Khắc phục vướng mắc liên quan đến thanh toán chi phí thuốc bảo hiểm y tế

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, mặc dù những năm gần đây tỷ lệ thuốc trên tổng chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế liên tục giảm, song vẫn chiếm tỷ trọng chi tiêu lớn nhất từ quỹ bảo hiểm y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong những năm qua, thuốc luôn là cấu phần quan trọng và luôn chiếm tỷ lệ chi lớn trong tổng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Hiện nay, bên cạnh những mặt ý nghĩa tích cực mang lại, việc triển khai thực hiện Thông tư số 20/2022/TT-BYT liên quan đến việc chi trả chi phí thuốc cho người tham gia bảo hiểm y tế đã bộc lộ một số vấn đề hạn chế, vướng mắc cần phải điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã cho biết như vậy tại Hội thảo xây dựng Thông tư Quy định nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật, ghi thông tin, cấu trúc danh mục và hướng dẫn thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế do Bộ Y tế tổ chức ngày 25/10 tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, mặc dù những năm gần đây tỷ lệ thuốc trên tổng chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế liên tục giảm, song vẫn chiếm tỷ trọng chi tiêu lớn nhất từ quỹ bảo hiểm y tế.

Cụ thể, tổng chi tiền thuốc trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2020 là 40,42 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,75%; năm 2021 là 34,48 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,86%; năm 2022 là 40,57 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,41%.

Theo Giáo sư Trần Văn Thuấn, hiện nay, việc chi trả chi phí thuốc cho người tham gia BHYT thực hiện theo danh mục và quy định tại Thông tư số 20/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 của Bộ Y tế ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với các thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, có hiệu lực từ ngày 01/3/2023. Danh mục thuốc bao gồm: 1037 hoạt chất/thuốc hóa dược và sinh phẩm chia làm 27 nhóm lớn và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu.

“Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế (trong khi Danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại Thái Lan, Singapore, Philippin chỉ có 600-700 hoạt chất). Thực tế triển khai cho thấy việc thực hiện Thông tư số 20/2022/TT-BYT còn một số vấn đề hạn chế, vướng mắc cần phải điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế,” Thứ trưởng Bộ Y tế phân tích.

Đó là vướng mắc thuốc liên quan phân hạng sử dụng thuốc theo bệnh viện. Thông tư số 20/2022/TT-BYT đang phân hạng sử dụng thuốc theo hạng bệnh viện theo Luật Khám chữa bệnh 2009 (bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, hạng II, hạng III và hạng IV), một số nội dung hướng dẫn trong Thông tư số 20/2022/TT-BYT được xây dựng căn cứ vào tuyến chuyên môn kỹ thuật (các tuyến trung ương, tỉnh, huyện, xã). Vì vậy, cần sớm hướng dẫn thực hiện sử dụng thuốc, sửa đổi các quy định phù hợp với quy định về cấp chuyên môn trong Luật khám chữa bệnh mới thực hiện từ ngày 01/01/2025, bảo đảm phù hợp với yêu cầu chuyên môn, phạm vi hoạt động, điều kiện trang thiết bị và nhân lực của cơ sở.

 Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiếp đó là vướng mắc về thanh toán đối với chi phí hao hụt thuốc. Thông tư số 55/2017/TT-BYT có hiệu lực từ 01/03/2018 đã có hướng dẫn về nguyên tắc xác định hao hụt và thanh toán hao hụt nhưng không có hướng dẫn bóc tách chi phí hao hụt thuốc chung của toàn bệnh viện.

Mặt khác, hiện Thông tư 20/2022/TT-BYT chưa có nội dung quy định về việc thanh toán trong trường hợp chống chỉ định của thuốc. Điều này gây khó khăn cho cơ sở khám bệnh chữa bệnh vì mặc dù là trường hợp chống chỉ định nhưng nhiều trường hợp, hoàn cảnh (không còn lựa chọn thuốc khác thay thế, hoặc cần thiết phải sử dụng thuốc ngay để cứu người bệnh…) mà cơ sở khám chữa bệnh vẫn cần sử dụng cho người bệnh, tuy nhiên sau đó lại bị xuất toán.

Để từng bước khắc phục, hạn chế các vướng mắc liên quan đến thanh toán chi phí thuốc trong khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo việc cập nhật danh mục thuốc được thực hiện thường xuyên, liên tục, công khai, minh bạch và thuận lợi cho các đơn vị thực hiện, Bộ Y tế đã triển khai xây dựng dự thảo 2 thông tư.

Đó là dự thảo Thông tư quy định nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật, ghi thông tin, cấu trúc danh mục và hướng dẫn thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế đồng thời cập nhật các thông tin về việc xây dựng Thông tư ban hành danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận và cùng tham gia đóng góp ý kiến để để Bộ Y tế tổng hợp hoàn thiện các dự thảo cho phù hợp với thực tiễn, góp phần sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; đáp ứng nhu cầu điều trị, phù hợp với cơ cấu bệnh tật, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế; người bệnh được tiếp cận với thuốc có chất lượng, thuốc có hiệu quả điều trị./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/khac-phuc-vuong-mac-lien-quan-den-thanh-toan-chi-phi-thuoc-bao-hiem-y-te-post987380.vnp