Rạng sáng 5/6/2020, Không quân Israel đã bất mở tiến hành một cuộc tập kích đường không quy mô lớn nhằm vào mục tiêu quân sự của Quân đội Syria (SAA) nằm gần thị trấn Masyaf trên vùng nông thôn tây Hama, Syria.
Điều đáng chú ý là khu vực này có bố trí trận địa tên lửa S-300 mà Nga chuyển giao cho lực lượng phòng không Syria.
Tên lửa S-300 Syria mặc dù đã sẵn sàng chiến đấu tại một trận địa cách mục tiêu bị không kích chỉ vài km, nhưng lại thêm một lần "im hơi lặng tiếng".
Còn các hệ thống phòng không khác đánh chặn thiếu hiệu quả trong tình trạng bị động, do vậy, nhiều tên lửa Israel đã nhằm trúng đích, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và cơ sở vật chất đối với Quân đội Syria.
Giới quan sát nhận định, ngoài việc tấn công mục tiêu quân sự "nhạy cảm" của SAA, Không quân Israel còn có ý đồ khiêu khích tên lửa S-300 Syria nhằm đánh giá khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như quyết tâm của đối phương.
Hệ thống phòng không S-300 đang trở thành vật cản vô hình trong mối quan hệ Nga - Syria.
Một số nhà quân sự Syria không ngần ngại chỉ trích hệ thống phòng không S-300 mà Nga chuyển giao là loại vũ khí vô dụng nhất.
Ban đầu họ hy vọng, khi được Nga chuyển giao S-300, cục diện chiến trường Syria sẽ thay đổi và không quân Israel sẽ không dám tấn công.
Tuy nhiên ngay sau khi nhận S-300, quân đội Syria đã bị không quân Israel tấn công, thậm chí cường độ tấn công còn dữ dội hơn.
Một số ý kiến cho rằng Nga để S-300 Syria không khai hỏa là do những thỏa thuận ngầm với Israel, chứ thực chất năng lực tác chiến của hệ thống phòng thủ này vẫn đáng sợ.
Mối quan hệ giữa Nga và Israel vẫn là một bí ẩn lớn, trước đó Moscow còn từ chối cung cấp MiG-31 và S-300 cho Syria chỉ vì Tel Aviv phản đối.
Mặc dù vậy, việc để cho hệ thống S-300 tại Syria "im lặng quá lâu" sẽ khiến Nga bị ảnh hưởng trên thị trường vũ khí.
Các khách hàng sẽ dè chừng hơn khi mua các hệ thống phòng thủ của Nga vì lo ngại trường hợp như Syria sẽ tái diễn.
S-300 được Tập đoàn Almaz-Antey phát triển, sử dụng tên lửa do Cục thiết kế MKB Fakel và NPO Novator chế tạo.
Một tổ hợp S-300 gồm 6 xe chở đạn kiêm bệ phóng (TEL), mỗi xe mang được tối đa 4 đạn, cùng xe chỉ huy và radar các loại.
Radar điều khiển hỏa lực 30N6E2 có thể dẫn bắn cho 12 tên lửa cùng lúc nhằm vào 6 mục tiêu riêng rẽ với tầm bắn tối đa 195 km.
Liên Xô bắt đầu đưa S-300 vào biên chế từ năm 1978, hiện có gần 20 quốc gia trên thế giới sở hữu tổ hợp phòng không này.
Nga sở hữu tất cả các phiên bản S-300 với khoảng 2.000 bệ phóng.
Hiện nay Nga tiếp tục nâng cấp và sản xuất các tổ hợp phòng không S-300 cho mục đích xuất khẩu.
S-300 cũng là hệ thống phòng thủ thế hệ thứ ba phổ biến thứ hai thế giới chỉ sau hệ thống Patriot của Mỹ.
Theo Việt Hùng/An ninh Thủ đô