Khắc phục triệt để các tồn tại trong công tác xây dựng pháp luật
Tại Nghị quyết số 16/NQ-CP phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1-2023 vừa được ban hành ngày 9-2, Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; có giải pháp khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật.
Chính phủ thống nhất điều chỉnh thời gian trình một số dự án luật như sau: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Địa chất và Khoáng sản; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Đưa 3 dự án luật này vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5-2024) và thông qua tại kỳ họp thứ tám (tháng 10-2024) để bảo đảm nguồn lực thực hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng các dự án luật và cân đối Chương trình năm 2023 và Chương trình năm 2024.
Luật Dân số (sửa đổi) đưa vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám (tháng 10-2024) và thông qua tại kỳ họp thứ chín (tháng 5-2025) để bảo đảm tính gối đầu của Chương trình năm 2024 và Chương trình năm 2025.
Chính phủ cũng thống nhất về sự cần thiết xây dựng Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước theo hướng sửa đổi toàn diện Luật Tài nguyên nước năm 2012 để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài nguyên nước, đáp ứng yêu cầu về quản lý tài nguyên nước hiệu quả, bền vững; khắc phục căn bản những bất cập, vướng mắc do quy định hiện hành; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và các cam kết đa phương, song phương của Việt Nam.
Nội dung chính sách của dự thảo Luật cần tập trung tăng cường phân cấp quản lý, gắn với phân bổ nguồn lực và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường công cụ kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Đồng thời, quy định cụ thể, đầy đủ về trách nhiệm của các bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan, bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, bỏ sót, tăng cường công tác phối hợp và cải cách thủ tục hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước...
Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Chính phủ cơ bản thống nhất với đề xuất của Bộ Công an về mục tiêu và nội dung 4 chính sách, trong đó lưu ý cần thống nhất về tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ, các biện pháp cảnh vệ khả thi, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng cường trang thiết bị hiện đại, có chế độ chính sách hợp lý để thực hiện các biện pháp cảnh vệ chủ động, hiệu quả trong tình hình mới; tăng cường quyền hạn của lực lượng cảnh vệ để bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng này, làm rõ nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ thực hiện ở địa phương để quy định phù hợp, bảo đảm không phát sinh tổ chức bộ máy mới, không làm tăng biên chế trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân theo đúng chủ trương của Đảng.
Bên cạnh đó, Chính phủ thống nhất sự cần thiết lập Đề nghị xây dựng Luật Việc làm. Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở tổng kết việc thi hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực việc làm, cần đánh giá, nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng hơn về kết quả đạt được, các hạn chế, bất cập, nguyên nhân và phân tích đầy đủ các căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn để bảo đảm sự hợp pháp, khả thi của những giải pháp được đề xuất tại các nhóm chính sách…