Khắc phục kịp thời sự cố đê điều
Dù chưa bước vào mùa mưa bão song tại một số tuyến đê trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã xuất hiện sự cố, điểm bị sạt, trượt khối lượng lớn, đe dọa đến an toàn đê. Trước thực tế đó, ngành chức năng, chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng phương án, triển khai các bước xử lý sự cố ngay từ giờ đầu.
Nhiều khu vực bị sạt lở
Mưa lớn liên tiếp thời gian qua làm sạt, trượt mái bờ sông tại tuyến đê bối thuộc thôn Trung Phố, xã Mỹ Hà (Lạng Giang). Cung sạt theo phương thẳng đứng dài 25 m, chiều sâu khối sạt từ sân nhà ông Vương Quang Dũng, thôn Trung Phố đến mặt nước sông Thương khoảng 9- 10 m. Bên cạnh cung sạt còn có cống qua đê thoát nước của hồ Chằm Chóc từ phía đồng ra sông đã xây dựng từ lâu, cống bị xuống cấp (đáy cống bị hư hỏng, vỡ nát); xuất hiện thấm nước từ hồ qua đê ra mái bờ sông.
Sự cố này ảnh hưởng trực tiếp vào phần đất, nhà và công trình phụ của gia đình ông Dũng. “Sáng 1/5, khi cả nhà thức dậy, chúng tôi phát hiện 2 vết nứt trên sân nên đi kiểm tra khu vực xung quanh và phát hiện sạt, trượt. Sau khi báo chính quyền địa phương, nhà tôi được hướng dẫn, hỗ trợ sơ tán người, tài sản có giá trị đến nơi an toàn”, ông Dũng nói.
Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh không xảy ra sự cố đê điều gây hậu quả nghiêm trọng song nguy cơ mất an toàn tại các tuyến đê luôn hiện hữu. Tại huyện Yên Dũng có 3 con sông lớn chảy qua cùng gần 100 km đê (từ cấp II đến cấp V) và 10 km kênh Nham Biền. Vào mùa mưa bão, lưu lượng nước trên các sông lớn, có thể lên rất nhanh, trong khi các tuyến đê có nhiều lớp và phân tầng nên nguy cơ sạt lở cao.
Cuối năm 2021, tại kè Miếu Cụ trên đê tả Thương thuộc xã Xuân Phú xảy ra sự cố sạt, trượt tại nhiều vị trí khác nhau. Tương tự tuyến đê hữu Thương đoạn từ K2+000 đến K14+700 (thuộc huyện Tân Yên) có địa hình thế sông, bờ khá phức tạp, nhiều đoạn sông cong, hẹp, lòng sông sâu, một số vị trí mái đê đồng thời là mái kè sát sông, cấu trúc địa chất chủ yếu là đất cát pha có độ kết dính thấp, nền yếu.
Tại khu vực này, những năm gần đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh đầu tư hàng chục tỷ đồng xử lý khẩn cấp sự cố sạt trượt mái đê, kè, mái bờ sông. Tuy nhiên, các sự cố mới vẫn xuất hiện. Từ trung tuần tháng 11/2021 đến tháng 4/2022, trên đê hữu Thương đoạn thuộc xã Liên Chung (Tân Yên) xảy ra 3 sự cố sạt trượt chân đê phía sông.
Mới đây, ngày 7/4, đoạn từ K14+550 đến K14+700 khu vực bến đò Mom xảy ra sự cố sạt, trượt chân, mái kè. Vị trí bị sạt trượt dài hơn 50 m, đỉnh cung sạt trượt ăn sâu vào chân, mái kè từ 3,6 đến 5 m, tạo vách đứng từ 0,5 đến 1 m.
Tập trung xử lý, phòng ngừa sự cố
Nhằm chủ động ứng phó với các tình huống, ngay khi phát hiện sự cố sạt trượt, ngành chức năng, chính quyền các địa phương phối hợp xử lý khẩn cấp từ giờ đầu; đồng thời xây dựng phương án khắc phục.
Qua rà soát, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh xác định trên địa bàn có 16 trọng điểm đê; 7 tuyến đê, 3 kè, 12 cống, 8 hồ đập trọng điểm xung yếu.
Tại sự cố ở bến đò Mom, Hạt quản lý đê Tân Yên phối hợp với UBND xã Liên Chung cắm biển cảnh báo khu vực xảy ra sự cố; cắm cọc tiêu, mốc để quan trắc, lập sổ theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt trượt.
Tương tự, khi sự cố đê bối tại xã Mỹ Hà xảy ra, cùng với sơ tán hộ ông Vương Quang Dũng, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương phối hợp lập barie, thông báo và yêu cầu các chủ bãi vật liệu quanh khu vực cấm phương tiện đi trên đê khu vực đang xảy ra sự cố.
Xây dựng phương án xử lý dứt điểm sự cố như: Chân kè được xử lý kiểu lăng thể tựa bằng đá hộc thả rối; gia cố mới mái kè toàn tuyến kết cấu đá hộc lát khan dày 30 cm trong hệ khung dầm bê tông cốt thép chia ô và thực hiện khóa đỉnh kè bằng dầm bê tông cốt thép M250.
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp, yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện xây dựng phương án xử lý, chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện để chủ động khi có những diễn biến ảnh hưởng đến an toàn đê.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình xử lý khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt, trượt chân, mái kè khu vực bến đò Mom với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng.
Đối với 2 sự cố sạt trượt còn lại tại kè Lãn Chanh 2 khu vực K12+800 đến K12+993 và sự cố sạt trượt chân đê phía sông khu vực K13+639 đến K13+945 thuộc tuyến đê hữu Thương huyện Tân Yên, UBND tỉnh có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Phòng, chống thiên tai quan tâm, hỗ trợ với kinh phí khoảng 16 tỷ đồng.
Ông Lê Thành Chung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông Nghiệp và PTNT) nói: “Bên cạnh xử lý sự cố đê điều ngay từ giờ đầu, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh xác định 16 trọng điểm đê; 7 tuyến đê, 3 kè, 12 cống, 8 hồ đập trọng điểm xung yếu từ đó có phương án chuẩn bị nhân lực, vật lực ứng phó.
Tuy nhiên, để giữ các tuyến đê an toàn, các địa phương cần sớm hoàn thành việc di dời bến bãi tập kết cát, sỏi không nằm trong quy hoạch; tổ chức lực lượng trực ban nghiêm túc khi mưa lũ xảy ra để phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/385482/khac-phuc-kip-thoi-su-co-de-dieu.html