Kết nối hàng Việt đến với đông đảo người tiêu dùng

Việc liên tục tổ chức Festival nông sản và sản phẩm làng nghề Hà Nội tạo cơ hội cho doanh nghiệp kết nối hàng Việt với người tiêu dùng. Đó là nhận xét của chuyên gia kinh tế về lợi ích mà hoạt động này mang lại cho doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ hàng Việt.

Sức hấp dẫn của sản vật địa phương

Với những người yêu thích du lịch và khám phá đặc sản địa phương, sự kiện Chương trình Festival nông sản, sản phẩm làng nghề Hà Nội do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch (HPA) tổ chức tại quận Hoàng Mai (26/12) là dịp để người tiêu dùng thỏa mãn việc tiếp cận đặc sản địa phương.

Chị Nguyễn Thanh Vân, một cư dân khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai) bày tỏ, tôi thường phải đi xa mới mua được các đặc sản vùng miền như thịt trâu gác bếp, gạo nếp Tú Lệ (Yên Bái)... nhưng tại Festival nông sản tổ chức tại quận Hoàng Mai có đủ loại sản phẩm từ các địa phương trong đó có những món chưa từng thử, nay được trải nghiệm mà không cần rời Hà Nội.

Tương tự bác Hoàng Thị Hương, sống tại khu phố Văn Tân (Hoàng Mai), hào hứng khi chọn mua cam Khe Mây (Hà Tĩnh). “Đây là lần đầu tiên tôi biết đến cam Khe Mây. Cam vỏ mỏng, mã đẹp, ăn ngọt thơm. Mua tại hội chợ tôi rất yên tâm về chất lượng sản phẩm, mà giá cả phải chăng phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng” bác Hương chia sẻ.

Người tiêu dùng mua sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tại Festival nông sản, sản phẩm làng nghề Hà Nội tổ chức tại quận Hoàng Mai (26/12). Ảnh: Hoài Nam

Người tiêu dùng mua sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tại Festival nông sản, sản phẩm làng nghề Hà Nội tổ chức tại quận Hoàng Mai (26/12). Ảnh: Hoài Nam

Thông tin từ HPA cho thấy, thời gian vừa qua HPA đã liên tục tổ chức hội chợ, Festival nông sản, sản phẩm làng nghề Hà Nội. Những sự kiện này đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh thành trưng bầy, giới thiệu hàng nghìn sản phẩm quà tặng, đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, đặc sản tiêu biểu đặc trưng của địa phương.

Với các tỉnh vùng núi cao Tây Bắc mang tới hội chợ sản phẩm, gạo Séng Cù, tương ớt Mường Khương, bí thơm Bắc Kạn, cam Hàm Yên. Vùng đồng bằng Sông Hồng với cá kho làng Vũ Đại, rươi Tứ Kỳ, long nhãn Hưng Yên. Miền Trung với yến sào Khánh Hòa, tỏi Lý Sơn, hải sản Phú Yên, trầm hương Quảng Nam. Đồng bằng Sông Cửu Long với sản phẩm cua Cà Mau, mắm Gò Công, đường thốt nốt, mật hoa dừa, hạt tiêu Phú Quốc, bánh pía…

Sản phẩm trưng bày tại sự kiện đều bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, vệ sinh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Đặc biệt tại các kỳ tổ chức Festival nông sản, sản phẩm làng nghề Hà Nội, có khoảng 50% số lượng sản phẩm các tỉnh đăng ký giới thiệu, tiêu thụ là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Cơ hội kết nối cung cầu

Nhận xét về lợi ích mà hoạt động này mang lại, các doanh nghiệp tham gia sự kiện có chung ý kiến, việc HPA tổ chức thường niện hội chợ, Festival nông sản, sản phẩm làng nghề Hà Nội đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Festival nông sản, sản phẩm làng nghề Hà Nội tổ chức tại quận Hoàng Mai (26/12). Ảnh: Hoài Nam

Các đại biểu cắt băng khai mạc Festival nông sản, sản phẩm làng nghề Hà Nội tổ chức tại quận Hoàng Mai (26/12). Ảnh: Hoài Nam

Mang đến phiên chợ những đặc sản đặc trưng của tỉnh Bắc Giang như hoa quả Lục Ngạn, bưởi, cam, bánh tro, và các sản phẩm từ sâm như trà sâm, miến sâm, mì sâm và các sản phẩm dầu gội đầu thảo mộc từ sâm… Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Sâm Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Mừng cho hay, qua mỗi lần tham gia hội chợ, sản phẩm của đơn vị ngày càng được người tiêu dùng biết đến. "Nhờ đó mà công ty mở rộng được thị trường phân phối thông qua việc ký kết hợp tác với các đối tác, bạn hàng"-bà Mừng chia sẻ.

Tương tự, thường xuyên tham gia các sự kiện hội chợ, tuần hàng do TP. Hà Nội tổ chức, chị Nguyễn Thị Dần, thành viên Hợp tác xã nông sản Tân Việt Á (tỉnh Cao Bằng) thông tin, từ ngày tham gia những chương trình này, ngoài bán được hàng hóa tới trực tiếp người tiêu dùng Thủ đô, hợp tác xã đã quảng bá, giới thiệu được nhiều sản phẩm, tìm kiếm được đại lý, đối tác tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt có những đối tác xuất khẩu miến dong Cao Bằng ra thị trường quốc tế. “Kết quả này cho thấy hiệu quả rất lớn mà sự kiện mang lại cho doanh nghiệp", chị Dần vui vẻ nói.

Người tiêu dùng mua sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tại Festival nông sản, sản phẩm làng nghề Hà Nội tổ chức tại quận Hoàng Mai (26/12). Ảnh: Hoài Nam

Người tiêu dùng mua sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tại Festival nông sản, sản phẩm làng nghề Hà Nội tổ chức tại quận Hoàng Mai (26/12). Ảnh: Hoài Nam

Nhìn nhận lợi ích mà Festival nông sản, sản phẩm làng nghề Hà Nội mang lại cho doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Trần Thị Phương Lan nêu rõ, sự kiện không chỉ kết nối giao thương hàng hóa từ các tỉnh, thành về Hà Nội mà còn nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt tại hệ thống bán lẻ truyền thống cũng như hệ thống siêu thị hiện đại. Qua đó, nâng cao nhận thức, lòng tin của người tiêu dùng về văn minh thương mại, chất lượng, giá cả, thương hiệu của sản phẩm Việt.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Festival nông sản, sản phẩm làng nghề Hà Nội tổ chức tại quận Hoàng Mai, Phó Giám đốc HPA Bùi Duy Quang cho biết, đây là một trong những hoạt động của TP Hà Nội nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng lưu niệm, OCOP, sản phẩm đặc sản của các địa phương, đồng thời kích cầu tiêu dùng thời điểm cuối năm.

Bên cạnh đó, hoạt động này còn hỗ trợ kết nối giữa doanh nghiệp phân phối trong nước và quốc tế với các doanh nghiệp sản xuất, tạo chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm bền vững lâu dài tại thị trường trong nước, hướng tới mục tiêu xuất khẩu

“Sự kiện cũng góp phần nâng cao nhận thức, lòng tin của người tiêu dùng về chất lượng, thương hiệu sản phẩm Việt, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”- ông Bùi Huy Quang khẳng định.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ket-noi-hang-viet-den-voi-dong-dao-nguoi-tieu-dung.html