Khắc chế mặt yếu của nông sản Việt trên 'đường đua' quốc tế

Bài học xương máu mà nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản đang phải đối mặt là giá bán quá cao nên khó thuyết phục người mua. Để khắc chế mặt yếu của nông sản Việt trên 'đường đua' quốc tế không chỉ cần giảm giá thành mà còn cần các DN phải giải quyết được những 'bài toán' như tận dụng những lợi thế vốn có, hiểu thị trường một cách chủ động và bài bản hơn, chinh phục bằng sản phẩm mới chế biến sâu, bán hàng qua công nghệ mới nổi, xây dựng kho ngoại quan…

Bà Trương Thị Minh Hương, Trưởng Phòng kinh doanh của CTCP Good Link (chuyên xuất khẩu các sản phẩm từ trái dừa), cho biết mới đây khi tham dự một hội chợ quốc tế về rau quả thì có đối tác đặt yêu cầu báo giá xuất khẩu (XK) dừa trái từ Việt Nam đi sân bay Heathrow (London, Anh). Thế nhưng, khi kiểm tra giá cước vận chuyển cho chuyến hàng này cho thấy lên tới mức 3,8 USD cho một kg dừa. Chi phí như vậy là quá cao, làm cản trở quá trình XK.

Giá cả quá cao khó thuyết phục người mua

Theo bà Hương, với chi phí vận chuyển cao cùng với nhiều chi phí khác dẫn đến tăng giá thành của trái dừa, khiến cho nhà thu mua quốc tế chọn lựa mua dừa ở quốc gia khác có chi phí cạnh tranh hơn.

Giá cước vận chuyển dừatrái từ Việt Nam đi sân bay Heathrow (London, Anh)lên tới mức 3,8 USD/kg làm cản trở quá trình xuất khẩu của DN.

Do đó, qua trao đổi với VnBusiness, người phụ trách kinh doanh của Good Link bày tỏ mong muốn Nhà nước có một kế hoạch hỗ trợ chi phí logistics các DN xuất khẩu nông sản để gia tăng sức cạnh tranh. Còn thực tế như hiện tại, với giá cước vận tải biển đang tăng quá cao khiến cho nông sản Việt khó cạnh tranh so với các quốc gia khác như Thái Lan hay Ấn Độ.

Còn theo chia sẻ của ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC), khi tham dự Hội chợ Quốc tế Thủy sản Boston (Mỹ) trong tháng 3/2024, có gặp không ít khách hàng thì đều nhận phản hồi khá tương đồng là tôm Việt nói chung có chất lượng rất tốt nhưng giá cả quá cao.

Như phản ánh của các khách hàng tại Mỹ, tôm Indonesia trước đây giá cũng cao, nay họ đã cho giá mềm cạnh tranh tôm Ấn Độ, chỉ còn giá tôm Việt là khó thuyết phục người tiêu dùng.

Quan sát từ hội chợ thủy sản ở Boston, như băn khoăn của ông Lực, giá cao hơn cả 1-2 USD/kg quả là rắc rối. Khi nhìn vào các catalog giới thiệu sản phẩm các DN nhà trưng bày tại hội chợ mới thấy sự đa dạng hóa sản phẩm rất rõ nét. DN chế biến tôm giờ làm thêm há cảo, xíu mại…; DN cá làm thêm nông sản, thêm bánh…Tất cả là hàng chế biến cao, giá cũng cao.

Ông Lực đặt ra dấu hỏi “làm sao giải quyết được vấn đề ?”. Theo đó, ngoài việc nắm bắt thị hiếu, xu thế người tiêu dùng, mẫu mã sản phẩm... cần thêm giải pháp căn cơ, bền vững là giảm giá thành tôm nuôi. Đây là câu chuyện rất cũ nhưng rất thời sự.

Có thể nói giá thành cao do các loại chi phí sản xuất, logistics, vốn vay đều ở mức cao đang là điểm yếu lớn của nông sản Việt trên “đường đua” quốc tế.

Đơn cử như vấn đề về chi phí tài chính ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, trong Sách Trắng 2024 của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) có bày tỏ quan ngại tiềm tàng với Việt Nam là các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác cùng với các Bộ Ngành liên quan cần tiếp tục nâng cao hiểu biết của DN về các lợi ích của vốn lưu động cho toàn bộ hệ sinh thái của DN, từ nhà cung cấp đến nhà phân phối, người mua và đến khách hàng cuối, điều này sẽ có lợi cho nền kinh tế.

“Quan trọng hơn, việc sử dụng nhiều phương án tài trợ vốn lưu động hơn như tài trợ chuỗi cung ứng hoặc tài trợ nhà phân phối so với các phương án cho vay thông thường sẽ giảm chi phí tài chính cho DN cũng như giảm thiểu rủi ro một cách hiệu quả hơn”, phía EuroCham gợi ý.

Còn nhiều “bài toán” phải giải quyết

Ngoài vấn đề về giá thành cần phải khắc chế, để nông sản Việt cạnh tranh tốt hơn trên thị trường toàn cầu đang đòi hỏi các DN cần phát huy những lợi thế vốn có.

Như chia sẻ của ông Nguyễn Thành Huy – nguyên tùy viên thương mại phụ trách Thương vụ Việt Nam ở Thái Lan, so với những đối thủ lớn, Việt Nam sở hữu vùng nguyên liệu nông sản đặc sắc và đa dạng. Đây là giá trị giúp cho sản phẩm nông sản của DN Việt có điểm nhấn, có dấu ấn riêng. Nếu DN biết khai thác có thể tăng giá trị cho sản phẩm nông sản khi XK.

Mặt khác, ông Huy cho biết xu hướng tiêu dùng thực phẩm xanh phù hợp với nhiều DN Việt. Có thể thấy, mỗi vùng nguyên liệu nông sản là một bài thuốc nam. Nếu DN trong nước tận dụng được “vũ khí” này để tạo sự khác biệt thì có thể tạo được xu hướng chung cho cộng đồng người tiêu dùng quốc tế.

Trong khi đó, với kinh nghiệm của nhà XK bánh sang một số thị trường cao cấp, ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc CTCP Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), nói rằng cần phải liên tục cải tiến để cho ra những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, tạo ra những trải nghiệm mới cho khách hàng quốc tế là rất quan trọng.

Ông Lực cho biết công ty luôn coi trọng tìm kiếm các nguyên liệu từ nông sản Việt Nam đưa vào trong các dòng bánh của mình. Và nhiều dòng sản phẩm mới được công ty làm xong xuôi sẽ ưu tiên đẩy đi nước ngoài trước, xuất đi Nhật Bản, Singapore…Những thị trường này yêu cầu chất lượng rất khắt khe nhưng phía công đã làm cho họ hài lòng.

Còn với góc nhìn của một nhà XK hàng đầu về các loại trái cây sấy sang những thị trường lớn, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT CTCP Vinamit, nhấn mạnh rằng để cạnh tranh bán hàng ở thị trường Trung Quốc hay thị trường 1,4 tỷ dân như Ấn Độ đòi hỏi các nhà XK nông sản Việt phải có hiểu biết nhiều hơn để đi vào thị trường một cách chủ động và bài bản hơn.

“Chúng ta giờ phải nghĩ đến chuyện ngồi ở Việt Nam livestream (phát trực tiếp) bán hàng nông sản cho người Trung Quốc, Ấn Độ. Để làm chuyện đó thì chúng ta phải làm quen, phải tập bán hàng ngay từ bây giờ”, ông Viên nói.

Hoặc như việc Trung Quốc đang xây những kho ngoại quan tại biên giới, để chuẩn bị làm livestream bán hàng vào thị trường Việt Nam. Theo ông Viên, các DN Việt đừng vì thế mà lo lắng, thay vào đó họ cần xây dựng những kho ngoại quan như thế để bán nông sản lại cho phía Trung Quốc và cũng đưa hàng vào kho ngoại quan.

Hay như việc các cảng của Trung Quốc cũng đang xây những kho ngoại quan để chuẩn bị cho phương thức kinh doanh mới, đi từ nhà máy đến ngay khách hàng. Cho nên các nhà XK nông sản Việt cũng nên học hỏi chuyện này.

Có thể thấy rằng, vẫn còn nhiều “bài toán” phải giải quyết để khắc chế mặt yếu của nông sản Việt nhằm cạnh tranh tốt hơn trên “đường đua” quốc tế. Đó là giảm giá thành, giảm các loại chi phí (vốn vay, sản xuất, logistics), tận dụng các lợi thế vốn có, chinh phục thị trường bằng sản phẩm mới chế biến sâu, bằng việc bán hàng qua những công nghệ mới nổi, đầu tư xây dựng những kho ngoại quan…

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/khac-che-mat-yeu-cua-nong-san-viet-tren-duong-dua-quoc-te-1098969.html