Kết nối đầu tư Việt Nam-Nhật Bản qua Bàn Kansai tăng nhanh

Từ năm 2014, UBND tỉnh đã thành lập Bàn Kansai để giúp doanh nghiệp (DN) Nhật Bản những thông tin về môi trường, chính sách thu hút đầu tư của Đồng Nai; giải quyết một số thủ tục trước khi DN Nhật Bản được cấp chứng nhận đầu tư, giảm thời gian đi lại và chi phí. Đồng thời, Bàn Kansai còn thêm chức năng hỗ trợ xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực cho DN.

Sản xuất tại Công ty TNHH Kyokuto Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2. Ảnh:H.Giang

Sản xuất tại Công ty TNHH Kyokuto Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2. Ảnh:H.Giang

Sau 6 năm đi vào hoạt động, Bàn Kansai đã hỗ trợ thông tin, thủ tục để đầu tư của Nhật Bản vào Đồng Nai tăng nhanh. Các DN Nhật Bản và DN trong nước cũng được kết nối giao thương, cung ứng sản phẩm cho nhau và mở rộng xuất khẩu.

* Tạo “làn sóng” đầu tư

Khoảng 5 năm gần đây, đầu tư của Nhật Bản vào tỉnh tăng nhanh. Từ nước xếp thứ 6 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ rót vốn vào tỉnh thì năm 2019, Nhật Bản đã trở thành quốc gia xếp thứ 3 về nguồn vốn đầu tư với hơn 4,6 tỷ USD. Dự tính, đến cuối năm 2020, đầu tư của Nhật vào Đồng Nai có thể đạt xấp xỉ 5 tỷ USD.

Ông Cao Minh Chuyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển DN nhỏ và vừa Nhật Bản ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 chia sẻ: “Công ty chuyên xây dựng sẵn nhà xưởng cho các DN thuê sản xuất, kinh doanh. Hiện công ty đã thu hút khoảng 50 DN vào đầu tư, trong đó có hơn 30 DN Nhật Bản. Các DN Nhật Bản phần lớn sản xuất công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực mà tỉnh đang ưu tiên mời gọi”.

Mỗi năm, Bàn Kansai đều khảo sát khoảng 30 DN Việt Nam và Nhật Bản để xây dựng cơ sở giữ liệu kết nối DN, đồng thời kịp thời nắm bắt khó khăn để hỗ trợ. Năm 2019, Bàn Kansai cùng với tỉnh tổ chức giao thương cho 45 DN Nhật Bản và 25 DN Việt Nam. Trong đó, có 36 DN hẹn gặp trao đổi hợp tác sau giao thương.

Thực tế, mấy năm gần đây có “làn sóng” các DN nhỏ và vừa Nhật Bản đến Đồng Nai đầu tư vào sản xuất công nghiệp, cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, DN trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hữu Đức, thành viên Bàn Kansai cho biết: “Nắm bắt được xu hướng, nhiều DN nhỏ và vừa Nhật Bản muốn đầu tư ra nước ngoài nên UBND tỉnh đã cùng với Cục Kinh tế - thương mại và công nghiệp vùng Kansai ký kết hợp tác để mở rộng đầu tư và giao thương. Kết quả là đầu tư của Nhật Bản vào tỉnh tăng cao và đây là một trong 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai”.

Cũng theo ông Đức, hai bên còn hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ DN Việt nâng tầm, trở thành nhà cung cấp sản phẩm đầu vào cho DN Nhật Bản. Hiện Đồng Nai là một trong những nơi cung cấp nguyên liệu đầu vào lớn cho DN nước ngoài, trong nước có sự đóng góp không nhỏ từ Bàn Kansai.

* Mở rộng giao thương

Hằng năm, ngoài xúc tiến thương mại tại chỗ cho DN Nhật Bản tại Việt Nam gặp gỡ DN trong nước thì UBND tỉnh còn tổ chức xúc tiến thương mại sang Nhật Bản nhằm mở rộng giao thương. Qua các đợt gặp gỡ, nhiều DN Việt đã trở thành đối tác cung ứng sản phẩm cho DN Nhật Bản và ngược lại.

Ông Ota Shinji, Giám đốc Công ty TNHH Kyokuto Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 nói: “Qua giới thiệu của Bàn Kansai, công ty đã quyết định chọn đầu tư vào Đồng Nai. Quá trình hoạt động, công ty nhận được nhiều sự hỗ trợ của phía tỉnh, đặc biệt là Bàn Kansai. Hiện công ty sản xuất linh kiện điện tử cung ứng cho các DN nước ngoài tại Việt Nam và xuất khẩu, hoạt động ngày càng mở rộng”.

Năm 2019, Đồng Nai xuất khẩu vào Nhật Bản gần 2,2 tỷ USD và tháng 1-2020 hơn 174 tỷ USD. Các DN tại Đồng Nai xuất khẩu hàng hóa vào Nhật được sẽ rất thuận lợi đưa qua các nước khác, vì đây là thị trường đòi hỏi rất cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Để mở rộng giao thương với Nhật, các DN trong nước cũng phải tái cơ cấu, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, đồng thời phải đảm bảo các yêu cầu khác là nhà xưởng, nguồn lao động, môi trường...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhận xét: “Các nhà đầu tư của Nhật vào Đồng Nai gần đây hầu hết có công nghệ hiện đại, sử dụng lao động ít, quan hệ giữa quản lý công ty và công nhân khá tốt, hiếm xảy ra tranh chấp. Hằng năm, tỉnh đều tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại tại chỗ để DN Nhật và DN Đồng Nai gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm và hợp tác”.

Một số tập đoàn lớn của Nhật Bản khi đến Đồng Nai tìm hiểu môi trường đầu tư đều có chung đánh giá, trong giai đoạn 5 năm tới, Đồng Nai vẫn là nơi được nhiều DN Nhật Bản lựa chọn, đầu tư tăng cao kéo theo thương mại giữa hai bên cũng khởi sắc hơn. Vì nhiều DN Nhật Bản đến Đồng Nai sản xuất đã xuất hàng hóa về lại Nhật Bản.

Hương Giang

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202002/ket-noi-dau-tu-viet-nam-nhat-ban-qua-ban-kansai-tang-nhanh-2990039/