Kết hợp giữa kiểm soát muỗi và tiêm vaccine dự phòng

Phương pháp phòng bệnh bền vững bao gồm kiểm soát vector (tức kiểm soát vật trung gian lây bệnh là muỗi vằn) và giải pháp mới: dự phòng chủ động bằng vaccine.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, trong giai đoạn từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước có gần 22.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính từ đầu năm 2024 đến ngày 24-5, thành phố đã ghi nhận 690 ca bệnh tại 30/30 quận, huyện, thị xã (tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023).

Tại TP. Hồ Chí Minh, tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến ngày 9/6 là 3.677 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Quận 1, Quận 7 và thành phố Thủ Đức.

Các chuyên gia nhận định rằng sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.

Nhiều địa phương trước nay chưa từng là điểm nóng về sốt xuất huyết nhưng cũng đang đứng trước nguy cơ bùng dịch như Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên. Đơn cử như ở Đắk Nông, so với năm 2023, số ca mắc tăng 5,6 lần, đi kèm theo đó là số ca nhập viện tăng cao. Tỉnh giáp ranh là Lâm Đồng cũng đã phải ra công điện chỉ đạo sau khi có 4 ca chuyển nặng và 1 ca tử vong…

Hiện nay, Việt Nam lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue, trong năm 2023 tuýp D2 chiếm 88%, năm 2024 tuýp D2 chiếm 70%.

Theo Bộ Y Tế, tuy dịch bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng diễn biến bất thường, tính chất bệnh phức tạp, các biến chứng nguy hiểm xuất hiện ngày càng nhiều, thì không ít người dân vẫn còn nhiều nhận thức không đúng về bệnh, dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch và hậu quả khôn lường.

Vì thế, trước khi bước vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết từ tháng 7 đến tháng 11 , mỗi người dân cần hiểu rõ về bệnh này để có cách dự phòng, phòng chống bệnh hiệu quả.

 5 sai lầm phổ biến khiến dịch sốt xuất huyết trở nên trầm trọng hơn (Nguồn: Vietnam+)

5 sai lầm phổ biến khiến dịch sốt xuất huyết trở nên trầm trọng hơn (Nguồn: Vietnam+)

Để cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết rõ hơn về bệnh sốt xuất huyết, Báo điện tử VietnamPlus tổ chức tọa đàm để cùng nâng cao nhận thức đúng đắn trong cộng đồng về sốt xuất huyết, và các phương pháp phòng bệnh bền vững bao gồm kiểm soát vector (tức kiểm soát vật trung gian lây bệnh là muỗi vằn) và giải pháp mới: dự phòng chủ động bằng vaccine.

 Tọa đàm Phòng chống sốt xuất huyết bền vững: Kết hợp giữa kiểm soát muỗi và tiêm dự phòng sẽ được phát sóng lúc 9 giờ ngày thứ Hai 24/6/2024.

Tọa đàm Phòng chống sốt xuất huyết bền vững: Kết hợp giữa kiểm soát muỗi và tiêm dự phòng sẽ được phát sóng lúc 9 giờ ngày thứ Hai 24/6/2024.

Tọa đàm có sự tham gia của hai khách mời:

· Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch thường trực Liên chi Hội Truyền Nhiễm TPHCM, Nguyên Trưởng Khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh Viện Nhi Đồng 1.

· Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Đặc biệt, tọa đàm sẽ cung cấp những thông tin liên quan đến giải pháp đột phá mới - Vaccine. Vào tháng 5 vừa qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y Tế) đã cấp phép lưu hành vaccine sốt xuất huyết đầu tiên tại Việt Nam. Đây là biện pháp dự phòng chủ động được đánh giá là sẽ góp phần quan trọng giúp nâng cao hiệu quả trong việc phòng chống sốt xuất huyết, bên cạnh công tác kiểm soát vector.

Vaccine sốt xuất huyết được xem là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực chung phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết trên toàn cầu trong đó có Việt Nam.

Hãy cùng đón xem tọa đàm lên sóng trên kênh YouTube và Website của VietnamPlus vào 9 giờ sáng, ngày 24 tháng 6 năm 2024.

Nội dung bài này được bảo trợ bởi Hội Thày thuốc trẻ Việt Nam./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ket-hop-giua-kiem-soat-muoi-va-tiem-vaccine-du-phong-post960645.vnp