Kế hoạch năm 2024
Ngay từ những ngày đầu của năm 2024, các Sở Xây dựng tại các địa phương đã khẩn trương xây dựng kế hoạch công tác và thực hiện các nhiệm vụ trong tâm của đơn vị mình. Nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch, thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch vùng, đặt ra các chỉ tiêu về hoàn thành sàn nhà ở, đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển bền vững…
Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Trị Nguyễn Thanh Hải: Nâng cao chất lượng uy hoạch
Năm 2024, ngành Xây dựng tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục phấn đấu, tổ chức triển khai hiệu quả, bảo đảm tiến độ thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội của Ngành. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch; Phát triển đô thị một cách đồng bộ, theo quy hoạch, kế hoạch; Huy động các nguồn lực để phát triển NƠXH, nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp tại đô thị; Quản lý phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng chế biến sâu, sản phẩm thân thiện với môi trường; Tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là trong quản lý đầu tư xây dựng và phát triển đô thị.
Theo đó, ngay từ đầu năm, Sở Xây dựng Quảng Trị đã triển khai thực hiện một cách quyết tâm và kịp thời các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Xây dựng và các các cơ quan liên quan để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương Nguyễn Văn Đoàn: Cần cơ chế, chính sách minh bạch để phát triển NƠXH
Hải Dương phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thành xây dựng khoảng 1.061.309 m2 sàn nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp, tương đương 15.919 căn hộ. Để đạt mục tiêu này, Hải Dương sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ đề ra, trong đó phải sớm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về NƠXH phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân trong phát triển NƠXH. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư; lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch, thẩm định dự án, thủ tục về môi trường, đất đai; phòng cháy chữa cháy… Việc phát triển NƠXH phải phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, phải gắn với nhu cầu thiết thực của từng địa phương, tránh lãng phí nguồn lực.
Trong phát triển NƠXH, giải pháp về đất đai là quan trọng hàng đầu. Vì thế, trên cơ sở quy hoạch xây dựng, chương trình phát triển nhà ở, kịp thời rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư, triển khai thực hiện dự án NƠXH. Cần huy động sự tham gia của các cấp ngành, của toàn xã hội, lấy nguồn lực của nhà đầu tư, của DN làm chủ đạo. Để đạt điều này, các nhà đầu tư dự án NƠXH cần được áp dụng cơ chế hỗ trợ, ưu đãi theo quy định hiện hành và tình hình thực tế của địa phương như vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng khác với lãi suất ưu đãi, thời gian trả nợ dài, không có hoặc có ít điều kiện ràng buộc kèm theo... Như vậy mới khuyến khích DN đầu tư, tạo điều kiện để người thu nhập thấp có chỗ ở ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Tuấn: Hướng dẫn triển khai các đồ án quy hoạch
Năm 2024, Sở Xây dựng tiếp tục đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, hành động quyết liệt, hiệu quả, vượt khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, chương trình đề ra. Rà soát và tham mưu hoàn thiện các quy định quản lý, hướng dẫn trên các lĩnh vực ngành Xây dựng; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo phân cấp triệt để, phù hợp với các quy định pháp luật và điều kiện thực tiễn các địa phương.
Hướng dẫn các địa phương triển khai các đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện; quy hoạch chung đô thị, khu kinh tế, khu chức năng; các đồ án quy hoạch phân khu đô thị - khu chức năng được duyệt; phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh và UBND các địa phương lập, trình duyệt các quy hoạch: Quy hoạch chung Khu kinh tế ven biển Quảng Yên; Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Hà; Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh; Quy hoạch chung xây dựng các khu chức năng (Khu du lịch Đảo Núi Cuống, sân golf, các KCN, khu du lịch, khu thương mại...).
Chỉ đạo rà soát thủ tục hành chính; tham mưu, thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, tinh giảm đầu mối, giảm thời gian xử lý; thẩm định, phê duyệt tại thủ tục hành chính, tăng các dịch vụ công mức độ 3, 4; thực hiện các bộ chỉ số Sở, ban ngành và của tỉnh 2023; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục liên quan các Dự án, công trình trọng điểm ngoài ngân sách; dự án đầu tư công…
Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An Hoàng Sĩ Kiện: Lập quy hoạch xây dựng vùng huyện
Năm 2024, ngành Xây dựng Nghệ An đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Phối hợp với địa phương xây dựng kế hoạch triển khai lập các loại quy hoạch xây dựng (gồm quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch các khu chức năng), trong đó, tập trung hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng vùng huyện trong năm 2024. Nâng cao chất lượng lập thẩm định phê duyệt và cho ý kiến các loại quy hoạch xây dựng. Kịp thời triển khai công bố quy hoạch, cắm mốc, cập nhật quy hoạch trên cổng thông tin quy hoạch quốc gia.
Bên cạnh đó, thực hiện công bố chỉ số giá xây dựng và giá vật liệu xây dựng theo quy định về tần suất; tham mưu UBND tỉnh Nghệ An về đơn giá xây dựng nhà, công trình để xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh năm 2025; ban hành khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các dự án BĐS đang triển khai.
Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương Võ Hoàng Ngân: Tin học hóa để giải quyết thủ tục hành chính
Năm 2023, đơn vị đạt nhiều kết quả trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng. Đây là nền tảng quan trọng để Sở tiếp tục chỉ đạo, điều hành thực hiện hiệu quả toàn diện nhiệm vụ trong năm 2024.
Theo đó, Sở Xây dựng Bình Dương tập trung đẩy mạnh công tác chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt là tin học hóa các quy trình nghiệp vụ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng; Phối hợp với Sở TT&TT thực hiện công tác định danh số nhà và xây dựng phần mềm cấp số nhà áp dụng chung toàn tỉnh; xây dựng các cơ sở dữ liệu ngành Xây dựng; Cập nhật cơ sở dữ liệu GIS đối với các dự án được thẩm định, cấp phép xây dựng; theo dõi nắm thông tin việc triển khai các dự án, công trình; các công trình trọng điểm và các công trình khác theo Luật Đầu tư công trên địa bàn tỉnh…
Sở tiếp tục đôn đốc địa phương trong điều chỉnh quy hoạch chung cấp huyện và tổ chức thẩm định theo quy định; tham mưu UBND tỉnh các khu vực phát triển đô thị đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương và định hướng quy hoạch trục giao thông dọc sông Sài Gòn và Đồng Nai.
Ngoài ra, về công tác phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, Sở cũng sẽ tham mưu kế hoạch thực hiện Nghị Quyết về chỉnh trang, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030; Lập Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023 - 2030; tham mưu UBND tỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở; Triển khai Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân: Phát triển thêm 8 triệu m2 sàn nhà ở
Năm 2024, ngành Xây dựng TP.HCM đặt ra các các chỉ tiêu hoàn thành 100% thủ tục hành chính áp dụng Quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, 100% hồ sơ hành chính được giải quyết đúng hạn, chỉ số hài lòng của người dân đạt trên 95%; Phát triển thêm 8 triệu m2 diện tích sàn xây dựng nhà ở và nâng diện tích nhà ở bình quân đạt 22,06 m2/người; 100% công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phải được kiểm tra và xử lý kịp thời, đúng quy định; 100% hộ dân được sử dụng nước sạch, giảm tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch còn 17,75%; Phát triển 5 ha công viên công cộng, trồng mới và cải tạo 6.000 cây xanh công cộng.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, ngành Xây dựng cũng đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2024 như: Triển khai các Chương trình, Đề án về chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2020 - 2045 và Kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2030. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng Chương trình phát triển đô thị TP.HCM và TP Thủ Đức giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2050. Tiếp tục cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, trong đó tập trung chung cư cấp D; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở giá thành phù hợp cho người thu nhập thấp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với các quan điểm đổi mới, sáng tạo, tinh gọn. Tập trung thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố đối với các nội dung liên quan chức năng, nhiệm vụ của Sở Xây dựng.
Giám đốc Sở Xây dựng TT - Huế Nguyễn Đại Viên: Huế sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương
Năm 2024 là năm tăng tốc để hoàn thành mục tiêu đưa tỉnh TT - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh TT - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự kiến trong năm 2024, sau khi đồ án Quy hoạch chung đô thị TT - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được phê duyệt, Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND tỉnh và tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan triển khai lập các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; Quy hoạch chung đô thị Chân Mây (định hướng đô thị loại III); Quy hoạch vùng huyện A Lưới, vùng huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông; Quy hoạch chung các đô thị loại V; Nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu các phường, các khu chức năng; Quy hoạch chi tiết hoặc thiết kế đô thị các khu vực có ý nghĩa quan trọng; Quy chế quản lý kiến trúc các đô thị... nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý, kêu gọi đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số lĩnh vực quy hoạch xây dựng trong năm 2024, nhằm tiếp tục khắc phục hạn chế, nâng cao nhận thức và năng lực của bộ máy quản lý, đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh Nguyễn Quốc Hà: Đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển bền vững
Năm 2024, ngành Xây dựng Hà Tĩnh tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ chuyển đổi số ngành Xây dựng, cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng, về nhà ở và thị trường BĐS đảm bảo kết nối với hệ thống của Bộ Xây dựng theo đúng quy định của Nghị định số 44/2022/NĐ-CP ngày 29/6/2022 của Chính phủ.
Triển khai Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1363/QĐ-TTg ngày 08/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức triển khai và thực hiện điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016 - 2030; triển khai thực hiện Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 922/QĐ-UBND ngày 04/5/2022; Quyết định 876/QĐ-UBND ngày 14/4/2023.
Tăng cường quản lý về vật liệu xây dựng, kiểm soát chặt chẽ vật liệu đầu vào tại các công trình; tiếp tục triển khai đề án Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 phù hợp với Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục triển khai sử dụng vật liệu xây không nung, trong các công trình xây dựng có sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, theo Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 của Chính phủ...
Giám đốc Sở Xây dựng Bình Phước Võ Tất Dũng: 9 nhiệm vụ trọng tâm
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng, năm 2024 Sở Xây dựng Bình Phước đề ra 9 nhiệm trọng tâm nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước.
Sở Xây dựng Bình Phước tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng tham mưu các văn bản pháp luật về xây dựng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đối. Tổ chức phê duyệt quy hoạch phân khu khu đô thị mới Suối Cam, quy hoạch sân golf kết hợp khu đô thị, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng xã Minh Thắng, thị xã Chơn Thành. Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị hành chính trong tỉnh, rà soát và điều chỉnh quy hoạch, đôn đốc triển khai thực hiện lập quy chế quản lý kiến trúc, quy hoạch vùng huyện, phủ kín quy hoạch. Đồng thời, lập quy hoạch chi tiết các khu đất phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất theo chỉ đạo của UBND tỉnh, cũng như theo dõi, việc triển khai thực hiện đề án khu dân cư đã được phê duyệt.
Đối với công tác phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, ngành Xây dựng Bình Phước sẽ khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện thủ tục phân loại đô thị theo kế hoạch phân loại đô thị, nâng cấp xã đủ tiêu chuẩn lên đô thị loại V. Thực hiện các trình tự để lựa chọn chủ đầu tư một số dự án NƠXH.
Giám đốc Sở Xây dựng BR-VT Tạ Quốc Trung: Thực hiện sau khi quy hoạch tỉnh
Năm 2024, ngành Xây dựng BR-VT triển khai nhiều công việc quan trọng, trọng tâm là thực hiện một số nhiệm vụ sau khi quy hoạch tỉnh BR-VT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2023.
Theo đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng; chủ động tham mưu UBND tỉnh thông qua HĐND tỉnh và trình Bộ Xây dựng thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo; hoàn thành, trình UBND tỉnh phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Núi Lớn - Núi Nhỏ, TP Vũng Tàu; rà soát, đôn đốc điều chỉnh các quy hoạch có liên quan khi quy hoạch tỉnh được duyệt, đảm bảo thống nhất, đồng bộ và phù hợp với định hướng; tổ chức lập các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị theo danh mục đã được UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức thực hiện Đề án phát triển VLXD trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; Tổ chức lập, trình phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh; tiếp tục tổ chức lập, thẩm định và trình phê duyệt hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh.
Sở tập trung tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở; triển khai các giải pháp đẩy mạnh phát triển NƠXH khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân theo danh mục dự án được duyệt; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về nhà ở và thị trường BĐS; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS; rà soát, đề xuất thu hồi dự án phát triển nhà ở, khu đô thị chậm triển khai…
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ke-hoach-nam-2024-369421.html