Israel sở hữu vũ khí hạt nhân?

Khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas nổ ra ở Gaza, các tổ chức quốc tế bày tỏ lo ngại về việc xung đột mở rộng, có khả năng liên quan đến vũ khí hạt nhân.

Ngày 7/10, cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel bộc lộ điểm yếu trong khả năng phòng thủ quân sự của Israel, khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu họ có còn khả năng tự vệ bằng vũ khí thông thường hay không.

Trong một bài đăng ngày 9/10 trên nền tảng truyền thông xã hội X (trước đây gọi là Twitter), nhà lập pháp Israel Revital Gotliv kêu gọi chính phủ giải phóng “vũ khí ngày tận thế” gắn trên tên lửa đạn đạo Jerich.

Nhưng mức độ năng lực hạt nhân của Israel – và liệu nước này có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả trong trận chiến hay không – vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Bí ẩn chương trình hạt nhân

Israel duy trì chính sách “mơ hồ về hạt nhân” – chưa bao giờ trực tiếp xác nhận hay phủ nhận sự tồn tại của kho vũ khí này. Nhiều tổ chức và quốc gia tin rằng Israel có vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, nếu có thì họ cũng tiến hành rất ít cuộc thử nghiệm.

Bí ẩn xung quanh chương trình hạt nhân của Tel Aviv làm dấy lên câu hỏi trong giới chuyên gia quân sự về khả năng răn đe thực tế của quốc gia Trung Đông.

Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA), nói trên South China Morning Post: “Israel được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân được cất giữ ở trạng thái đã tháo rời một phần”.

Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel vào khu phố Tal Al-Hawa ở Gaza. (Ảnh: EPA-EFE)

Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel vào khu phố Tal Al-Hawa ở Gaza. (Ảnh: EPA-EFE)

Ông cho biết, quốc gia này “ước tính có 90 đầu đạn hạt nhân”, với kho dự trữ vật liệu phân hạch hơn 200 đầu đạn.

Tuy nhiên, Kimball nói thêm rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân, thậm chí là đe dọa sử dụng, sẽ khiến Israel trở thành "kẻ bị quốc tế ruồng bỏ và trở thành mục tiêu các cuộc tấn công quân sự thông thường của nước ngoài".

Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN), tổ chức đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2017, cho biết “Israel là quốc gia có vũ khí hạt nhân, và là quốc gia duy nhất như vậy ở Trung Đông”.

Alicia Sanders-Zakre, điều phối viên nghiên cứu và chính sách của ICAN, nói trên South China Morning Post: “Việc Israel sở hữu vũ khí hạt nhân làm tăng đáng kể những rủi ro liên quan đến xung đột và góp phần gây ra căng thẳng trong khu vực”.

Bà cũng nhận định khả năng leo thang theo hướng này là một mối nguy hiểm thực sự.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết đang “quan ngại theo dõi” những diễn biến trong khu vực, nơi cơ quan này thực hiện các hoạt động nhằm ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân.

Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân xem Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp và Nga là “các quốc gia hạt nhân” vì họ đã chế tạo và thử nghiệm chất nổ hạt nhân trước năm 1967. Israel, Pakistan và Ấn Độ chưa bao giờ ký hiệp ước.

Theo một bài báo xuất bản đầu tháng này trên tạp chí do Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc điều hành, 5 cường quốc hạt nhân được hiệp ước công nhận “tất cả đều có khả năng tấn công hạt nhân trên bộ, trên biển và trên không và duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu hạt nhân cao hơn”.

Nhưng theo bài báo, hiệu quả các cuộc tấn công hạt nhân trên bộ, điều mà tất cả các tác giả tin rằng Israel sở hữu, vẫn còn “đáng nghi vấn”.

Theo Liên hợp quốc, mỗi nước trong các quốc gia hạt nhân chưa ký hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, tiến hành chưa đến 10 vụ thử hạt nhân, so với gần 50 vụ do Trung Quốc tiến hành và hơn 1.000 vụ do Mỹ thực hiện.

Triều Tiên là quốc gia duy nhất tiến hành các vụ thử hạt nhân kể từ cuối những năm 1990. Sanders-Zakre nói, mặc dù các quốc gia khác không còn thử nghiệm vũ khí hạt nhân nhưng họ vẫn có thể duy trì kho vũ khí hạt nhân của mình thông qua các đánh giá khoa học như mô phỏng trên máy tính.

Ở Mỹ, việc duy trì và “hiện đại hóa” kho dự trữ hạt nhân có thể thực hiện được một phần nhờ vào dữ liệu phong phú thu được từ các cuộc thử nghiệm trước đó, theo cơ quan quản trị an ninh hạt nhân nước này.

Các vụ thử hạt nhân

Sanders-Zakre lưu ý rằng Israel từng bị nghi ngờ tiến hành một vụ thử vũ khí hạt nhân chung với Nam Phi vào năm 1979. Vụ thử được vệ tinh Vela của Mỹ phát hiện trong vùng biển gần Nam Phi.

Ngoài ra, Israel không được biết đến là đã tiến hành bất kỳ cuộc thử nghiệm nào khác. Tuy nhiên, nước này không xây dựng chương trình hạt nhân một mình.

Vào những năm 1960, Pháp giúp Israel thành lập Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Negev gần thành phố Dimona, nơi có khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân. Theo các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Wilson, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington, Mỹ chỉ phát hiện ra cơ sở này sau khi quá trình xây dựng bắt đầu.

Israel có máy bay do Mỹ sản xuất có khả năng mang bom hạt nhân và tàu ngầm do Đức sản xuất có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Theo một bài báo của Clive Williams, giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng của Đại học Quốc gia Australia, tên lửa đạn đạo Jericho của Israel cũng có khả năng mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn hơn 1.500km tới các quốc gia lân cận.

Mặc dù chưa biết chi tiết chính xác về đầu đạn hạt nhân và phương thức phóng của Israel, nhưng các phương tiện do Mỹ và Đức sản xuất có thể hoạt động như phương thức phóng đáng tin cậy nếu được trang bị đầu đạn hạt nhân.

Vào tháng 8, tổng giám đốc IAEA đã viết trong một báo cáo rằng có “sự khác biệt cơ bản và lâu dài về quan điểm” giữa Israel và các quốc gia Trung Đông khác về quy định hoạt động hạt nhân.

Kimball chỉ ra rằng Israel chỉ có thỏa thuận cho phép IAEA kiểm tra các cơ sở cụ thể, và không giống như hầu hết các quốc gia phi hạt nhân, không có thỏa thuận bảo vệ toàn diện “để đảm bảo rằng các hoạt động và vật liệu hạt nhân dân sự không bị chuyển hướng sang sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Tuy nhiên, Kimball nói rằng Israel "không có lý do chính đáng cũng như không có nhu cầu quân sự để sử dụng vũ khí hạt nhân".

Mặc dù Israel khẳng định họ không quan tâm đến việc “đưa” vũ khí hạt nhân vào Trung Đông nhưng nước này vẫn tiếp tục tránh ký các thỏa thuận bảo vệ toàn diện với IAEA.

Trong một cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm ngoái, đại đa số các quốc gia thành viên đã kêu gọi Israel đặt tất cả các cơ sở hạt nhân của mình dưới sự giám sát của IAEA và loại bỏ mọi vũ khí hạt nhân mà nước này sở hữu.

IAEA không bình luận về việc liệu Israel có thực hiện các hành động phù hợp với lời kêu gọi này hay không.

Những thay đổi giữa các quốc gia hạt nhân và những quốc gia khác đang khiến tương lai hợp tác quốc tế về hạt nhân trở nên khó đoán hơn.

Nga đã tuyên bố sẽ bắt đầu dừng phê chuẩn hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện, nhưng nước này sẽ vẫn là một bên ký kết. Hiệp ước không có hiệu lực vì chưa được tất cả các bên cần thiết phê chuẩn.

Lệnh cấm tên lửa đạn đạo do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt với Iran - cấm quốc gia này mua và bán công nghệ tên lửa có khả năng mang vũ khí hạt nhân - cũng đã được dỡ bỏ. Mỹ, Australia và EU duy trì các biện pháp trừng phạt và hạn chế của riêng họ đối với Iran nhằm tiếp tục hạn chế tiềm năng hạt nhân của nước này.

Phương Anh (Nguồn: South China Morning Post)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/israel-so-huu-vu-khi-hat-nhan-ar829005.html