'Kẻ phóng hỏa giấu mặt' trong cơ thể!
Cháy là phản ứng oxy hóa thường thấy hằng ngày. Ít ai biết, trong cơ thể ta cũng có hiện tượng cháy, nhưng êm ái hơn nhiều, do các gốc tự do gây ra. Vì thế, có thể ví von gốc tự do chính là kẻ phóng hỏa giấu mặt.
Chính kẻ phóng hỏa này gây hủy hoại tế bào (đặc biệt ở màng tế bào hoặc cấu trúc di truyền trong nhân tế bào), phá hủy các mô gây nên quá trình lão hóa.
Vì đâu bạc tóc?
Chuyện xưa kể rằng có người quá lo lắng về vận mệnh đất nước chỉ sau một đêm thức trắng lo nghĩ, mái tóc người đó đang đen trở thành bạc trắng. Như vậy, lo âu căng thẳng làm cho người ta có thể bị già sớm.
Theo một nghiên cứu của một số nhà khoa học thuộc đại học Bradfort (Anh) cách đây không lâu, một nguyên nhân gây bạc tóc là sự tích tụ hydrogen peroxit (H2O2) tại chân tóc. Nhiều người đều biết, hydrogen peroxit là một chất sát trùng dùng ngoài da có tác dụng tẩy trắng. Chính hydrogen peroxit được sinh ra trong cơ thể tích tụ tại chân tóc cản trở sự hình thành sắc tố melanin của tóc và làm tóc bạc. Hydrogen peroxit còn được gọi là chất tạo ra gốc tự do. Vậy gốc tự do là gì?
Đó là những phân tử hay hợp chất có chứa điện tử độc thân không ghép đôi. Chính do chứa điện độc thân mà gốc tự do có hoạt tính rất mạnh, nó luôn mang tính “hủy hoại”, sẵn sàng thực hiện phản ứng oxy hóa (để tất cả điện tử trong cấu trúc hợp chất ghép đôi không còn độc thân nữa), phá hủy các mô gây nên quá trình lão hóa.
Oxy (dưỡng khí) mà ta hít thở hằng ngày là chất cần thiết nhưng chính nó trong cơ thể cũng trở thành gốc tự do (khi đó gọi là oxy đơn bội) và kết hợp với phân tử nước để tạo ra hydrogen peroxit, còn lipid (chất béo) trong cơ thể có thể tạo thành gốc tự do là lipoperoxit.
Các hiện tượng như hô hấp trong tế bào hoặc giải độc ở gan đều là các hoạt động làm sinh ra gốc tự do. Quan trọng hơn hết là trong cơ thể khỏe mạnh, gốc tự do sinh ra có giới hạn, không quá thừa để gây hại, bởi vì, bên cạnh các gốc tự do luôn có hệ thống các chất chống oxy hóa “nội sinh” (tức có sẵn trong cơ thể) cân bằng lại, vô hiệu quá các gốc tự do có hại.
Hệ thống các chất chống oxy hóa nội sinh gồm các enzym như glutathione peroxidase, superoxide dismutase…, đặc biệt là vitamin C, vitamin E, beta-caroten (tiền vitamin A), khoáng chất selen “nội sinh” có sẵn trong cơ thể, xúc tác các phản ứng vô hiệu hóa gốc tự do (còn gọi là “bẫy” gốc tự do) giúp cơ thể khỏe mạnh. Chỉ khi nào gốc tự do sinh ra quá nhiều (do ô nhiễm môi trường, tia cực tím từ ánh nắng, do khói thuốc lá, do viêm nhiễm trong cơ thể, thậm chí do dùng một số dược phẩm…) và hệ thống chất oxy hóa nội sinh không đủ sức cân bằng, cơ thể sẽ sinh ra các rối loạn bệnh lý.
Hiện nay người ta đã chứng minh, khi có sự tăng quá nhiều gốc tự do sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm ở các cơ quan, các bệnh lý như tim mạch, bệnh thần kinh, đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm ở mắt, tăng nguy cơ các bệnh ung thư và nhất là sớm xuất hiện hiện tượng lão hóa.
Cơ quan dễ bị lão hóa nhất chính là lớp da bảo vệ cơ thể, nơi dễ bị tác động bởi tia cực tím trong ánh nắng, hứng chịu tác hại của ô nhiễm môi trường cộng thêm lối sống của người thường xuyên bị stress, lo lắng, phiền muộn, căng thẳng, sai lầm trong dinh dưỡng, thói quen lạm dụng độc chất (như hút thuốc, uống rượu, kể cả dùng dược phẩm) mà lớp da, đặc biệt lớp da mịn màng của phụ nữ, nhất là da mặt sẽ chóng cằn cỗi, không còn sức sống tươi mát do có sự bội tăng gốc tự do gây lão hóa.
Chống già bằng… xôi gấc!
Để chống lại sự bội tăng các gốc tự do sinh ra do quá nhiều mà hệ thống “chất oxy hóa nội sinh” không đủ sức cân bằng để vô hiệu hóa, các nhà khoa học đặt vấn đề dùng các “chất chống oxy hóa ngoại sinh” (từ bên ngoài đưa vào cơ thể) với mục đích phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, chống lão hóa.
Các chất chống oxy hóa ngoại sinh đó đã được xác định là bêta-caroten, chất khoáng selen, các hợp chất flavonoid có trong nhiều dược thảo, polyphenol (trong trà xanh)… có từ các nguồn thực phẩm thiên nhiên như rau cải, trái cây tươi. Đơn cử là bêta-caroten có nhiều trong dầu gấc, và quả gấc là loại quả mà từ xưa ông bà ta đã dùng nấu xôi nhằm tạo thức ăn ngon miệng có màu đỏ cam đẹp mắt (các loại rau quả củ có màu đỏ cam như cà chua, cà rốt cũng chứa nhiều bêta-caroten).
Bêta-caroten khi đưa vào cơ thể ngoài tác dụng chống oxy hóa còn biến thành vitamin A mà cơ thể cần đến hằng ngày cho hoạt động thị giác và tạo đề kháng chống lại bệnh tật. Dùng bêta -caroten từ thiên nhiên thì rất an toàn, không sợ bị ngộ độc do dùng quá nhiều như vitamin A (bêta-caroten thực chất là hai phân tử vitamin A liên kết tạo thành duy nhất một chất, dùng thừa bêta-caroten vào cơ thể được chuyển hóa thành vitamin A đơn độc vừa đủ, vì vậy, chế phẩm bổ sung vitamin A cho phụ nữ có thai thường dùng bêta-caroten thay vì vitamin A để không bị ngộ độc do thừa viatamin A).
Tóm lại, biết được lợi ích của chất chống oxy hóa, ta có thể ngăn ngừa sự tăng sinh các gốc tự do có trong cơ thể một cách toàn diện bằng cách chống ô nhiễm môi trường, vệ sinh cá nhân thật tốt, dinh dưỡng đúng cách, tránh ăn uống quá thừa năng lượng, vận động hợp lý, tránh nghiện rượu, thuốc lá, phòng các bệnh viêm nhiễm, có cuộc sống lành mạnh giúp lạc quan, yêu đời, ăn nhiều rau cải, trái cây tươi... Tất cả sẽ tạo nội lực đề kháng, chống lại các kẻ phóng hỏa giấu mặt, giúp duy trì và bảo vệ sức khỏe.
PGS-TS-DS. Nguyễn Hữu Đức
(Nguyên gỉang viên chính bộ môn dược, Đại học Y Dược TP.HCM)
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ke-phong-hoa-giau-mat-trong-co-the-37950.html