Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở Phú Thọ
Mặc dù đã bước vào năm học mới, song tình trạng thiếu giáo viên tại Phú Thọ đang gây nhiều khó khăn trong công tác dạy và học. Ngành giáo dục tỉnh Phú Thọ đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, bảo đảm chất lượng dạy và học, nhất là việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, hiện nay tỉnh có 22.702 biên chế, trong đó có 18.873 giáo viên và 3.829 cán bộ quản lý, nhân viên tại các cơ sở giáo dục. Như vậy, so với quy định tại các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2022-2023, tỉnh Phú Thọ còn thiếu 3.309 giáo viên ở các cấp học. Trong đó, bậc Mầm non thiếu 2.442 giáo viên; bậc Tiểu học thiếu 484 giáo viên, còn lại là giáo viên phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Hiện nay, tỷ lệ giáo viên/lớp ở bậc mầm non trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 1,49/lớp (định mức theo quy định là 2,2 giáo viên/lớp); Tiểu học đạt 1,38/lớp (định mức theo quy định là 1,5 giáo viên/lớp); Trung học cơ sở và Trung học phổ thông cơ bản đáp ứng được đúng quy định các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Huyện Cẩm Khê là một trong những địa phương thiếu nhiều giáo viên nhất tỉnh Phú Thọ. Trong năm học này, huyện thiếu khoảng 700 giáo viên ở tất cả các cấp học. Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Khê Bùi Ngọc Luận cho biết, trong điều kiện thiếu giáo viên như hiện nay, một số đơn vị quy mô nhỏ (dưới 15 lớp) rất khó hợp đồng được giáo viên, nhất là chuyên ngành giáo dục Tiểu học và tiếng Anh.
Một số trường có tỷ lệ giáo viên đứng lớp quá thấp phải bố trí giáo viên dạy tăng buổi, hợp đồng thêm giáo viên. Để khắc phục khó khăn này, Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp các phòng chức năng tham mưu để Ủy ban nhân dân huyện tuyển thêm giáo viên hợp đồng, trong đó, ưu tiên cơ cấu môn thiếu nhiều; đồng thời, điều động một số giáo viên ở những nơi thừa sang đơn vị thiếu để bảo đảm mặt bằng lao động và bố trí sắp xếp mỗi giáo viên có thể dạy hai hoặc ba trường gần nhau để bảo đảm yêu cầu.
Huyện miền núi Thanh Sơn những năm qua cũng thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn học. Để khắc phục khó khăn huyện Thanh Sơn đã có nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn. Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Sơn Phạm Xuân Huy cho biết, do đặc thù huyện miền núi, quy mô trường lớp nhỏ nên gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí giáo viên theo tỷ lệ quy định; đồng thời, trong quá trình thực hiện, đội ngũ giáo viên có sự biến động dẫn đến có sự mất cân đối cơ cấu môn (thiếu giáo viên các môn khoa học tự nhiên và các môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018; dôi dư giáo viên các môn Ngữ văn, Mỹ thuật…) và tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các đơn vị trường.
Để khắc phục tình trạng trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện phương án bố trí, sắp xếp giáo viên từ các đơn vị dôi dư đến các đơn vị thiếu giáo viên để bảo đảm tỷ lệ giáo viên/lớp và cơ cấu bộ môn; đồng thời bố trí giáo viên giảng dạy 2 trường bảo đảm định mức lao động và phù hợp với điều kiện làm việc, sinh hoạt của giáo viên. Phòng sẽ động viên, bố trí sắp xếp mỗi giáo viên có thể dạy hai hoặc ba trường gần nhau hay tăng cường giáo viên Tin học ở cấp Trung học cơ sở sang dạy cho cấp Tiểu học, nhưng phải bảo đảm đủ cơ cấu số tiết, khoảng cách di chuyển giữa các trường phải thuận lợi, hợp lý…
Trước thực trạng trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ đã đề ra một số giải pháp khắc phục như phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố chỉ đạo rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm phù hợp, cân đối giữa các trường. Tranh thủ nguồn lực từ đề án, kế hoạch, chương trình mục tiêu... của Trung ương, địa phương và tăng cường công tác xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất trường học, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục mới.
Tỉnh kiến nghị trung ương bổ sung biên chế giáo viên mầm non để có thể tuyển dần, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của các giáo viên mầm non cũng như bảo đảm công tác dạy và học. Đồng thời, đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua việc nâng các mức hỗ trợ cho các giáo viên hợp đồng. Tuy nhiên, hiện tại, ngân sách còn khó khăn chưa thể đáp ứng được toàn bộ, cần phải huy động nguồn lực từ các địa phương.
Tuy nhiên, nếu tiếp tục tinh giản biên chế 10% theo quy định thì đến năm 2025, tỉnh Phú Thọ phải giảm 1.887 giáo viên. Như vậy, số giáo viên thiếu rất lớn gây khó khăn cho việc dạy và học, nhất là việc triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ Nguyễn Văn Mạnh cho biết, trước mắt, giải pháp tạm thời để dạy học trong năm 2022-2023 đối với môn Âm nhạc, Mỹ thuật là sẽ phải huy động giáo viên từ các trường khác, còn với các môn học khác buộc phải ký hợp đồng. Nhưng khi thực hiện theo chế độ này, giáo viên chỉ được bảo đảm bằng mức lương tối thiểu vùng. Bên cạnh đó, đào tạo tại chỗ số lượng giáo viên hiện có để phục vụ lâu dài. Đối với những giáo viên dôi dư có trình độ trung cấp Tin học được định hướng đi bồi dưỡng để dạy Tin học ở bậc tiểu học; đối với môn Âm nhạc, Mỹ thuật trước mắt sẽ phải huy động giáo viên từ các trường khác.
Cùng với đó, Sở sẽ tiến hành luân chuyển, điều động giáo viên môn đặc thù dạy liên trường, liên cấp để bảo đảm đủ giáo viên ở các môn học. Một số giáo viên có thể dạy hai trường trong cùng cấp hoặc kiêm nhiệm dạy hai cấp là Tiểu học, THCS hoặc THCS, THPT, các trường có thể linh hoạt áp dụng các giải pháp trước mắt này để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy cho năm học mới...
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khac-phuc-tinh-trang-thieu-giao-vien-o-phu-tho-post714224.html