Israel chấp nhận đề xuất của Mỹ về Gaza

Ngày 2/6, ông Ophir Falk, Cố vấn hàng đầu về chính sách đối ngoại của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, xác nhận rằng Israel đã chấp nhận thỏa thuận khung nhằm giảm bớt quy mô cuộc chiến ở Gaza hiện đang được Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy, mặc dù ông mô tả thỏa thuận này là có lỗ hổng và cần phải hoàn thiện thêm nữa.

Binh sĩ Israel tiến hành chiến dịch quân sự tại Dải Gaza ngày 25/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Binh sĩ Israel tiến hành chiến dịch quân sự tại Dải Gaza ngày 25/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Sunday Times của Anh, ông Falk nói rằng đề xuất của ông Biden là “một thỏa thuận mà chúng tôi đã đồng ý - đó không phải là một thỏa thuận tốt nhưng chúng tôi thực sự muốn tất cả các con tin được thả”.

Ông Falk lưu ý có rất nhiều chi tiết cần được xử lý, đồng thời cho biết thêm rằng các điều kiện của Israel, trong đó có việc “trả tự do cho các con tin” vẫn không thay đổi. Ông Biden, người ban đầu ủng hộ mạnh mẽ cuộc tấn công của Israel, đã chỉ trích việc có nhiều dân thường thiệt mạng trong chiến dịch tại Gaza.

Trong khi đó, theo thông báo được Bộ Ngoại giao Iran đưa ra ngày 2/6, Quyền Ngoại trưởng Iran Ali Bagheri Kani và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã kêu gọi các quốc gia Hồi giáo sử dụng mọi khả năng để hỗ trợ người Palestine và ngăn chặn hành động của Israel ở Dải Gaza.

Trong cuộc điện đàm giữa ông Bagheri Kani và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, hai bên đã thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Gaza, đặc biệt là ở TP Rafah, cực Nam của vùng lãnh thổ này.

Ông Bagheri Kani đã chỉ trích những hành động của Israel ở Gaza, chẳng hạn như việc đóng cửa các tuyến đường bộ cũng như việc chặn các xe tải chở hàng viện trợ đến khu vực bị chiến tranh tàn phá này.

Ông kêu gọi sự hợp tác lớn hơn giữa các quốc gia Hồi giáo để hỗ trợ người dân ở Gaza, đồng thời nói thêm rằng các quốc gia Hồi giáo không nên bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để hỗ trợ người Palestine.

Về phần mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các quốc gia Hồi giáo liên quan đến vấn đề Palestine.

Ông Hakan Fidan đánh giá đề xuất của Iran về việc triệu tập cuộc họp bất thường của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo là có giá trị, đồng thời khẳng định các cuộc tham vấn thường xuyên giữa Ankara và Tehran về tình hình ở Gaza cũng như các vấn đề song phương và khu vực khác là thực sự "mang tính xây dựng”.

Trong khi đó, Cơ quan Y tế ở Gaza cùng ngày thông báo kể từ khi Israel tiến hành cuộc tấn công vào vùng lãnh thổ này hồi tháng 10 năm ngoái, đã có ít nhất 36.439 người dân Gaza thiệt mạng và 82.627 người bị thương. Trong 24 giờ tính đến chiều 2/6, các cuộc tấn công của Israel đã làm 60 người tại Gaza thiệt mạng và làm 220 người khác bị thương.

Trước đó, ngày 1/6, Bộ trưởng An ninh quốc gia Israel và là người đứng đầu đảng Otzma Yehudit, ông Itamar Ben Gvir, đã bác bỏ thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin vừa được đề xuất.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Israel đã đưa ra "lộ trình" hướng tới lệnh ngừng bắn toàn diện ở Dải Gaza để đổi lấy việc trả tự do cho các con tin. Đề xuất gồm 3 giai đoạn, bắt đầu với lệnh ngừng bắn “đầy đủ và toàn diện” kéo dài 6 tuần.

Trong giai đoạn thứ hai, Hamas và Israel sẽ đàm phán các điều khoản nhằm chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch. Giai đoạn thứ ba sẽ bao gồm kế hoạch tái thiết lớn dành cho Gaza.

Smotrich cảnh báo Thủ tướng Benjamin Netanyahu rằng chính phủ của ông sẽ sụp đổ nếu chấp nhận thỏa thuận trên. Ông Ben Gvir nhấn mạnh chi tiết thỏa thuận đồng nghĩa là chấm dứt xung đột và từ bỏ việc đẩy lùi Hamas, cho rằng điều này đặt ra nguy cơ an ninh cho Nhà nước Israel.

Quan chức này cũng đánh giá đây không phải là một chiến thắng hoàn toàn như ông Netanyahu từng nhiều lần cam kết và đảng Otzma Yehudit sẽ không cho phép xung đột kết thúc theo cách này.

Trong khi đó, Thủ lĩnh phe đối lập Yair Lapid chỉ trích phát biểu của ông Smotrich và Ben Gvir là “từ bỏ an ninh quốc gia", các con tin cũng như cư dân miền Bắc và miền Nam của Israel.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Ả-rập Xê-út, Hoàng tử Faisal bin Farhan, đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken thảo luận về tình hình ở Gaza và các giai đoạn của thỏa thuận ngừng bắn do Tổng thống Biden công bố trước đó.

Trong cuộc điện đàm, Hoàng tử Faisal bin Farhan bày tỏ sự ủng hộ của Ả-rập Xê-út đối với mọi nỗ lực nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức, việc rút hoàn toàn lực lượng chiếm đóng của Israel, cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho dân thường bị ảnh hưởng vì xung đột leo thang cũng như sự trở về an toàn của những người dân phải sơ tán vì xung đột.

Ngoại trưởng Ả-rập Xê-út cũng mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết nghiêm túc bất kỳ đề xuất nào nhằm đạt được lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và chấm dứt sự đau khổ của người dân Palestine ở Gaza.

Trong diễn biến khác, Chile ngày 1/6 thông báo tham gia vụ kiện của Nam Phi tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) nhằm vào chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza. Phát biểu trước quốc hội, Tổng thống Chile Gabriel Boric đã đề cập đến "tình trạng thảm kịch nhân đạo" ở Gaza và kêu gọi cộng đồng quốc tế có phản ứng cứng rắn.

Nhà lãnh đạo này mô tả xung đột ở Gaza là "không có lý do chính đáng" và "không thể chấp nhận được".

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/317064/israel-chap-nhan-de-xuat-cua-my-ve-gaza.html