Kết cục buồn từ cuộc hôn nhân xa mặt cách lòng
Ngay sau ngày cưới, Năng cho vợ biết sắp đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Bị đặt vào tình thế đã rồi, Lan không thể thay đổi, đành chấp nhận số phận 'hòn Vọng Phu'. Cuộc sống chồng vợ xa mặt, cách lòng cuối cùng đã kết thúc trong chia ly.
Thời con gái, chị Nguyễn Thị Thu Lan (sinh năm: 1988, xã Đình Dù, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) nổi tiếng xinh đẹp, nhiều người theo đuổi. Gia cảnh nghèo, cô luôn tự nhủ, gắng học sau này đổi thay số phận, có điều kiện giúp đỡ cha mẹ. Sau khi học hết lớp 12, Lan quyết định thi và đỗ vào một trường cao đẳng dưới Hà Nội, ngày đi học cha mẹ bòn vét từ số tiền tiết kiệm với bao nhắn nhủ cô con gái đi học phương xa. Trong vùng có anh Lê Đỉnh Năng (sinh năm: 1973, ngụ cùng huyện) hơn Lan 15 tuổi vẫn chưa vợ con lâu nay để mắt tới Lan. Sau khi Lan đi học, Năng thường lui tới nhà cha mẹ Lan mục đích lấy lòng thân phụ.
Năng bảo, muốn lấy Lan làm vợ, nếu được đồng ý, anh sẽ chu cấp hết chi phí học hành, đồng thời hỗ trợ tiền cho gia đình. Năng khoe bao năm đi làm ăn đã tích góp được số vốn dư dã và kinh nghiệm làm kinh tế, sau khi lấy vợ bản thân sẽ tập trung thực hiện các dự án vườn ao chuồng quy mô để làm mô hình cho xã, vùng. Cha mẹ Lan đã có tuổi, quanh năm đồng ruộng, cũng chỉ mong con gái mình sau này có tương lai tươi sáng với người chồng có điều kiện kinh tế.
Nghe rể hờ thổi những lời đường mật vào tai, ông bà gật gù đồng ý. Hết năm học đầu tiên Lan về quê thăm gia đình, cha mẹ ở nhà đã chực chờ sẵn câu chuyện mai mối cho con đi lấy chồng. Ông bà bảo, phận con gái học đến đâu đi nữa cuối cùng cũng phải theo chồng. Chi bằng có người đàn ông đàng hoàng lại chí thú làm ăn như Năng. Rồi ông bà vẽ ra những viễn cảnh khi con gái đồng ý lấy chồng sẽ có một tương lai tươi sáng.
Ban đầu nghe Lan buồn lắm, bao ước mơ hoài bảo tan biến, trong đầu cô dằn vặt bởi chữ hiếu. Nếu không nghe cha mẹ thì mang tội bất hiếu, nếu nghe thì không biết câu chuyện học hành sẽ tính ra sao. Hơn nữa, Lan chỉ là đứa trẻ và kém Năng tới 15 tuổi, không biết vợ chồng có hợp? Nhưng vì thương cha mẹ cô đành gật đầu, nhưng với điều kiện vẫn tiếp tục được đi học sau khi lấy chồng. Khi nghe điều kiện này, Năng đồng ý ngay và hứa rằng, sẽ có kế hoạch làm ăn để “vợ” học hành tới nơi tới chốn.
Hai bên thống nhất, mọi thủ tục chuẩn bị cho ngày hôn lễ được vạch ra. Năng lo hết mọi chi phí cưới xin, nhìn rể tương lai đôn đáo tháo vát trong ngày cưới, cha mẹ Lan gật gù tin tưởng rằng con gái mình có phúc, gặp được chồng tốt lại giỏi giang. Một đám cưới xôm tụ nhanh chóng được tổ chức, dân làng đều đến chung vui, chúc phúc cho gia đình Lan, đó là ngày 30/9/2007.
Lan cũng tạm yên tâm từ nay đã có thêm chồng san sẻ gánh nặng cho cha mẹ, cho chuyện học hành. Thế nhưng mọi chuyện không như cô nghĩ, chỉ sau khi cưới 2 ngày, Năng mới nói cho vợ biết sắp phải đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, thủ tục đã hoàn thành từ trước đó, nay công ty đưa lao động thông báo ngày giờ bay. Năng cũng thú thực là hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có vốn liếng, hay dự án làm ăn nào cả. Chỉ có đi làm công nhân ở xứ người thì lương mới cao. Lúc này Lan mới vỡ chuyện, chồng mình không phải là người có điều kiện gì cả, tìm hiểu ra cô mới biết Năng có biệt danh là Năng “nổ” nổi tiếng trong vùng.
Lan cay đắng trước sự thật đã rồi, cũng đã quá muộn để thay đổi, cô nhìn về tương lai bất định, không biết sẽ ra sao khi có người chồng “nổ”. Ngày 01/11/2007, Năng đi xuất cảnh lao động tại Hàn Quốc, thời hạn là 3 năm và được gia hạn thêm 2 năm. Ngày tiễn chồng đi, biết bao nhiêu lời hứa về một tương lai sẽ đoàn tụ. Lan cũng chỉ biết sống làm sao trọn đạo làm dâu, đẹp nghĩa vợ chồng.
Ngày 27/6/2008, Lan sinh đứa con đầu lòng. Năm đầu tiên, vợ chồng thường xuyên liên lạc với nhau, tình cảm dạt dào. Năng động viên vợ gắng nuôi con, chờ chồng. Mãi tới tháng 4/2010, Năng mới được về phép khoảng 20 ngày rồi tức tốc quay lại Hàn Quốc lao động. Cuộc đoàn tụ chóng vánh ấy khiến Lan linh cảm, cuộc hôn nhân sẽ có ngày đổ gãy.
Sau 3 năm hợp đồng, Năng tiếp tục gia hạn 2 năm và sau đó ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Sau lần về phép, Năng càng ít liên lạc với vợ hơn, nếu có liên lạc thì cũng dăm ba câu rồi dập máy. Thậm chí Năng còn chặn số điện thoại của vợ. Lan cho biết, từ khi đi lao động xuất khẩu, chưa bao giờ Năng gửi tiền trực tiếp về cho vợ mà gián tiếp gửi cho em gái nhận, sau đó mỗi tháng người em đưa lại cho Lan 2 triệu đồng để nuôi con. Khi nào túng quá, Lan gọi điện sang xin chồng thì chồng gọi điện cho em gái mới được sang lấy. Vợ chồng mà như người dưng, không tôn trọng, thiếu tin tưởng, chẳng còn yêu thương, Lan không nhìn thấy tương lai trong cuộc hôn nhân này nữa.
Lan quyết định làm đơn ly hôn ra Tòa án tỉnh Hưng Yên. Từ Hàn Quốc, Năng gửi bản ý kiến liệt kê chi ly suốt 9 năm nuôi vợ ăn học, chi phí nuôi con, chi phí sinh hoạt. Ngày 31/3/2017 phiên tòa xét xử, Năng cũng không về đoàn tụ để được thấy mặt con. Ngày ra Tòa, Lan nhìn nỗi buồn trong mắt đứa con 9 tuổi. Đó cũng là 9 năm đằng đẵng chị chờ chồng trong sầu muộn. Đứa con gái chị cũng không còn nhớ mặt cha, Lòng chị quặn thắt khi con gái cũng mơ hồ về chính cha đẻ của mình.
Tòa đồng ý cho chị và chồng ly hôn, tài sản chung không có, đứa con mong muốn sống cùng mẹ. Tan Tòa, Lan dẫn đứa con về nhà mẹ đẻ. Cuộc hôn nhân chính thức kết thúc. Sau bao năm đi lấy chồng cuối cùng chỉ là số không tròn trĩnh. Lan tâm sự, nếu thời gian quay lại, cô sẽ suy nghĩ kỹ hơn trước khi gật đầu. Và nếu có cơ hội, cô sẽ không để chồng đi biền biệt. Bởi như người xưa nói, có yêu thương bao nhiêu thì xa mặt ắt sẽ cách lòng.
Tên nhân vật thay đổi.