Không gian xưa trong mắt người trẻ phố núi Pleiku
Trong nhịp sống hiện đại hối hả, những góc quán xưa cũ, vật dụng nhuốm màu thời gian tưởng chừng chỉ còn trong ký ức lại đang trở thành điểm dừng chân thu hút người trẻ. Ở đó, họ không chỉ check-in mà còn tìm thấy cảm hứng sống, cảm hứng nghệ thuật và sự lắng đọng trong tâm hồn.
Giới trẻ phố núi Pleiku đang có xu hướng tìm về với những không gian mang dáng dấp xưa cũ. Đó là những quán cà phê bài trí bằng vật dụng cũ, bàn ghế gỗ bạc màu, radio, cassette, máy đánh chữ hay chiếc đèn dầu, lọ hoa sứ cũ… Với nhiều bạn trẻ, tìm đến những không gian mang dấu ấn thời gian không chỉ là cách để sống chậm, mà còn là để kết nối với những điều tưởng như đã bị quên lãng, từ ký ức tập thể cho đến những rung động rất riêng trong tâm hồn.
Bạn Nguyễn Việt Linh (ở phường An Phú) là một trong những người yêu mỹ thuật, thường tìm đến những không gian mang hơi hướng xưa cũ để vẽ tranh. Những bức tường vàng cũ kỹ, tấm rèm cửa hoa văn vintage hay ánh sáng mờ dịu của quán

Bạn Nguyễn Việt Linh (tổ 3, phường An Phú) giới thiệu bức vẽ về "Lễ hội Cồng chiêng" giữa không gian bài trí đậm màu hoài niệm. Ảnh: Ngọc Duy
cà phê kiểu xưa đều khiến Linh có cảm hứng. Linh thường ngồi cả buổi chỉ để quan sát rồi ký họa, từ đó phát triển thành những bức tranh về quê hương, đất nước.
Linh kể: “Có lần tôi vẽ lại một góc quán nhỏ nơi có treo chiếc đèn dầu cũ. Sau này, bức tranh ấy được nhiều người bạn yêu thích vì gợi nhớ ký ức tuổi thơ trong những ngôi nhà quê ngày xưa, nơi mỗi vật dụng đều kể một câu chuyện. Tôi nghĩ, không gian xưa giúp mình chạm tới những xúc cảm rất thật mà đôi khi trong phòng vẽ hiện đại, tôi không thể có được”.

Bạn Nguyễn Gia Bảo (phường Hội Phú) biểu diễn violin giữa không gian mang đậm dấu ấn xưa cũ. Ảnh: Ngọc Duy
Bạn Nguyễn Gia Bảo (phường Hội Phú) lại tìm đến chơi violin trong một góc quán nhỏ. “Tôi thích ngồi đàn ở những nơi có chút cũ kỹ, giản dị, nơi ánh đèn vàng không quá sáng, tiếng quạt máy chạy lạch cạch như một giai điệu nền. Trong không gian ấy, tiếng violin trở nên sâu lắng và nhiều cảm xúc hơn. Những bản nhạc vang lên như đưa tôi về một thế giới khác, nơi tôi có thể buông bỏ áp lực, sống chậm lại và cảm nhận bản thân rõ ràng hơn”-Bảo chia sẻ.
Clip: Bạn Nguyễn Gia Bảo biểu diễn violin ca khúc Phép Màu (nhạc sĩ Nguyễn Hùng) trong không gian xưa. Thực hiện: Ngọc Duy
Bạn Trần Ngọc Long (ở phường Hội Phú) cùng nhóm nhạc của mình thường chọn những quán cà phê kiểu xưa để tập nhạc, bởi không gian ấy mang đến cảm giác gần gũi, sâu lắng, không xô bồ như những quán hiện đại. Dưới ánh đèn vàng mờ, giữa tiếng đàn guitar acoustic mộc mạc và đồ vật gợi nhớ quá khứ, nhóm của Long không chỉ kết nối âm nhạc mà còn kết nối những tâm hồn đồng điệu.
“Có lần tụi em chơi bài Mưa hồng, cô chủ quán ngồi lặng thinh rồi bảo bài đó là thanh xuân của cô. Những lúc như vậy khiến tụi em cảm thấy âm nhạc và con người thật sự có thể tìm thấy nhau ở nơi yên bình nhất”-Long bộc bạch.
Là người tạo nên một trong những không gian xưa nổi bật ở Pleiku, chị Trần Ngọc An Nhiên-chủ quán cà phê Hàng Nước Tân Thời (hẻm 302, đường Nguyễn Văn Cừ) thích những đồ vật “thời ông bà anh” nên đã có ý tưởng thiết kế không gian này không chỉ dành cho người hoài cổ, mà là nơi để thế hệ trẻ tìm thấy sự kết nối với những giá trị cũ theo cách tiếp cận mới mẻ hơn.

Bạn Trần Ngọc Long (người cầm đàn) cùng nhóm bạn quây quần đàn hát giữa không gian mang đậm dấu ấn thời gian. Ảnh: Ngọc Duy
Chị Nhiên cho biết: “Có những hôm quán đông đúc, vậy mà tôi lại thấy một bạn trẻ ngồi cả buổi chỉ để nhìn chiếc cassette, rồi vẽ lại nó vào sổ tay. Những khoảnh khắc như vậy khiến tôi tin rằng không gian xưa vẫn có sức sống mãnh liệt trong lòng các bạn trẻ. Thời gian tới, tôi muốn phát triển và trưng bày thêm các vật phẩm ở không gian xưa cũ này để tạo sân chơi cho các bạn có thể biểu diễn, trưng bày tác phẩm và chia sẻ niềm đam mê với nhau”.
Theo chị Nhiên, mỗi món đồ không đơn thuần chỉ để trang trí, mà là một mảnh ký ức sống động của quá khứ. Khi được đặt đúng chỗ trong không gian yên tĩnh, mộc mạc. Chúng dường như có thể kể chuyện về những buổi tối đèn dầu, tiếng phát thanh viên vang bên mâm cơm hay hình ảnh mẹ quạt than bàn ủi con gà ủi áo cho con đến lớp. Những điều ấy khiến người trẻ, dù sinh ra sau chiến tranh, vẫn có thể mường tượng và kết nối với lịch sử bằng cảm xúc rất riêng.