Khách du lịch Trung Quốc đã khác xưa
Các chuyên gia nhận định sự gia tăng nhu cầu du lịch của người dân Trung Quốc được dự báo là cú hích lớn cho xu hướng du lịch bền vững trên toàn cầu.
Số lượng người dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài bắt đầu tăng trở lại kể từ khi quốc gia Đông Á này dỡ bỏ các chính sách phong tỏa sau đại dịch Covid-19 vào đầu năm nay. Mặc dù vậy, "ngành công nghiệp không khói" của nước này vẫn chưa khôi phục hoàn toàn kể từ năm 2019, thời điểm du khách Trung Quốc chiếm 14% tổng chi tiêu cho du lịch trên toàn cầu.
Theo South China Morning Post, thị trường du lịch Trung Quốc đã bị đóng băng trong vòng 3 năm áp dụng các lệnh phong tỏa, khi người dân chỉ đi du lịch trong nước hoặc không đến bất kỳ địa điểm nào.
Tuy hoạt động du lịch nước ngoài không thể được khôi phục hoàn toàn cho đến cuối năm nay hoặc đầu năm 2024, một điểm tích cực chính là sự gia tăng nhu cầu du lịch trải nghiệm thân thiện với môi trường và ít gây hại cho hành tinh.
Sự gia tăng nhu cầu du lịch bền vững
"Tôi cảm thấy lạc quan rằng Trung Quốc sẽ trở lại vị trí thị trường nguồn đứng đầu và sự phục hồi của ngành du lịch toàn cầu sẽ mang tính bền vững", Wolfgang Georg Arlt, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Du lịch Nước ngoài của Trung Quốc tại thành phố Hamburg (Đức), cho biết.
Viện nghiên cứu này đã giúp các điểm đến và hãng lữ hành trên toàn cầu thu hút khách du lịch Trung Quốc trong 20 năm qua.
Theo ông Arlt, trong quá khứ, du khách Trung Quốc thường di chuyển theo nhóm lớn, khiến họ mang tiếng xấu là những người làm tổn hại hệ sinh thái trên thế giới. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều du khách từ quốc gia Đông Á này chọn di chuyển theo nhóm nhỏ và lưu trú tại một địa điểm theo tour du lịch trọn gói.
"Tư tưởng cũ cho rằng người Trung Quốc thường đi theo nhóm lớn và chỉ ăn các món của nước họ khi ra nước ngoài đang dần biến mất", ông Arlt nhận định.
Thay vào đó, khách du lịch từ Trung Quốc chọn những loại hình du lịch thiên nhiên, chơi golf, cắm trại trong rừng hoặc trải nghiệm văn hóa bản địa thông qua hình thức ở nhà người dân địa phương.
Các quốc gia Nam Á, Đông Nam Á và châu Âu đang trông đợi vào sự hồi phục từ thị trường du lịch Trung Quốc. Tuy nhiên, họ sẽ phải có những điều chỉnh để đáp ứng với nhu cầu của một thế hệ du khách Trung Quốc mới có ý thức cao hơn về môi trường.
Những công ty lữ hành cần phải cung cấp trải nghiệm văn hóa bản địa một cách chân thực nhất, đồng thời cởi mở hơn với ý tưởng du khách sẽ đi mua đồ ăn với đầu bếp của khách sạn hoặc cùng nấu những món ăn bản địa với họ.
Theo ông Arlt, ngày càng nhiều người Trung Quốc nói tiếng Anh hoặc có ứng dụng trên điện thoại giúp họ giao tiếp với người dân địa phương.
Các khách sạn, nếu muốn thu hút thế hệ khách du lịch mới này từ Trung Quốc, cần phải cho thấy những nỗ lực bảo vệ môi trường thông qua sử dụng năng lượng tái tạo và tái chế rác thải nhựa.
Các thị trường du lịch nước ngoài đã tỏ ra lo lắng vì tốc độ hồi phục chậm trong số lượng khách du lịch Trung Quốc. Tuy nhiên, họ không nhận ra rằng việc số lượng du khách tăng chậm đến từ những khó khăn trong quá trình cấp thị thực và tình trạng thiếu máy bay.
Trong 5 ngày của "Tuần lễ vàng" vào tháng 5, số lượng khách du lịch nội địa ở Trung Quốc đã có thời điểm trở lại mức tương đương so với trước đại dịch. Đây là dấu hiệu thể hiện rằng làn sóng du lịch nước ngoài của người dân Trung Quốc sẽ được khôi phục trong những tháng tới.
Theo bà Kelly Shen, Giám đốc kinh doanh phụ trách phong cách sống và du lịch của Gutso Collective - một tập đoàn công nghệ lớn, đã có những dấu hiệu cho thấy du khách Trung Quốc ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động du lịch bền vững.
"Một số công ty lữ hành Trung Quốc đang đầu tư và rao bán các gói du lịch bền vững, khuyến khích xu hướng du lịch xanh", bà chia sẻ.
Cơ hội cho ngành du lịch Đông Nam Á
Theo Bloomberg, sự phục hồi của xu hướng du lịch nước ngoài của người dân Trung Quốc vẫn còn trong giai đoạn đầu nhưng đã tạo ra ảnh hưởng tích cực tại một số quốc gia như Thái Lan, nơi khách du lịch từ quốc gia Đông Á đã đạt mức một triệu người kể từ đầu năm nay.
Ông Honggen Xiao, giáo sư thuộc trường Khách sạn và Quản lý Du lịch tại Đại học Bách khoa Hong Kong, nhận định rằng khu vực Đông Nam Á có lợi thế hơn những điểm đến khác như Bắc Mỹ và châu Âu do "có khoảng cách và nhiều điểm tương đồng về văn hóa với Trung Quốc".
Tuy nhiên, ngành du lịch của khu vực cần phải đảm bảo đáp ứng những nhu cầu mới của du khách.
"Chúng ta thấy ngày càng nhiều khách sạn và công ty lữ hành cố gắng đáp ứng tiêu chí hoạt động bền vững nhằm đảm bảo cam kết về làm du lịch có trách nhiệm", Hannah Pearson, giám đốc công ty tư vấn du lịch Pear Anderson cho biết.
Theo ông Arlt, xu hướng hoạt động bền vững cũng tạo ra cơ hội phát triển du lịch trong những tháng thấp điểm hoặc tại các địa điểm khác thường do du khách Trung Quốc ngày càng cởi mở hơn với những ý tưởng mới. Trong khi đó, các du khách từ châu Âu có sở thích du lịch cố định như đi biển vào mùa hè.
"Du khách Trung Quốc ngày càng coi tính bền vững là một tiêu chí quan trọng. Khu vực Đông Nam Á có thể trở thành trung tâm du lịch của cả châu lục do có nhiều tài nguyên thiên nhiên và danh lam thắng cảnh", bà Pearson dự đoán.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khach-du-lich-trung-quoc-da-khac-xua-post1435961.html