Khả năng Nga-Trung 'liên thủ' đối phó trục Mỹ-Anh-Úc

Nga khả năng sẽ không bỏ qua cơ hội nhảy vào thị trường tàu ngầm hạt nhân và lên kế hoạch cùng Trung Quốc đối phó AUKUS.

Từ khi được công bố hôm 15-9 đến nay, Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên (AUKUS) Mỹ - Anh - Úc tiếp tục gây ra các phản ứng trái chiều trên thế giới. Trong khi những nước như Nhật hay Philippines hoan nghênh và kỳ vọng AUKUS sẽ mang lại những thay đổi tích cực cho cục diện an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD-TBD) thì trái lại, Trung Quốc (TQ) hay Pháp phản đối kịch liệt.

Trong khi đó, Nga - một trong số ít quốc gia sở hữu tàu ngầm hạt nhân - ban đầu tỏ ra thận trọng trong các phản ứng của mình với AUKUS. Điện Kremlin ngày 16-9 chỉ ra một tuyên bố với lời lẽ tiết chế rằng đến nay vẫn còn quá ít thông tin về AUKUS cũng như mục tiêu, phương hướng phát triển của liên minh mới này.

Tuy nhiên, khi có thêm nhiều thông tin hơn về việc thành lập liên minh AUKUS, giọng điệu của giới chức Nga bắt đầu thay đổi. Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev tuần trước đã gọi thẳng AUKUS là “NATO của châu Á”, cho rằng Washington sẽ cố gắng lôi kéo thêm các nước khác tham gia liên minh.

Đội danh dự Trung Quốc cầm cờ Trung Quốc và Nga trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6-2018. Ảnh: REUTERS

Đội danh dự Trung Quốc cầm cờ Trung Quốc và Nga trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6-2018. Ảnh: REUTERS

Trong trường hợp Nga và TQ siết chặt quan hệ sau vụ AUKUS, có thể công nghệ tàu ngầm của Nga sẽ giúp các hạm đội tàu ngầm của TQ cải thiện năng lực tác chiến ở các vùng biển như Biển Đông. Tuy nhiên, sự cải thiện này vẫn không so bì được với kinh nghiệm thực chiến hàng chục năm của Mỹ và các đồng minh.

TS COLLIN KOH, ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore)

Bước đi tiếp theo của Nga đối với AUKUS

Trong bài viết cho trang tin The Conversation, PGS Alexey Muraviev thuộc ĐH Curtin (Úc) cho hay hiện các quan chức ngoại giao Nga và TQ đã trao đổi và liên lạc chặt chẽ với nhau về AUKUS.

Hai bên cùng chia sẻ lo ngại rằng việc Úc được Mỹ và Anh hỗ trợ xây dựng hạm đội tàu ngầm hạt nhân sẽ ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân và có nguy cơ thổi bùng một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm.

Vậy Nga trong ngắn hạn sẽ có những lựa chọn nào để phản ứng lại AUKUS? Ông Muraviev cho rằng do quan điểm của Moscow lúc này vẫn đánh giá AUKUS là một rủi ro chính trị và quân sự chứ chưa phải là mối đe dọa thực sự cho đến khi Mỹ - Anh - Úc có những hành động cụ thể hơn. Chính vì vậy, các phản ứng tức thời của Nga nhiều khả năng chỉ giới hạn trong việc vận động chính trị và chớp lấy cơ hội sẵn có.

Đơn cử, Nga có thể xem thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân trong khuôn khổ AUKUS là một tiền lệ và động lực mở đường cho nước này tăng cường quảng bá rộng rãi công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân có nhiều ưu điểm của mình cho các bên quan tâm trong khu vực.

“Đây không chỉ là giả thuyết suông mà nó đã được các chuyên gia có liên hệ chặt chẽ với Bộ Quốc phòng Nga đề xuất. Trước giờ Nga luôn từ chối chia sẻ công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân - vốn được đánh giá là một trong những công nghệ tốt nhất trên thế giới, vượt qua cả năng lực đóng tàu ngầm hạt nhân non trẻ của TQ, vì lý do an ninh quốc gia” - ông Muraviev cho hay.

Do đó, nếu Nga quyết định quảng bá tàu ngầm hạt nhân trên thị trường vũ khí toàn cầu thì nước này chắc chắn sẽ không thiếu khách hàng, với điều kiện công nghệ của Nga an toàn và ổn định. Đây là một thị trường còn mới nên cơ hội cho Nga là đáng kể bởi nhiều nước ở các vùng bất ổn có nhu cầu nâng cấp năng lực quốc phòng. Các chuyên gia cho rằng ngoài việc bán được công nghệ, Nga còn có thể kiếm thêm nhiều đối tác chiến lược tiềm năng để hy vọng có thêm hậu thuẫn trong cuộc cạnh tranh với Mỹ và các đồng minh.

Yếu tố Trung Quốc trong tính toán dài hạn của Nga

Dù vậy, ông Muraviev cho rằng về dài hạn thì Moscow vẫn sẽ không bỏ qua một thực tế rằng: Thỏa thuận AUKUS mới đang liên kết hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân (Anh, Mỹ) và một nước khác cũng chuẩn bị có khả năng hạt nhân. Năng lực và tầm hoạt động mở rộng của các tàu ngầm hạt nhân sẽ giúp Úc duy trì hiện diện quân sự mạnh mẽ không chỉ ở AĐD-TBD mà có thể lan ra cả khu vực phía tây và tây bắc Thái Bình Dương - sân nhà của các hạm đội Nga.

Thậm chí, nếu hệ thống tấn công trên các tàu ngầm này có thể vươn xa tới vùng Viễn Đông hoặc Siberia của Nga thì đó chắc chắn sẽ là tín hiệu mà Moscow không còn có thể xem nhẹ nữa mà buộc phải hành động nhanh chóng.

“Là một cường quốc hạt nhân lâu năm, Nga chắc hẳn đã tính toán khả năng trên trong lúc hoạch định chiến lược mới rồi. Do đó, AUKUS và đặc biệt là Úc cần phải theo dõi chặt chẽ các hoạt động quân sự của Nga ở Thái Bình Dương trong những năm tới” - ông Muraviev nhận định.

Ngoài ra, một kịch bản đáng chú ý là Nga và TQ có thể nhích lại gần nhau và thành lập một cơ chế gần giống một liên minh quân sự để chống lại sức mạnh tổng hợp của liên minh AUKUS. Trong bối cảnh quan hệ quốc phòng Nga - Trung ngày càng sâu sắc với sự xuất hiện dày đặc các cuộc tập trận chung giữa hai nước, kịch bản này không có vẻ gì là quá khó xảy ra.

Dù rằng liên minh tiềm tàng này khó có thể trở thành một liên minh chính thức vì giữa hai nước vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt về chiến lược và lợi ích, song nếu Nga và TQ thực sự phối hợp các hoạt động hải quân thì đó là một diễn biến bất lợi cho AUKUS, theo ông Muraviev. Trong trường hợp căng thẳng leo thang, Moscow và Bắc Kinh có thể nhắm mục tiêu vào Úc như là mắt xích yếu nhất của AUKUS và tấn công phủ đầu nước này. Một bài xã luận gần đây của tờ Hoàn Cầu thời báo - phụ san của tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản TQ - thậm chí gọi Úc là “mục tiêu tiềm năng cho một cuộc tấn công hạt nhân”.

“Một khi chấp nhận tham gia cuộc đua tàu ngầm hạt nhân ở AĐD-TBD thì Úc sẽ trở thành một phần của một nhóm rất ít các nước sở hữu loại vũ khí này với các rủi ro an ninh kèm theo khó tránh khỏi. Điều này có khả năng dẫn đến một cuộc “chiến tranh lạnh kiểu mới trên biển” trong khu vực” - ông Muraviev kết luận.

Nga tăng cường tàu ngầm hạt nhân

Theo PGS Alexey Muraviev, trong năm tới, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga dự kiến sẽ tiếp nhận ít nhất thêm ba tàu ngầm hạt nhân. Hai chiếc trong số này là tàu ngầm thế hệ thứ tư lớp Yasen-M, có công nghệ vượt trội so với các tàu ngầm tương tự mà TQ đang đóng và sức mạnh gần như tương đương với những tàu ngầm hạt nhân mới của Mỹ mà Úc đang xem xét lựa chọn. Chiếc thứ ba là tàu ngầm Belgorod lớp Oscar II được nâng cấp để mang theo những siêu ngư lôi hạt nhân có khả năng phá hủy các căn cứ hải quân lớn.

Ông Muraviev dự đoán đến năm 2028, hải quân Nga sẽ sở hữu một lực lượng với ít nhất 14 tàu ngầm hạt nhân và sáu tàu ngầm tấn công thông thường ở Thái Bình Dương. Nếu Nga bắt đầu xem AUKUS là một mối đe dọa quân sự thực thụ thì địa bàn hoạt động của nhóm tàu ngầm này cũng có thể được mở rộng ra Biển Đông và xa hơn nữa.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/kha-nang-ngatrung-lien-thu-doi-pho-truc-myanhuc-1017908.html