Chào mừng kỷ niệm 19 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005-23/11/2024), chiều 22/11, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng khai mạc triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam”. Trong ảnh: các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc triển lãm.
Phát biểu khai mạc triển lãm, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng Nguyễn Thị Trinh cho biết, triển lãm nhằm mục đích tôn vinh những giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mỹ thuật dân gian truyền thống quý báu của dân tộc, đồng thời giới thiệu, quảng bá bộ sưu tập tranh dân gian của Bảo tàng đến người dân và du khách.
Với hơn 100 hiện vật tiêu biểu, triển lãm giới thiệu đến công chúng những tinh hoa của các dòng tranh dân gian trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam, gồm: tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, Làng Sình, tranh kính Huế, tranh kính miền Nam, tranh kính Khmer, tranh sơn mài dân gian, tranh gói vải...Những hiện vật gồm tranh và một số mộc bản được chọn từ bộ sưu tập 341 hiện vật do Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa (Hà Nội) và các nghệ nhân hiến tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng từ năm 2022 đến 2024.
Mỗi dòng tranh không chỉ mang giá trị nghệ thuật, thể hiện tình yêu cái đẹp và gu thẩm mỹ tinh tế, mộc mạc của người Việt qua các thời kỳ mà còn chứa đựng những câu chuyện văn hóa độc đáo, thể hiện ước vọng ngàn đời của người dân về cuộc sống hòa bình, ấm no và hạnh phúc.
Với cách phối màu tự nhiên, bố cục hài hòa, các nét khắc, vẽ điêu luyện, chuyển tải nhiều thông điệp sâu sắc về cuộc sống, tranh dân gian đã góp phần làm nên bản sắc của mỹ thuật dân gian Việt Nam nói riêng và bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung.
Tác phẩm Ngũ Hổ Thần Tướng - Dòng tranh dân gian Hàng Trống.
Tác phẩm Tố nữ - Dòng tranh dân gian Hàng Trống.
Thần Đất - Dòng tranh dân gian kính của người Khmer.
Bản khắc mộc in tranh Nghi dụng đệ tứ Đức Chầu khâm sai Thánh nữ - Dòng tranh dân gian làng Sình.
Bộ tranh thờ tự Sơn thủy - Dòng tranh dân gian kính miền Nam.
Kê cúc - Dòng tranh dân gian Đông Hồ.
Tranh thêu Huế - Chim công và hoa cúc.