Kết quả bầu cử sơ bộ hé mở kịch bản tương lai của chính trường Đức
Theo kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Quốc hội Đức vừa diễn ra hôm qua (23/2), đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) hiện đang dẫn đầu với 29% số phiếu ủng hộ.
Đây là kết quả không mấy bất ngờ bởi nó không khác nhiều so với dự đoán từ những cuộc thăm dò trước đó. Tuy nhiên, khi không đảng nào giành chiến thắng áp đảo thì việc liên minh giữa các đảng sẽ được tính toán như thế nào? Cơ hội nắm giữ chiếc ghế Thủ tướng Đức sẽ dành cho ai? Và kết quả cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt này sẽ hé lộ điều gì về tương lai quốc gia đầu tàu châu Âu?

Đảng SPD có khả năng sẽ tham gia vào chính phủ tiếp theo vì liên minh CDU/CSU sẽ cần đảng này để đạt được đa số tuyệt đối. Ảnh: Le Monde
Những kịch bản chia sẻ quyền lực trong chính trường Đức
Theo kết quả sơ bộ tính đến 0h ngày 24/2 (theo giờ địa phương), Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) do ông Friedrich Merz lãnh đạo đang ở thế dẫn đầu với khoảng gần 29% số phiếu ủng hộ, bỏ xa vị trí thứ 2 là đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) của bà Alice Weidel với hơn 20% tỷ lệ ủng hộ. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của đương kim Thủ tướng Đức Olaf Scholz và đảng Xanh của ông Robert Habeck lần lượt xếp sau với gần 17% và 12% tỷ lệ ủng hộ.
Kết quả bầu cử gần như không có nhiều bất ngờ và khớp với các dự báo trước đó. Phe bảo thủ CDU/CSU giành được chiến thắng áp đảo so với các chính đảng còn lại. Đáng chú ý là sự tiến bộ vượt bậc của AfD. Mặc dù chưa có kết quả cuối cùng nhưng tỷ lệ phiếu ủng hộ dành cho đảng cực hữu này sẽ nằm trong khoảng từ 20 đến 21%. Đây là con số ấn tượng trong một kỳ bầu cử ở Đức, nhất là trong bối cảnh AfD chỉ dành được 10,3% số phiếu vào kỳ bầu cử trước năm 2021, bằng một nửa so với thực tại.
Mặc dù có được tỷ lệ hơn 20% người ủng hộ nhưng chắc chắn rằng đảng cực hữu AfD sẽ không có mặt trong liên mình cầm quyền bởi điều này được coi là “cấm kỵ” ở Đức, theo đó các chính đảng tại Đức sẽ không công khai ủng hộ hay hợp tác với các đảng cực hữu. Và trong các tuyên bố mới đây của mình, ông Friedrich Merz cũng khẳng định sẽ không hợp tác với AfD và cam kết sẽ ngăn chặn sức ảnh hưởng của phe cực hữu tại nước này.
Đảng Xanh sẽ giành được hơn 12% số phiếu bầu, giảm hơn 2 điểm so với cuộc bầu cử lập pháp năm 2021. Đây là một kết quả đáng thất vọng bởi kể cả trong các cuộc thăm dò mới nhất, đảng Xanh vẫn thu được tỷ lệ ủng hộ dao động trong khoảng từ 13% đến 14%.
Một bất ngờ mới tại cuộc bầu cử lần này, đó là việc đảng Cánh tả (Die Linke) giành được gần 9% tổng số phiếu ủng hộ, đánh dấu một sự trở lại của phe cánh tả khi đạt được gần gấp đôi số phiếu so với kỳ bầu cử trước khi Die Linke chỉ giành được 4,9% tỷ lệ ủng hộ và có mặt trong Quốc hội Đức nhờ có 3 ứng viên của đảng chiến thắng tại các khu vực bầu cử.
Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) dự kiến sẽ đạt được số điểm thấp nhất trong lịch sử bầu cử của mình, chỉ với khoảng hơn 16% số phiếu bầu, ít hơn gần 4 điểm so với năm 2017, năm đảng ghi nhận kết quả tệ nhất kể từ khi Cộng hòa Liên bang Đức được thành lập vào năm 1949. Đối với Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz, đây là một thất bại nặng nề.
Dù vậy, SPD có khả năng sẽ tham gia vào chính phủ tiếp theo vì CDU/CSU sẽ cần đảng này để đạt được đa số tuyệt đối, nhưng không có sự hiện diện của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz. Viễn cảnh này khá giống với tình huống năm 2005: vào thời điểm đó, ông Gerhard Schröder, thủ tướng sắp mãn nhiệm, đã thua cuộc bầu cử lập pháp, nhưng đảng CDU/CSU, do bà Angela Merkel lãnh đạo, đã kêu gọi đảng Dân chủ xã hội thành lập liên minh. Giới quan sát đang hy vọng điều tương tự sẽ xảy ra trong năm nay: ông Friedrich Merz sẽ cố gắng thành lập liên minh với SPD, nhưng không có thủ tướng sắp mãn nhiệm, người đã bị loại do kết quả bầu cử lập pháp.
Đây được coi là kịch bản “hoàn hảo” nhất trong bối cảnh chính trị Đức hiện nay để giảm thiểu những bất đồng trong bộ máy Chính phủ, qua đó giúp nước Đức vượt qua các khó khăn về năng lượng và kinh tế. Trong trường hợp, liên minh CDU/SCU và SPD chưa có đủ 316 ghế tại Quốc hội, nhiều khả năng một liên minh 3 đảng với sự tham gia của đảng Xanh sẽ được thành lập.
Hé lộ về liên minh nắm quyền và tân Thủ tướng Đức
Dư luận sẽ phải chờ xem các cuộc đàm phán hậu bầu cử giữa các đảng phái tại Đức đem lại kết quả ra sao. Song liên minh nào nắm quyền và ai trở thành Thủ tướng Đức, thì cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc củng cố sức mạnh cho quốc gia đầu tàu châu Âu.
Kịch bản hoàn hảo nhất sẽ là một liên minh 2 đảng bao gồm CDU/CSU và SPD. Như vậy, tân chính phủ Đức sẽ giảm thiểu được nhiều bất đồng nội bộ và có khả năng phản ứng nhanh hơn trước những vấn đề chính trị, kinh tế đang và sắp xảy ra.
Dựa trên những kết quả sơ bộ, nhiều khả năng ông Friedrich Merz sẽ trở thành tân Thủ tướng Đức tiếp theo. Theo quan điểm này, ông Merz, người có xu hướng thiên hữu, sẽ đem lại một số thay đổi mang tính bước ngoặt. Đầu tiên, về tình trạng nhập cư, ông Merz đã hứa sẽ kiểm soát biên giới lâu dài và áp dụng các quy định tị nạn nhanh hơn để hạn chế nhập cư, cắt giảm thuế và cắt giảm 50 tỷ euro (52 tỷ USD) chi tiêu phúc lợi nhằm mục đích khởi động lại nền kinh tế đang trì trệ của Đức.
Về vấn đề năng lượng, ông Merz chia sẻ cùng quan điểm với SPD trong việc đầu tư nhiều hơn nữa cho năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, CDU/CSU cũng là một trong hai đảng phái, cùng với AfD ủng hộ việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân. Nếu điều này được đưa ra bàn luận, những rạn nứt sẽ có thể xuất hiện trong nội bộ Tân chính phủ khi phe SPD đã công khai kịch liệt phản đối ý tưởng tương tự trong quá khứ.
Các chính trị gia Pháp cũng đang mong đợi ông Merz khôi phục lại mối quan hệ Pháp-Đức vốn không mấy tươi sáng trong thời gian gần đây. Vài ngày trước, Friedrich Merz tuyên bố rằng nếu ông được bầu làm thủ tướng, ông sẽ đến Paris và Warsaw ngay sau khi nắm quyền. Trong một chia sẻ với báo giới vào ngày 23/1, ông Friedrich Merz tuyên bố sẽ đưa “mối quan hệ với Pháp vào giai đoạn đổi mới và sâu sắc hơn”. Giới phân tích kỳ vọng vào ứng viên tiềm năng cho vị trí Thủ tướng để làm mạnh liên minh Pháp - Đức, qua đó kết nối lại toàn bộ EU và vực dậy vị trí lục địa trên trường quốc tế.
Về an ninh quốc phòng, trong chiến dịch tranh cử, ông Merz tuyên bố sẽ tuân thủ yêu cầu của NATO về việc chi ít nhất 2% GDP của Đức cho quốc phòng. Ông cũng cam kết tăng cường vai trò lãnh đạo của Đức ở châu Âu và đẩy mạnh hỗ trợ cho Ukraine, đồng thời không loại trừ khả năng Ukraine trở thành thành viên NATO trong tương lai.
Sự trỗi dậy của phe cực hữu
Mặc dù khả năng các đảng phái liên minh với đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) được cho là rất thấp, song sự trỗi dậy của phe cực hữu là không thể phủ nhận.
Theo nhiều chuyên gia phân tích, việc đảng Sự lựa chọn vì nước Đức ngày càng có nhiều cử tri ủng hộ khiến giới quan sát lo ngại. Đầu tiên, AfD đã và đang có sự ảnh hưởng nhất định đến các chính sách của nước Đức, đơn cử như mới đây, người đứng đầu Liên minh CDU/CSU, ông Friedrich Merz đã bất ngờ chấp thuận các lá phiếu ủng hộ của đảng này để có được đủ điều kiện trong việc đệ trình dự luật liên quan đến nhập cư.
Như vậy, với tỷ lệ ủng hộ tại thời điểm hiện tại là hơn 20%, khả năng đảng cực hữu AfD tác động đến các quyết sách tương lai của nước Đức là rất cao, nhất là trong các vấn đề nổi cộm như ủng hộ Ukraine hay duy trì chính sách cứng rắn với nước Nga. Trái với các đảng phái truyền thống, AfD có xu hướng muốn kết thúc sớm cuộc xung đột Nga - Ukraine và có chính sách mềm mỏng hơn đối với Moscow. Mặc dù AfD sẽ khó có thể tạo ra những thay đổi mang tính đột biến nhưng đây cũng là động lực cho phong trào ủng hộ Nga, nhất là đối với các nước Đông Âu.
Về đối ngoại, theo các nhà phân tích, cuộc bầu cử của Đức sẽ có hiệu ứng lan tỏa vượt ra ngoài biên giới của nước này. Đối với châu Âu, thành tích mạnh mẽ của AfD có thể thúc đẩy các phong trào cánh hữu trên khắp lục địa già, ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử sắp tới ở các nước láng giềng.
Về quan hệ với EU, AfD có xu hướng bài xích Liên minh châu Âu, họ ủng hộ việc rời khỏi Khối 27 cũng như khu vực đồng tiền chung châu Âu. Với quan điểm này, AfD có thể gây ra một số sóng gió nhất định trong vấn đề ủng hộ Liên minh cũng như làm chậm lại sự ủng hộ của Đức trong nội khối. Thêm vào đó, AfD có xu hướng thiên về các dòng chảy phương Bắc (North Stream), ủng hộ việc duy trì sử dụng khí đốt từ Nga. Như vậy, AfD sẽ là nhân tố cản trở sự tiến triển trong quan hệ của Đức nói riêng và châu Âu nói chung với đồng minh xuyên Đại Tây Dương.
Đến thời điểm hiện tại, các chính trị gia Đức đang lo ngại liên minh CDU/CSU không đủ sức để kìm hãm sự ảnh hưởng của phe cực hữu, cho dù mới đây, ứng cử viên bảo thủ hàng đầu của Đức Friedrich Merz cam kết sẽ xây dựng lại nền kinh tế để ngăn chặn sự trỗi dậy của đảng AfD.