Khách quan, trung thực: Phẩm chất đạo đức hàng đầu của người làm báo

Nghề báo là một trong những nghề cao quý, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng dư luận, phản ánh thực tiễn xã hội và góp phần xây dựng đất nước. Nền tảng cho sự nghiệp cao quý này chính là tính khách quan, trung thực – phẩm chất đạo đức hàng đầu của người làm báo.

Khách quan, trung thực trong báo chí là sự phản ánh sự thật một cách chính xác, không thiên vị, không bóp méo thông tin, không che giấu sự thật, không xuyên tạc sự kiện. Nhà báo cần tính khách quan, trung thực chính là tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý, thúc đẩy phát triển của xã hội, nâng cao uy tín của báo chí.

Tác giả trao đổi thông tin trên Báo Lạng Sơn với các chiến sỹ Hải quân tại đảo Sinh Tồn nhân chuyến đi thăm, tặng quà các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa (năm 2019).

Tác giả trao đổi thông tin trên Báo Lạng Sơn với các chiến sỹ Hải quân tại đảo Sinh Tồn nhân chuyến đi thăm, tặng quà các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa (năm 2019).

Nhà báo viết tác phẩm thiếu trung thực sẽ làm mất niềm tin của bạn đọc, "bệnh" này có nhiều nguyên nhân. Có thể do nghiệp vụ còn "non" không phát hiện được các gương điển hình tiên tiến, nếu viết thật thì không có điển hình nên phải "phóng bút", "tô hồng" một nhân vật, một sự việc; hoặc có phóng viên trẻ mới vào nghề viết báo đã bịa thêm nhân vật vào nội dung bài viết của mình cho hấp dẫn, nghe thì hay, nhưng khi có ý kiến phản hồi của độc giả và điều tra lại thì nhân vật đó không có thật; có phóng viên chạy theo số lượng, miễn tác phẩm được đăng để hưởng nhuận bút nhưng chất lượng kém... Có những phóng viên ngại dấn thân, chưa tâm huyết để tìm hiểu kỹ càng những sự việc "mặt trái", những sự việc mà người dân, dư luận quan tâm để phản ánh đầy đủ, chính xác, dẫn tới có những việc đáng ra phải phê bình, lên án nhưng qua ngòi bút của một số nhà báo còn thiếu chữ Tâm, sự việc ấy lại trở thành được biểu dương...

Chúng ta đều biết, báo chí là một vũ khí tuyên truyền sắc bén, có tác dụng vô cùng to lớn đối với xã hội, bởi người ta tin ở tính trung thực của nó. Bằng thông tin đa dạng, nhiều chiều, hấp dẫn, báo chí sẽ thể hiện thực sự là tiếng nói tin cậy của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của Nhân dân, góp phần tích cực vào nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, mở rộng quan hệ với bạn bè trên thế giới, thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Từ trước đến nay, xã hội ta rất tôn trọng nghề báo và nhà báo. Thế nhưng trong cơ chế thị trường hiện nay, một số nhà báo và cộng tác viên đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bóp méo sự thật để vụ lợi.

Trước thực tế trên, để báo chí được Nhân dân tin cậy hơn nữa, những người làm báo rất cần đặt yếu tố khách quan, trung thực lên hàng đầu, tìm hiểu kỹ các sự kiện, tư liệu để có số liệu thực, sau đó chú ý phân tích, sàng lọc bằng kinh nghiệm của chính bản thân mình và so sánh với thực tế để không mắc phải bệnh "phóng bút" một cách tùy tiện. Mặt khác, những nhà báo đã công tác lâu năm trong nghề cần tiếp tục nêu gương sáng cho lớp trẻ về đạo đức nghề nghiệp và phương pháp phóng viên. Những nhà báo trẻ, mới vào nghề nên khiêm tốn học tập, rèn luyện tác phong làm việc tỉ mỉ, cần mẫn, thận trọng, tôn trọng sự thật; tránh xa lối viết mòn cũ, sáo rỗng, viết theo báo cáo, không điều tra, xác minh để thẩm định tư liệu và số liệu...

Tính khách quan, trung thực là phẩm chất đạo đức hàng đầu của người làm báo. Đây là nền tảng xây dựng nền báo chí lành mạnh, góp phần vào sự phát triển của xã hội. Mỗi nhà báo cần ý thức được tầm quan trọng của tính khách quan, trung thực và phải luôn nỗ lực để rèn luyện phẩm chất đạo đức cao quý này.

MAI VĂN HOA

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khach-quan-trung-thuc-pham-chat-dao-duc-hang-dau-cua-nguoi-lam-bao-5012315.html