Khắc phục nhiều bất cập trong lĩnh vực công thương
Chiều 10/7, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì cuộc làm việc với Sở Công thương Hà Nội về tình hình triển khai công tác chuyên môn 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại buổi làm việc.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, GRDP của thành phố ước tăng 7,63% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn 0,04 điểm % so với kịch bản). Trong đó, ngành công nghiệp và bán buôn, bán lẻ đóng góp 1,54 điểm % vào mức tăng 7,63% của GRDP, chiếm 20,2%.
Tuy nhiên, do tình hình chính trị thế giới, biến động thuế quan nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Chỉ riêng trong tháng 6, thành phố có 1.657 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 41,4% so với cùng kỳ năm trước, 573 doanh nghiệp giải thể, tăng 59,1%.
Trong 6 tháng cuối năm 2025, Sở Công thương Hà Nội phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu: Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp từ 7,15% trở lên, cả năm 2025 tăng trưởng từ 7% trở lên; Giá trị tăng thêm hoạt động bán buôn, bán lẻ tăng trưởng từ 10,6% trở lên, cả năm 2025 từ 8,79% trở lên.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ từ 14,53% trở lên, cả năm 2025 phấn đấu từ 14% trở lên; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ 1,3% trở lên, cả năm 2025 từ 7% trở lên. Bên cạnh đó, kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2025 thấp hơn hoặc bằng 5%...
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao năm 2025, tạo đà tăng trưởng cho giai đoạn 2026-2030 và những năm tiếp theo, Sở Công thương Hà Nội đề nghị thành phố xem xét bố trí kinh phí đầu tư công trong lĩnh vực chợ để bảo đảm nguồn kinh phí đầu tư, theo danh mục và tiêu chí tại các Chương trình của Thành ủy đã đề ra.
Cùng với đó, sớm phê duyệt Quy trình thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Sở Công thương Hà Nội cũng đề nghị, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường đẩy nhanh tiến độ hoàn thành giải phóng mặt bằng các thành lập giai đoạn 2018-2020 để triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật sớm đưa dự án vào hoạt động.
Các Sở, ngành gồm: Công an, Hải quan, Thuế, các đơn vị thuộc Sở Y tế, Sở Tài chính… phối hợp Sở Công thương xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm rõ trách nhiệm, thống nhất trong tổ chức thực hiện.
Sở Công Thương cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn thẩm định, trình thành phố quyết định giao đất, cho thuê đất đối với các cụm công nghiệp đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã thực hiện công tác theo thẩm quyền; đề nghị Sở Quy hoạch-Kiến trúc hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với các cụm công nghiệp đã được thành lập…

Sở Công thương Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, thành phố đặt mục tiêu trong năm nay và tăng trưởng 2 con số trong nhiệm kỳ tới. Do đó, đề nghị Sở Công thương tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ để đạt được mục tiêu đề ra.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền cũng chỉ đạo, sau sáp nhập, tổ chức lại bộ máy, Sở Công thương cần rà soát, hoàn thiện thêm về chức năng, nhiệm vụ. Trong công tác xây dựng Đảng phải duy trì sự đoàn kết, thống nhất, tăng cường tính kỷ cương, kỷ luật.
Trong các nhiệm vụ phục vụ Lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tới đây, Sở cần làm tốt các nhiệm vụ đã được giao, không để xảy ra sai sót.
Thứ tư, về lĩnh vực thương mại dịch vụ, ngành Công thương Thủ đô tiếp tục thúc đẩy, triển khai được các dự án mô hình outlet, chợ đầu mối; dứt khoát xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm; kêu gọi vốn đầu tư cho hạ tầng thương mại; đồng thời, nghiên cứu xây dựng ban quản lý chợ gắn với kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngành Công thương tiếp tục đẩy mạnh kích cầu để thúc đẩy tiêu dùng, để duy trì tối thiểu tốc độ tăng trưởng đề ra, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.
Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cần rà soát toàn bộ các cụm công nghiệp theo đúng quy định, nội dung dự thảo; Tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra, khắc phục các tồn tại, thúc đẩy sớm các cụm công nghiệp. Khi hạ tầng đã dần hoàn thiện thì cần quan tâm đến vấn đề “sáng, xanh, sạch, đẹp, thơm”, chú trọng vấn đề xử lý nước thải.
Sở cần xác định lại các sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố sao cho xứng tầm Thủ đô, hướng đến tầm khu vực và quốc tế.
Về hội nhập, xuất khẩu, cần phải tăng cường kết nối, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, các dự án chế biến sâu. Trong lĩnh vực quản lý thị trường, cần tăng cường trách nhiệm phân cấp theo địa phương quản lý. Hàng giả, hàng nhái, phải xử lý dứt điểm, mạnh tay.