Khắc phục bất cập trong phòng cháy, chữa cháy với nhà ở kết hợp kinh doanh

Trước tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp tại khu dân cư trong thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần quy định cụ thể, đánh giá kỹ lưỡng hơn tác động và tính khả thi của các quy định về điều kiện phòng cháy, chữa cháy với các loại hình nhà ở, khắc phục bất cập trong phòng cháy, chữa cháy với nhà ở kết hợp kinh doanh và cho lưu trú.

Không nên áp dụng chung điều kiện phòng cháy, chữa cháy với mọi loại hình nhà ở, cơ sở kinh doanh

Các đại biểu Quốc hội ghi nhận, dự thảo Luật đã kế thừa, bổ sung các quy định để khắc phục những vướng mắc, bất cập và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động phòng cháy. Trong đó, bổ sung quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và nâng cao hơn nữa yêu cầu, trách nhiệm trong việc quản lý, cung ứng, sử dụng điện và thiết bị điện có liên quan đến cháy, nổ.

ĐBQH Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) nhận thấy, dự thảo Luật đã bổ sung điều kiện cơ bản về bảo đảm an toàn phòng cháy đối với các loại hình nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh như hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng phải bảo đảm an toàn phòng cháy; chất dễ gây cháy nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt… Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy nhà dân gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, nguyên nhân chính xuất phát từ chính ý thức của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy trong chính ngôi nhà của mình. Trong đó, có nhiều vụ cháy xảy ra trong đêm khi cả gia đình đang ngủ hoặc khi người lớn không ở nhà, nếu được cảnh báo kịp thời thì hậu quả đã có thể không xảy ra. Do đó, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Trần Thị Thu Phước đề nghị, cần có những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người dân trong việc bảo đảm điều kiện phòng cháy, chữa cháy tại nhà như việc phải lắp đặt các thiết bị phát hiện khói, cảnh báo cháy, chữa cháy trong nhà...

Khoản 2 Điều 17 dự thảo Luật quy định điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh thực hiện theo quy định về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở (tại khoản 1 Điều 17) và phải có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để ở với khu vực kinh doanh. Góp ý vào nội dung này, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị, khi đưa ra các quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm an toàn phóng cháy đối với nhà ở, cần có các quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật riêng đối với nhà ở từng khu vực: thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa… nhằm bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn. Đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn tính khả thi của giải pháp ngăn cháy giữa khu vực ở và khu vực kinh doanh; đặc biệt, cần điều tra, khảo sát, đánh giá tác động cụ thể, kỹ lưỡng, nhất là đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh để quy định chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu

Cùng quan điểm, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc quy định chung một quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, áp dụng chung cho nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh hay các cơ sở sản xuất, kinh doanh là chưa hợp lý và đề nghị cân nhắc chọn giải pháp phù hợp. Trong tình hình hiện nay, việc xảy ra cháy, nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là ở các thành phố lớn. Những nơi xảy ra cháy thường là những khu dân cư xuống cấp; nơi kinh doanh dịch vụ karaoke; nhà trọ mini; cơ sở sản xuất, kinh doanh chất dễ cháy; nhà trong hẻm, ngõ, ngách; nơi chứa chất dễ cháy… Đây cũng là những nơi chữa cháy rất khó khăn. Từ thực tế này, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, cần quy định khắt khe hơn về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy đối với các loại hình nhà ở, cơ sở sản xuất, kinh doanh dễ xảy ra cháy, nổ; đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh ít có nguy cơ xảy ra cháy, dễ thực hiện công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn thì quy định phòng cháy an toàn, hợp lý; đối với các cơ sở khác thì nên quy định có dụng cụ chữa cháy... Quy định như vậy sẽ giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân.

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tránh phiền hà cho người dân, doanh nghiệp

Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy đã góp phần không nhỏ vào việc định hình hệ thống quy định kỹ thuật nền tảng về an toàn cháy cho nhà và công trình, giảm rủi ro và thương vong cho con người. ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) khẳng định, không thể phủ nhận lợi ích của hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy, song cũng có những bất cập. Theo thống kê, các bộ, ngành đã xây dựng tổng cộng trên 230 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia có hiệu lực, trong đó có trên 100 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia chuyên về phòng cháy, chữa cháy và 130 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia có nội dung liên quan đến phòng cháy, chữa cháy. Có những quy chuẩn kỹ thuật vừa được ban hành đã được thay thế bằng tiêu chuẩn mới, cụ thể là 3 năm, 3 quy chuẩn. “Chỉ riêng việc đọc và hiểu các thay đổi trong những quy định trên cũng đã rất vất vả, chưa nói đến việc triển khai thực hiện. Một số tiêu chuẩn, quy chuẩn thiếu thực tế và không có tính khả thi khi thực hiện”. Nêu vấn đề này, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy để bảo đảm tính thống nhất khi thực hiện, tránh phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) phát biểu

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) phát biểu

Thực tế cho thấy, một trong những vướng mắc, bất cập trong thời gian qua là công tác quản lý trên nhiều lĩnh vực của các cơ quan chức năng chưa thực sự hiệu quả, để xảy ra tình trạng xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ với nhiều tầng, nhiều căn hộ không tuân thủ quy định pháp luật. Ví dụ như xây dựng nhà không theo quy hoạch, không phép, sai phép, không bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, nhất là tự ý nâng tầng, bố trí nhà ở thành nhiều căn hộ, phòng nhằm mục đích kinh doanh… dẫn đến nhiều hệ lụy, tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố mất an toàn cho các công trình nhà ở. Nêu thực tế này, đại biểu Trần Thị Thu Phước cho rằng, việc khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên để bảo đảm an toàn cho người và tài sản trong quá trình khai thác, sử dụng không đơn giản. “Có trường hợp phải đập đi xây lại mới đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy; một số tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc về phòng cháy, chữa cháy quá cao chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam”, đại biểu nói.

Trước tình hình trên, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để giải quyết các công trình hiện hữu chưa bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy; giao bộ, ngành tham mưu Chính phủ có giải pháp bổ sung, giải pháp thay thế các quy định hiện hành để tháo gỡ vướng mắc cho từng nhóm công trình theo hướng tiết kiệm nhất cho chủ công trình nhưng vẫn bảo đảm phòng cháy, chữa cháy cũng như an toàn về phòng cháy cho người và tài sản. Ghi nhận điểm tích cực này, song đại biểu Trần Thị Thu Phước đề nghị, sau khi Luật được thông qua, Chính phủ cần kịp thời ban hành các kế hoạch để triển khai thực hiện nhanh chóng; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ của chính sách trên. “Vì thêm mỗi phút trôi qua mà các bộ, ngành, địa phương chưa ban hành hướng dẫn để gỡ vướng mắc trên thực tiễn là thêm mỗi phút các cơ sở đang gặp vướng mắc đối mặt với các nguy cơ thiệt hại to lớn về tính mạng, tài sản do cháy gây ra”.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/khac-phuc-bat-cap-trong-phong-chay-chua-chay-voi-nha-o-ket-hop-kinh-doanh-i377154/