Kế hoạch tăng giá dầu của Moscow thất bại vì đồng minh thân thiết?

Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ kéo dài gần một năm đã mang lại kết quả tích cực nhất cho Nga, nhưng điều này không còn tiếp diễn.

"Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Moskva đã kiếm được nhiều tiền hơn trước cuộc xung đột", chuyên gia kinh tế người Anh Simon Watkins đưa ra nhận định trên.

Tuy nhiên nhà phân tích nhấn mạnh, hiện tại chiến lược hiệu quả này bắt đầu thất bại vì những lý do khách quan. Lập luận của ông Watkins được đăng tải trên tờ OilPrice.

Theo nhận xét, chuyến công du ngắn ngày của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới UAE và Saudi Arabia nhằm theo đuổi 2 mục tiêu chính: tăng giá dầu và thảo luận về sự tham gia của các nước Ả Rập vào trật tự thế giới đa cực mới.

Mục tiêu đầu tiên là trọng tâm và rất khó khăn khi thực hiện, bởi nó vấp phải sự phản đối từ chính các đối tác của Nga - những nước có lợi ích riêng, khác biệt với Moskva.

Như đã biết, giá năng lượng cao đã dẫn đến lạm phát gia tăng ở các nước nhập khẩu ròng, không chỉ ở phương Tây. Điều này lại khiến lãi suất tăng vọt, đến mức một số nền kinh tế chủ chốt của thế giới thậm chí có nguy cơ suy thoái dài hạn. Đáng ngạc nhiên là Trung Quốc nằm trong danh sách này.

Như ông Watkins viết, Liên bang Nga có một nhiệm vụ và mục tiêu lớn hơn nhiều, đi sâu hơn là chỉ “lách các biện pháp trừng phạt”.

"Điều quan trọng là họ phải tăng giá nguyên liệu thô với sự trợ giúp của OPEC+, để bán dầu của mình với giá chiết khấu thậm chí còn có lợi hơn, do vậy sản phẩm bị trừng phạt trông có vẻ cạnh tranh nhất có thể".

Trung Quốc không muốn mặt hàng dầu thô xuất khẩu của Nga có giá quá cao.

Trung Quốc không muốn mặt hàng dầu thô xuất khẩu của Nga có giá quá cao.

Tuy nhiên mong muốn này bị Trung Quốc phản đối - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đòi hỏi nguyên liệu thô rẻ và Bắc Kinh không chỉ mua chúng từ Liên bang Nga.

Theo chuyên gia này, với những bước đi cứng rắn của mình, Trung Quốc rõ ràng đang làm lỡ kế hoạch tăng giá sản phẩm năng lượng của Điện Kremlin.

Tổng thống Putin đang đối diện nhiệm vụ rất khó khăn đó là dung hòa những mục tiêu kinh tế và chính trị khác nhau của các đồng minh, đặc biệt là theo cách phù hợp với Moskva.

Điều này không dễ dàng và có lẽ không thể đạt được ở mức độ thỏa đáng. Tuy nhiên người đứng đầu Liên bang Nga vẫn đang cố gắng đạt được sự cân bằng về các khả năng, chuyên gia Watkins tin tưởng.

Nhà phân tích kết luận: "Nếu mọi việc suôn sẻ thì Moskva sẽ không mất đối tác, đồng thời còn thu được thêm lợi ích từ ngành xuất khẩu chiếm ưu thế".

Trung Quốc giúp ích rất nhiều cho nền kinh tế Nga thông qua việc mua một khối lượng lớn dầu thô.

Theo OilPrice

Bạch Dương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ke-hoach-tang-gia-dau-cua-moscow-that-bai-vi-dong-minh-than-thiet-post664786.html