Kết nối, đào tạo thế hệ trẻ cho vật lý hạt cơ bản

Ngày 16-7, tại Trung tâm ICISE (TP Quy Nhơn, Bình Định) diễn ra lễ khai mạc 2 sự kiện khoa học quốc tế về đào đạo nhân lực, nhà nghiên cứu trẻ trong lĩnh vực vật lý hạt cơ bản, gồm: lớp học Việt Nam về neutrino lần thứ 8, và lớp học vật lý Việt Nam lần thứ 30, thu hút 66 giáo sư, nhà nghiên cứu trẻ đến từ 18 quốc gia, vùng lãnh thổ.

2 lớp học về vật lý hạt diễn ra tại Trung tâm ICISE thu hút hàng chục nhà nghiên cứu trẻ, giáo sư trong nước và quốc tế. Ảnh: XUÂN HUYÊN

2 lớp học về vật lý hạt diễn ra tại Trung tâm ICISE thu hút hàng chục nhà nghiên cứu trẻ, giáo sư trong nước và quốc tế. Ảnh: XUÂN HUYÊN

GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam (quản lý Trung tâm ICISE), cho biết, lớp học Việt Nam về neutrino lần thứ 8 sẽ có 32 nhà khoa học, nghiên cứu trẻ đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Ý, Việt Nam. Lớp học mời nhiều giáo sư, nhà khoa học lớn đến từ các viện nghiên cứu, đại học ở Nhật Bản, Anh, Ấn Độ, Trung Quốc để cung cấp cho các nhà nghiên cứu trẻ kiến thức về vật lý hạt, vật lý neutrino; các nguyên lý cơ bản và kỹ thuật hiện đại để phát hiện ra hạt neutrino; các dự án neutrino đang và sẽ xây dựng trên thế giới… Ngoài ra, học viên được học các kỹ năng cụ thể, như chạy mô phỏng các tương tác neutrino, phân loại tương tác thông qua hình ảnh thu được từ máy dò từ Thí nghiệm Super-Kamiokande (SK) - đã đóng góp trực tiếp cho giải thưởng Nobel vật lý năm 2015...

Lớp học vật lý Việt Nam lần thứ 30 có 34 nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Lớp học nhằm kết nối các sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ đam mê vật lý tiếp cận, cập nhật các phương pháp nghiên cứu mới về vật lý hạt cơ bản, vật chất tối với các giáo sư đến từ Đài Loan, Anh, Pháp, Ấn Độ, Bỉ…

“Đây là 2 lớp học thường niên được Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam tổ chức nhằm kết nối, cập nhật kiến thức, đào tạo nhân lực mới cho Vật lý học cơ bản. Qua đó, giúp các học viên trẻ ở Việt Nam và thế giới giao lưu, tương tác với các giáo sư đầu ngành, tạo ra mối quan hệ thầy trò, đồng nghiệp, bạn bè giúp đỡ nhau trên con đường nghiên cứu. Đây cũng là cơ hội lớn để các sinh viên trẻ Việt Nam tìm kiếm học bổng nghiên cứu tiến sĩ, sau tiến sĩ ở các đại học, viện nghiên cứu lớn trên thế giới, góp phần tăng cường lực lượng nghiên cứu vật lý cơ bản cho Việt Nam”, GS Trần Thanh Vân chia sẻ.

NGỌC OAI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ket-noi-dao-tao-the-he-tre-cho-vat-ly-hat-co-ban-post749647.html