếng Anh như một phương tiện giảng dạy; Các nghiên cứu sử dụng công nghệ trong việc sử dụng tiếng Anh như một phương tiện giảng dạy; Các nghiên cứu về kiểm tra đánh giá trong việc sử dụng tiếng Anh như một phương tiện giảng dạy.

Có thể nói, sự kiện là dịp để các giảng viên, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh của Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia viết bài và trình bày nghiên cứu của mình. Các bài tham luận nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, người tham dự để cùng nhau trao đổi, chia sẻ, từ đó các báo cáo viên của nhà trường hoàn thiện thêm công tác nghiên cứu.

Trường Quốc tế, tiền thân là Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, được thành lập từ ngày 1/12/2021. Trường Quốc tế có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế trên cơ sở áp dụng sáng tạo các thành tựu giáo dục, khoa học và công nghệ tiên tiến vào môi trường văn hóa Việt Nam, thực hiện đào tạo toàn bộ các chương trình bằng ngoại ngữ.

Trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, trường đã có hơn 1000 công bố khoa học của cán bộ, giảng viên, trong đó có hơn 800 công bố khoa học quốc tế thuộc danh mục WoS, Scopus. Trường đồng thời là địa chỉ uy tín về tổ chức các diễn đàn quốc tế. Các hội nghị, hội thảo khoa học lớn về quản lí giáo dục, về các lĩnh vực chuyên môn như kinh tế, tài chính, ngân hàng,… đã thu hút sự quan tâm và tham gia của hàng trăm học giả, nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài từ hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.

Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên diễn ra thường niên đều đặn, thu hút trên 500 sinh viên tham gia với nhiều sản phẩm sáng tạo, có tính thực tiễn, đạt nhiều thành tích cao ở cấp trường, cấp Đại học Quốc gia Hà Nội và toàn quốc. Sinh viên của trường cũng tham gia báo cáo tại các hội nghị, hội thảo, công bố khoa học chung với giảng viên trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín ở trong nước và quốc tế. Đây là thành quả của những chính sách ưu đãi hấp dẫn được nhà trường xây dựng và triển khai nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu.

Lưu Diễm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/isee-2024-thach-thuc-de-tieng-anh-nhu-mot-phuong-tien-day-hoc-va-nghien-cuu-post247385.gd