Khách sạn khó bề xoay xở với công suất phòng chỉ 1%
Nhiều khách sạn tại TPHCM mở cửa hàng ngày với công suất phòng chỉ 1%, một số trong tình trạng khả quan hơn được 4-5%. Công suất phòng ở mức 'chết' buộc các nhà điều hành phải áp dụng hàng loạt biện pháp chưa từng có để giảm lỗ.
.
Mở cửa là lỗ nhưng...
Đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 2 trong cộng đồng đã đẩy cách doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn ở TPHCM vào tình trạng suy thoái chưa từng có. Số lượng khách sạn còn có thể mở cửa vốn đã ít nay lại càng ít hơn, công suất phòng đang ở mức rất thấp nay lại suy giảm tiếp, các sự kiện hội nghị, ẩm thực bị hủy hàng loạt.
"Công suất phòng cao nhất được 10%, hôm thì 3%, có hôm chỉ được 1%", một doanh nhân cảm thán với TBKTSG Online vào chiều ngày 20-8.
Khách sạn ba sao do doanh nhân này sở hữu nằm ở một con đường ngay trung tâm quận 1. Cuối tháng 7 vừa rồi, có những ngày công suất phòng đạt đến gần 30% làm nhiều nhân viên khấp khởi mừng, hy vọng có thể đi làm lại sau thời gian dài phải nghỉ vì khách sạn đóng cửa và không có khách. Thế nhưng, mọi hy vọng đã tiêu tan khi ca nhiễm Covid-19 thứ 416 được chính thức xác nhận vào ngày 25-7.
"Hiện doanh nghiệp chỉ còn hơn 50 người, chia nhau làm việc, chủ yếu là để bảo trì để cho cơ sở vật chất. Khách gần như không có nên cứ mở cửa là lỗ nhưng chúng tôi buộc phải mở vì trong lần đóng cửa trước, khách sạn xuống cấp rất nhanh", nữ doanh nhân trên nói.
Theo ghi nhận của TBKTSG Online, nhiều khách sạn còn hoạt động tại trung tâm TPHCM hiện cũng đang trong tình trạng tương tự, gần như không có khách. Nếu như đầu tháng trước, có những nơi còn có thể đạt công suất hơn 10%, thậm chí đến gần 30% như khách sạn vừa kể trên thì nay, công suất 5% đã được xem là cao. Thêm vào khó khăn đó, các sự kiện ẩm thực, hội nghị cũng gần như không có.
"Chúng tôi đã tổ chức được một số sự kiện ẩm thực sau giãn cách. Công suất phòng có lúc được gần 20% nhưng nay chỉ còn chừng 5%", ông Trương Đức Hùng, Giám đốc Khách sạn 5 sao Grand Sài Gòn nói.
Thông tin từ Sở Du lịch TPHCM cũng cho thấy bức tranh rất u ám của mảng khách sạn. Trong đó, những khách sạn thuộc phân khúc 3-5 sao đã phải cho nhân 90% cho nhân viên tạm nghỉ việc không hưởng lương. Ở phân khúc 1,2 sao và các cơ sở lưu trú đạt chuẩn tối thiểu phục vụ khách du lịch, tỉ lệ cho nhân viên nghỉ không lương dao động từ 82 - 86%.
"Nhiều khách sạn 3-5 sao chỉ còn 2% nhân viên làm việc để trực và bảo trì cơ sở vật chất. Tình hình rõ ràng rất là nghiêm trọng", bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM nói.
Xoay xở đủ cách để cải thiện dòng tiền
Trao đổi với TBKTSG Online, giám đốc nhiều khách sạn cho biết đang "xoay đủ đường", từ việc gia tăng dịch vụ, tiếp cận phân khúc khách hàng mới và cả áp dụng các phương pháp bán hàng mới để cải thiện dòng tiền nhưng tình hình chưa khả quan.
Với bộ phận phòng ngủ, việc giảm giá phòng để thu hút khách đến ở hiện không giúp các khách sạn cải thiện doanh thu vì khách quá lo sợ dịch bệnh nên không muốn đi ra ngoài nhiều.
Hiện tại, một số khách sạn đã chào các gói du lịch tại chỗ (staycation), cho người dân thành phố đến nghỉ ngơi, thư giãn trong lúc không thể đi du lịch xa vì dịch bệnh nhưng chưa thu hút được nhiều khách hàng.
Với mảng ẩm thực, để cải thiện doanh số, hàng loạt biện pháp được thực hiện trong thời gian giãn cách xã hội như giao hàng tận nơi, cho đầu bếp phục vụ khách tại nhà, tổ chức các tiệc bên ngoài khách sạn... tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ hơn.
Ông Trương Đức Hùng, Giám đốc Khách sạn Grand cho biết, khách sạn sẳn sàng giao những đơn hàng nhỏ và cho đầu bếp đến tận nhà chỉ để nấu một, hai món mà khách hàng yêu cầu. Với mảng tiệc bên ngoài khách sạn, Grand không chỉ chịu trách nhiệm nấu nướng, phục vụ như trước đây mà còn đảm nhận tất cả công việc cho sự kiện như trang trí, văn nghệ, dẫn chương trình...
"Khách hàng không muốn đến nơi công cộng vì sợ lây nhiễm nhưng vẫn có nhu cầu gặp mặt người thân, bạn bè tại nhà cho nên nhu cầu ăn uống, tiệc bên ngoài khách sạn là có. Chúng tôi tiếp cận phân khúc này và đã bắt đầu có khách", ông nói.
Những nơi khác, như khách sạn 5 sao Rex cũng đang đẩy mạnh mảng ẩm thực và tiếp thị thêm các dịch vụ mới như cung cấp dịch vụ cho các cuộc họp trực tuyến. Với gói này, khách hàng chỉ cần trả giá như dịch vụ của một hội nghị bình thường nhưng khách sạn cung cấp phòng họp lớn để đáp ứng yêu cầu giãn cách và các phương tiện kỹ thuật để thực hiện cuộc họp trực tuyến, kết nối trong và quốc tế với chất lượng cao.
Tong khó khăn, thị trường khách sạn tại TPHCM cũng đã xuất hiện cách bán hàng mới, là bán sỉ voucher phòng với giá thấp hơn giá bình thường lên đến vài chục phần trăm. Trước đây, cách này thường chỉ áp dụng ở những khu nghỉ dưỡng biển có số phòng lớn nhưng nay khách sạn thành phố cũng phải sử dụng để cải thiện dòng tiền.
"Chúng tôi đã bán được số lượng voucher tương đương với 2.000 đêm phòng. Khách mua là công ty du lịch. Đối tác chấp nhận bỏ tiền ra lúc này vì giá phòng rẻ hơn 30% so với giá thông thường mà họ vẫn mua nhưng lại được sử dụng đến hết năm sau", một doanh nhân nói và cho biết chỉ bán voucher cho những đối tác mua từ 500 đêm phòng trở lên.
Cùng với biện pháp để cải thiện doanh số, nhiều nhà điều hành đang cố gắng cắt giảm chi phí bằng việc yêu cầu chủ thuê giảm giá mặt bằng. Theo thông tin mà TBKTSG Online có được, hồi tuần trước, một thương hiệu có hơn 10 khách sạn loại nhỏ ở TPHCM đã gặp tất cả các chủ nhà để yêu cầu giảm giá thuê mặt bằng đến 80% vì không thể chịu đựng nổi sự khó khăn.
Đào Loan