Israel đánh giá mối đe dọa của 'hệ tư tưởng' Hamas sau 8 tháng giao tranh

Israel kiên quyết với mục tiêu loại bỏ hoàn toàn Hamas, nhưng hơn 8 tháng giao tranh, mục tiêu này vẫn chưa hoàn thành. Vậy hiện tại mức độ đe dọa của Hamas với Israel thế nào?

Sau hơn 8 tháng giao tranh, phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas đã phải hứng một loạt đòn quân sự nặng nề của Israel ở Dải Gaza nhưng theo giới quan sát chưa phải là đòn chí mạng. Các quan chức Mỹ tin rằng Hamas hiện có khoảng 9.000 đến 12.000 chiến binh - khoảng một nửa so với thời điểm bắt đầu cuộc chiến. Số lượng này có nghĩa là Hamas có thể triển khai khoảng 12-15 tiểu đoàn, một con số lớn hơn đáng kể so với số ít tiểu đoàn của Israel đang ở Gaza.

Về phần mình, Hamas nói rằng nhóm đã mất không quá 6.000 người và người ta ước tính khoảng 80% đường hầm của Hamas vẫn còn nguyên vẹn tính đến tháng 1-2024, theo tạp chí Council on Foreign Relations.

Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, Hamas đã bị “tàn phá” và “không còn khả năng thực hiện thêm một cuộc tấn công như vụ việc ngày 7-10-2023 vào Israel. Tuy nhiên, dưới quan điểm của Israel, chừng nào bộ chỉ huy cấp cao của Hamas còn tồn tại, các chiến binh dày dặn kinh nghiệm chiến đấu của nhóm này vẫn còn thì mức độ đe dọa của Hamas với Israel vẫn còn.

 Binh sĩ Israel tại một đường hầm của Hamas ở Dải Gaza. Ảnh: GETTY IMAGES

Binh sĩ Israel tại một đường hầm của Hamas ở Dải Gaza. Ảnh: GETTY IMAGES

Mức độ đe dọa của Hamas với Israel ở thời điểm hiện tại

Đầu tháng 6, bất chấp việc các chiến binh Hamas bị lực lượng phòng vệ Israel bao vây và gây áp lực mạnh mẽ ở Gaza, nhóm này vẫn có thể bắn rocket vào lãnh thổ Israel. Từ đó có thể thấy Hamas mức độ đe dọa của Hamas với Israel vẫn còn và theo Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, mối đe dọa này sẽ tiếp tục gia tăng nếu Israel không hoàn thành mục tiêu loại bỏ hoàn toàn Hamas.

Hamas đến nay vẫn nhận được sự ủng hộ của người dân Gaza.

Một cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Khảo sát Palestine, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Bờ Tây (Palestine), thực hiện vào tháng 3 cho thấy gần 3/4 (71%) người dân Gaza được hỏi vẫn ủng hộ chiến dịch quân sự của Hamas chống lại Israel. Tỉ lệ này tăng lên so với mức 57% hồi ngày 7-10-2023.

Với câu hỏi về bên tiếp quản Dải Gaza hậu xung đột, 52% ủng hộ Hamas, 40% ủng hộ chính quyền Palestine và 5% cho biết họ ủng hộ một hoặc nhiều nước Ả Rập.

Trong khi đó, số thương vong khổng lồ ở Dải Gaza do chiến dịch quân sự của Israel khiến người dân Palestine phẫn nộ và khiến niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với Israel suy giảm.

Về hỗ trợ từ bên ngoài, Iran vẫn là nguồn tài trợ quan trọng nhất của Hamas. Lãnh đạo chính trị Hamas - ông Ismail Haniyeh đã nói với Al Jazeera vào năm 2022 rằng nhóm này nhận được 70 triệu USD từ Iran mỗi năm. Có thông tin rằng khoảng 500 chiến binh Hamas tham gia vụ tấn công ngày 7-10-2023 từng được huấn luyện ở Iran.

Ngoài ra, kể từ năm 2018, Qatar - với sự chấp thuận của Israel - đã chuyển 1,8 tỉ USD cho Hamas. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho thấy sự ủng hộ kiên định với Hamas về mặt ngoại giao. Hồi tháng 10-2023, Ankara đã bác bỏ quan điểm của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Hamas là một tổ chức khủng bố, thay vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Hamas là một “phong trào kháng chiến”.

Sự ủng hộ của ba nước này với Hamas đến nay không có nhiều thay đổi.

Israel không thể loại bỏ hoàn toàn Hamas?

Hôm 19-6, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel - Chuẩn đô đốc Daniel Hagari nói rằng không thể xóa bỏ Hamas vì nhóm này là “một hệ tư tưởng”, theo tờ The Times of Israel.

“Nói rằng chúng tôi sẽ khiến Hamas biến mất chính là che mắt người dân. Nếu chính phủ không có giải pháp nào khác thì đến cuối cùng Hamas sẽ vẫn ở đó. Hamas là một hệ tư tưởng, chúng ta không thể loại bỏ một hệ tư tưởng” - ông Hagari nói.

Văn phòng Thủ tướng Netanyahu ngay sau đó đã bác bỏ quan điểm của ông Hagari, cho biết cuộc chiến ở Gaza sẽ không kết thúc cho đến khi Hamas bị đánh bại.

“Nội các chính trị và an ninh do Thủ tướng Netanyahu đứng đầu xác định một trong những mục tiêu của cuộc chiến là phá hủy năng lực quân sự và năng lực quản trị của của Hamas. Lực lượng Phòng vệ Israel cam kết về điều này” - theo tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Israel.

Thực tế là việc loại bỏ một tổ chức đã bén rễ gần 20 năm ở một khu vực nhỏ, đông dân cư là điều rất khó. Hamas đã bắt rất nhiều con tin và đến nay vẫn còn hơn 100 con tin mà Israel không xác định được vị trí dù Lực lượng Phòng vệ Israel đã lùng sục khắp Dải Gaza hơn 8 tháng qua.

 Các tòa nhà bị phá hủy ở Gaza ngày 25-6. REUTERS

Các tòa nhà bị phá hủy ở Gaza ngày 25-6. REUTERS

Khả năng tiếp cận của Israel với giới lãnh đạo Hamas đến nay cũng rất hạn chế. Hầu hết nhân vật chủ chốt của Hamas vẫn an toàn trước các cuộc tấn công của Israel.

Các chuyên gia cho rằng thành tích này của Hamas đã chứng minh một điều rằng khác với quân đội chính quy, chiến tranh du kích sẽ thắng chỉ cần họ không thua.

Thậm chí, có ý kiến cho rằng Israel chưa muốn loại bỏ Hamas lúc này. Theo bà Mairav Zonszein, nhà phân tích cấp cao người Israel tại tổ chức nghiên cứu International Crisis Group (trụ sở Bỉ), Israel muốn duy trì cuộc chiến với Hamas vì Hamas còn ở Gaza là cái cớ tốt nhất để Israel duy trì sự định cư ở các vùng lãnh thổ Palestine và từ chối công nhận chính quyền Palestine.

“Miễn là Hamas còn ở đó, Israel không cần phải tham gia bất kỳ tiến trình hòa bình nào, bất kỳ cuộc đàm phán chính trị nghiêm túc nào. Họ không cần phải coi trọng các yêu cầu của người Palestine về một nhà nước” - bà Zonszein nhận định.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/israel-danh-gia-moi-de-doa-cua-he-tu-tuong-hamas-sau-8-thang-giao-tranh-post797529.html