'Kẻ thắng người thua' trong sắc lệnh đánh thuế nhôm, thép của Tổng thống Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với toàn bộ nhôm và thép nhập khẩu nước này.
Thuế mới áp dụng với toàn bộ nhôm, thép vào Mỹ của ông Trump sẽ có hiệu lực từ ngày 4-3. Lâu nay, nhôm và thép là thành phần thiết yếu trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm vận tải, xây dựng và đóng gói.
Sau đây là cái nhìn về "người chiến thắng" và "kẻ thua cuộc" tiềm năng lớn nhất theo phân tích của trang CNBC.
Mỹ
Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi "người chiến thắng" lớn nhất trong cuộc chiến thuế quan có thể là Mỹ.
Dữ liệu chính thức cho thấy lượng thép nhập khẩu của Mỹ giảm đáng kể trong 10 năm qua, giảm 35% từ năm 2014 đến năm 2024, mặc dù đã tăng 2,5%, lên 26,2 triệu tấn vào năm ngoái. Nhiều người cho rằng điều này là do thuế quan được áp dụng dưới thời chính quyền đầu tiên của Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, số lượng nhôm nhập khẩu của Mỹ đã tăng 14% trong 10 năm nay, với số lượng xuất khẩu kim loại này của Mỹ tăng dần kể từ năm 2020.
Ông James Campbell, nhà phân tích tại công ty tư vấn CRU, dự kiến các mức thuế quan tiềm năng sẽ có những tác động khác nhau đến Mỹ theo thời gian.
Ông Campbell nghĩ rằng "lúc đầu, điều này có thể gây tổn hại đến nhu cầu…Về lâu dài, chúng ta có thể thấy đầu tư sẽ tăng lên".
![Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Tân Hoa Xã](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_15_51445441/4f0ee034d47a3d24646b.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Tân Hoa Xã
Kể từ đợt áp thuế đầu tiên của Tổng thống Trump vào năm 2018, Mỹ chứng kiến đầu tư tăng lên trong cả lĩnh vực thép và nhôm.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU). Chính quyền của ông cũng áp đặt giới hạn khối lượng đối với hàng nhập khẩu từ nhiều nước như Hàn Quốc, Argentina và Úc.
Báo cáo sau đó từ Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ thống kê trong 5 tháng đầu tiên của chính sách này, chính quyền ông Trump thu được hơn 1,4 tỉ USD.
Canada và Mexico
Canada và Mexico nằm trong số những nước xuất khẩu thép và nhôm lớn nhất sang Mỹ.
Do đó, hai quốc gia này có khả năng bị ảnh hưởng bởi thuế quan khi chúng có hiệu lực, ngay cả sau khi được miễn thuế tạm thời đối với tất cả các mặt hàng xuất khẩu của họ vào Mỹ.
Đức
Đức cũng là nước xuất khẩu thép lớn sang Mỹ và có khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực do thuế quan.
Tuy nhiên, Thyssenkrupp - một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất châu Âu - dự kiến tác động đến hoạt động kinh doanh là "rất hạn chế", nếu Mỹ áp thêm thuế đối với thép và nhôm.
Công ty Thyssenkrupp cho biết châu Âu vẫn là thị trường chính của họ. Chỉ các sản phẩm ngách chất lượng cao được xuất khẩu sang Mỹ, đó là nơi công ty Thyssenkrupp duy trì "vị thế thị trường tốt".
Các nhà xuất khẩu châu Á
Hàn Quốc, Việt Nam và Nhật Bản cũng nằm trong số các quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng bởi thuế quan mới nếu Tổng thống Trump thực hiện chính sách này.
Theo phân tích của CNBC về dữ liệu thương mại của Mỹ, số lượng nhập khẩu thép từ Việt Nam tăng hơn 140% so với năm trước. Đài Loan (Trung Quốc) cũng xuất khẩu thêm 75% thép sang Mỹ vào năm 2024 so với năm trước.